Ngày 01/11, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Công nghệ, bản sắc văn hóa, tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, thực hành, giảng dạy mỹ thuật và thiết kế”. Hội thảo có sự tham dự của đông đủ Lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các đơn vị, các khoa đào tạo trực thuộc Trường; các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, thầy cô giáo, nghiên cứu sinh, sinh viên… PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt nam cũng tham dự Hội thảo khoa học này.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà thiết kế, nghệ sĩ, các giảng viên, nhà nghiên cứu trình bày những quan điểm, đề xuất của mình trước những thay đổi trong lĩnh vực nghệ thuật do công nghệ, toàn cầu hóa và sản xuất hàng loạt mang lại. Bên cạnh đó, hội thảo còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu biết và ứng dụng công nghệ, bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy tư duy sáng tạo trong thực hành, giảng dạy mỹ thuật và thiết kế.
Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực bao trùm rộng khắp trong mọi hoạt động của con người, đã và đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Tại Việt Nam, đầu thế kỷ XXI, Mỹ thuật ứng dụng đang là ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hoá, phát triển sâu rộng ở khắp các tỉnh, thành phố, là đòn bẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa tạo nên sự lớn mạnh nhanh chóng của hoạt động đào tạo ngành Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam. Nhiều năm trở lại đây, ngành Mỹ thuật ứng dụng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều sinh viên và đơn vị tuyển dụng bởi nhu cầu phát triển của xã hội, vị trí việc làm ngày càng đa dạng. Những tài năng của mỹ thuật ứng dụng cũng chính là nguồn nhân lực quan trọng góp phần phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo của đất nước. Các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam đang không ngừng tiếp cận, vận động để bắt kịp với sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ, nhu cầu xu hướng phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thực sự đạt được như mong muốn so với tốc độ phát triển của xã hội, do việc gắn kết giữa đào tạo với xã hội vẫn còn có những khoảng cách, chưa đủ sức tham gia giải quyết các mâu thuẫn của nền sản xuất và thương mại. Nhiều sản phẩm, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không thể hiện được giá trị thẩm mỹ mang bản sắc Việt. Các làng nghề đang bế tắc về mẫu mã, thiếu vắng những thiết kế mới mang dấu ấn, bản sắc đặc trưng khu vực, vùng miền, hay trong bối cảnh hội nhập, ngành du lịch Việt Nam cũng đang rất cần những điểm check in, mẫu mã quà tặng… có tính sáng tạo, đặc trưng để thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng hiện nay đang bị bỏ ngỏ.
Theo các nhà chuyên môn, Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện đang thừa nguồn nhân lực nhưng thiếu những nhà sáng tạo, thợ lành nghề, môi trường để kích cầu phát triển. Đặc biệt trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) với sự kết nối công nghệ, làm mờ ranh giới giữa các ngành khoa học, mang tính liên ngành toàn diện, đồng thời đem đến sự thay đổi về kỹ thuật, sản phẩm công nghệ phục vụ thị trường khác nhau, như thiết kế game, app ứng dụng (trên máy tính và điện thoại), sản phẩm mỹ thuật 3D (bản vẽ 3D, quảng cáo động, in 3D, phim 3D…) hội họa 3D, điêu khắc 3D, trí tuệ nhân tạo (AI)...
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt nam phát biểu tại Hội thảo.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài viết tâm huyết của các nhà nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; các nhà chuyên môn (họa sĩ, nhà thiết kế, nhà điêu khắc, nhà lý luận) và quản lý…, tham gia đóng góp với nhiều ý kiến về hoạt động mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng chung, và riêng của từng chuyên ngành.
Hội thảo “Công nghệ, bản sắc văn hóa, tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, thực hành, giảng dạy mỹ thuật và thiết kế” chia làm 2 phần: Phiên toàn thể hội thảo; Các phiên toạ đàm, Phiên bế mạc.
Ban tổ chức cho biết, sau khi kết thúc hội thảo, những kết quả thu được sẽ được biên tập lại và in thành Kỷ yếu hội thảo khoa học có mã số ISBN của Nhà xuất bản Mỹ thuật Việt Nam, được tính điểm theo quy định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Đồng thời BTC hội thảo cũng sẽ đúc kết các ý kiến thành những khuyến nghị lên các cơ quan chủ quản có thẩm quyền và những cá nhân có trách nhiệm trong việc quản lý mỹ thuật và thiết kế, nhằm phát triển tốt, đúng hướng của mỹ thuật và thiết trong tương lai, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật, con người Việt Nam đáp ứng với nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Lã Lương TH
Ảnh: Viện VHNTQGVN cung cấp
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục