Gắn kết di sản và du lịch để phát triển bền vững

Ngày đăng: 05/12/2024 Lượt xem: 104
Mặc định Cỡ chữ

Hội thảo khoa học quốc tế: “Di sản và du lịch từ tiếp cận Nhân học và liên ngành” do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD - Pháp) và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi về các mối quan hệ đa chiều giữa bảo tồn di sản, phát triển du lịch và cộng đồng địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn giá trị di sản trước những thách thức của thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hoá.

Gắn kết di sản và du lịch trong bối cảnh phát triển bền vững - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS. Lại Quốc Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, di sản là những gì quý báu nhất mà chúng ta thừa hưởng từ cha ông chúng ta. Đó có thể là tài nguyên thiên nhiên, là công trình văn hóa, là biểu đạt và phong tục tập quán, là chất liệu để tạo dựng nên bản sắc văn hóa của chúng ta. Hiện nay, đứng trước nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập thế giới, phát triển du lịch bền vững và công nghiệp văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong đó di sản văn hóa chính là nền tảng, nguồn lực, chất liệu quan trọng nhất cần phải được sử dụng, khai thác phát huy đúng cách.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng khẳng định, mối quan hệ giữa di sản và du lịch là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến cả chính sách, thể chế định hướng bảo tồn và phát huy cũng như khai thác di sản trong du lịch.

Di sản văn hóa là tiềm năng, nguồn lực trọng yếu để phát triển các hoạt động và sản phẩm thương mại du lịch. Từ đó, du lịch tạo ra sinh kế cho cộng đồng và tác động ngược trở lại tới công tác phục hồi và bảo tồn di sản.

Tuy nhiên, quá trình này cũng làm xuất hiện hiện trạng "hàng hóa hóa di sản", biến di sản trở thành sản phẩm thương mại một cách ồ ạt để phục vụ cho nhu cầu giải trí của du khách, làm mất đi ý nghĩa truyền thống, giá trị nghệ thuật vốn có, cộng đồng người dân địa phương mất bản quyền về bảo vệ di sản văn hóa vào tay các doanh nghiệp, người dân là chủ nhân của di sản trở lại thành người đi làm thuê thực hành các loại hình "nhại" di sản.

Gắn kết di sản và du lịch trong bối cảnh phát triển bền vững - Ảnh 2.

TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng phát biểu tại hội thảo

Qua đó, TS. Trần Hữu Sơn đề xuất rằng, cần có một hệ thống các giải pháp mang tính chất tổng thể. Đầu tiên phải xây dựng các thể chế, hoạch định chính sách quản lý một cách chặt chẽ, Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch cần bổ sung các điều, khoản về vai trò của cộng đồng với bảo tồn di sản, vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong phát triển du lịch một cách rõ ràng. Ngoài ra, nhà nước cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả, phân chia nguồn lợi phù hợp, đảm bảo cộng đồng nhận được những quyền lợi tương xứng, không bị "lép vế" so với doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn Nhân học và Giáo dục học, tại hội thảo, TS. Phan Phương Anh, giảng viên Khoa Nhân học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chỉ ra rằng, di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng không chỉ là nguồn tư liệu thực tế quý giá để củng cố kiến thức cho chương trình giáo dục phổ thông nội và ngoại khóa mà còn tích hợp được các mục tiêu giáo dục của thế kỷ 21 như phát triển kỹ năng hợp tác, giao tiếp và sáng tạo, làm chủ thông tin, hiểu bối cảnh địa phương trong thế giới toàn cầu,...

"Việc sử dụng di sản văn hóa như một học liệu cho giáo dục sẽ góp phần đạt được mục đích kép là thực hiện hóa mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện của chính phủ Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức về bản sắc văn hóa của chính cộng đồng chủ thể văn hóa, điều kiện tiên quyết trong công tác bảo vệ di sản" - TS. Phan Phương Anh nêu rõ.

Di sản và du lịch dưới góc tiếp cận Nhân học và liên ngành - Ảnh 3.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế

Những chia sẻ của các học giả tại hội thảo đã góp phần phân tích, đánh giá, lý giải thấu đáo hơn các vấn đề di sản gắn với du lịch ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, thêm vào đó, gợi mở những hướng đi mới, tháo gỡ những vướng mắc mà nền di sản và du lịch đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và nhu cầu bảo tồn gắn với phát triển kinh tế.

Nguồn: toquoc.vn

Bình luận