Bảo tàng với di sản Văn hóa ở lưu vực sông Mê Công và sông Hằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu

Ngày đăng: 15/06/2012 Lượt xem: 30.402
Mặc định Cỡ chữ

Tại thành phố Huế, trong hai ngày 11 và 12 tháng 6 năm 2012, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Bảo tàng với di sản văn hóa ở lưu vực sông Mê Công và sông Hằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu", với sự tài trợ của quỹ Rockefeller.

Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, ông Lê Văn Duy - Phó đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Đà Nẵng,  TS. Dương Bích Hạnh - đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện VHNT VN, PGS.TS Võ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng dân tộc học VN, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên Môi trường, các bảo tàng đóng trên địa bàn Thừa Thiên Huế và một số tỉnh miền Trung. Đặc biệt, là sự có mặt của gần 50 nhà khoa học thuộc các quốc gia: Australia, Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Hy Lạp, Lào, Nepal, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Trong phiên khai mạc, các đại biểu đã khẳng định: Biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tác động sâu sắc đến an sinh xã hội, đặc biệt phá hủy nghiêm trọng các di sản văn hóa của nhân loại. Hội thảo chính là sự thể hiện mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề bảo tồn di sản trước biến đổi khí hậu. Đồng thời, thông qua hội thảo này, các nhà khoa học sẽ có cơ hội thiết lập mối quan hệ, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đến di sản văn hóa, đặc biệt là với sự nghiệp bảo tồn bảo tàng.

Sau hai ngày diễn ra hội thảo, tương ứng với 3 tiểu ban, các tham luận đã trình bày các vấn đề liên quan đến: [1] Biến đổi khí hậu và di sản văn hóa; [2] Biến đổi khí hậu và bảo tàng; [3] Các nghiên cứu trường hợp.

Đối với vấn đề Biến đổi khí hậu và di sản văn hóa, các tham luận đã xác định các nguy cơ đối với di sản văn hóa do biến đổi khí hậu đem lại, với những dẫn dụ cụ thể ở Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Việt Nam, Lào, Campuchia… Từ đó khẳng định, biến đổi khí hậu là vấn đề không biên giới và các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của nó đến di sản không đơn thuần chỉ là các giải pháp công nghệ mà cần phải mang tính tổng hợp: kinh tế - chính trị - xã hội. Các tham luận cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của quốc gia mình trong việc đưa ra các chính sách nhằm bảo vệ các di sản văn hóa trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng các chương trình kế hoạch hành động phải dựa trên nghiên cứu với các thông số kỹ thuật và phương pháp cụ thể; các chính sách công cần tiến hành đồng bộ và có sự phối hợp ở nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau và nhất là phải đảm bảo tính công bằng; cần có sự nỗ lực phối hợp giữa công và tư với sự tham gia của người dân vào bảo vệ di sản; nâng cao nhận thức của người dân cũng như cán bộ trong các cơ quan tổ chức chính phủ về biến đổi khí hậu và tác động của nó đến hệ thống di sản v.v…

Đối với vấn đề Biến đổi khí hậu và bảo tàng, các báo cáo bày tỏ cách nhìn nhận về biến đổi khí hậu từ góc độ bảo tồn, bảo tàng. Từ đó, xác định vai trò của bảo tàng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; đề xuất các ý tưởng xây dựng các chương trình, dự án bảo tàng phù hợp. Trong đó, nhấn mạnh đến nhiệm vụ của bảo tàng trong việc xây dựng cho cộng đồng mỗi quốc gia, khu vực và cho cả nhân loại một lối sống phù hợp với môi trường sinh thái, góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.

Đối với các nghiên cứu trường hợp, các báo cáo đã trình bày các nghiên cứu cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu đến các di sản văn hóa ở lưu vực sông Mê Công và sông Hằng, như: di tích lịch sử văn hóa Óc Eo - Phù Nam, di sản văn hóa nước ở Vân Nam (Trung Quốc), di sản văn hóa ở Thái Lan, di sản văn hóa Huế, sự biến đổi về nước ở đảo Crete (Hy Lạp) v.v…

Kết thúc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, đã trình bày báo cáo tổng kết, khẳng định lại những điểm thành công của hội thảo, đây là lần đầu tiên, vấn đề di sản văn hóa, đặc biệt là sự nghiệp bảo tồn bảo tàng với vấn đề biến đổi khí hậu được Việt Nam đặt ra, làm cơ sở cho việc hình thành nên những chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã trình bày thư ngỏ của hội thảo, kêu gọi các cơ quan hữu quan, cộng đồng trong nước và quốc tế, các nhà khoa học cần quan tâm đúng mức và có chương trình hành động cụ thể trong việc bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu./.

Tin: Tâm Hạnh

Ảnh: Thái Bằng

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục