Tổ chức lễ hội truyền thống như là tổ chức sự kiện

Ngày đăng: 18/02/2011 Lượt xem: 32.452
Mặc định Cỡ chữ

Bùi Quang Thắng

PGS.TS, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Hơn chục năm qua, tôi có may mắn là được VICAS giao cho tổ chức - phục dựng nhiều lễ hội truyền thống, ví dụ:

- Lễ hội của 5 làng ở Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc - 1999 (lễ hội làng, đã thất truyền trên 50 năm).

- Lễ hội Xuân Phả, Thọ Xuân, Thanh Hóa - 2002 (Lễ hội làng, thất truyền gần 50 năm).

- Lễ hội Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa (2005).

- Lễ hội Kiếp Bạc, Hải Dương (2006).

- Lễ hội tịch điền Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam (2009, 2010).

- Lễ hội Lảnh Giang, Duy Tiên, Hà Nam (2009).

Sự thực hành tổ chức - phục dựng những lễ hội trên của VICAS nhằm vào mục đích chính là: Góp phần giải quyết những vấn đề lý luận về mô hình bảo tồn lễ hội, về chính sách phát triển văn hóa. Đây cũng là những vấn đề mà các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý văn hóa cũng như dư luận xã hội quan tâm:

- Mô hình bảo tồn lễ hội nguyên bản? (lễ hội 5 làng Tích Sơn, lễ hội Xuân Phả).

- Vấn đề chống sân khấu hóa lễ hội và chủ thể của lễ hội? (lễ hội Lam Kinh, lễ hội Kiếp Bạc).

- Mô hình bảo tồn - phát triển lễ hội trong đời sống đương đại? (lễ hội Tịch điền và lễ hội Lảnh Giang).

Từ những nghiên cứu thực nghiệm trên, tôi sẽ cố gắng trình bày ở tham luận này quan điểm của mình: Tổ chức lễ hội truyền thống như là tổ chức sự kiện - một mô hình tích cực để di sản sống được trong lòng xã hội đương đại.

1. Cần nhận diện chính xác vốn lễ hội truyền thống ở Việt Nam

Gần đây có nhiều ý kiến (kể cả báo giới lẫn các nhà nghiên cứu) cho rằng lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại đang vận hành một cách hỗn loạn theo chiều hướng tiêu cực: bị biến dạng, mất đi bản sắc và vì thế kém hấp dẫn. Tôi cho rằng, ý kiến kiểu này là không xác đáng, bởi sự nhầm lẫn căn bản: Họ luôn chỉ căn cứ vào những lễ hội truyền thống tiêu biểu, có bản sắc nhất trong kho tàng lễ hội Việt Nam để làm căn cứ nhận định, trong khi đại đa số các lễ hội truyền thống của ta ở các làng quê hầu như đang được bảo lưu một cách nghèo nàn, ná ná nhau như chính nó vốn có.

Vì vậy, cần phải nhận diện kho tàng lễ hội truyền thống của ta chính xác hơn thì mới biết sự phát triển hay biến dạng của lễ hội ngày nay như thế nào.

Tôi đã thực hiện một số dự án tổng điều tra văn hóa phi vật thể ở một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hội An. Những số liệu mà chúng tôi thu thập được đã phản ánh khá chính xác về vốn lễ hội mà các địa phương đã và đang có, những số liệu này cũng phản ánh khá trung thực chất lượng của những lễ hội này.

Những số liệu thu thập được từ nghiên cứu điền dã đã được xử lý theo 4 mức độ biểu thị 4 loại chất lượng của lễ hội truyền thống như sau:

- Lễ hội đặc sắc (loại *): Là lễ hội có tục hèm, hoặc có diễn xướng dân gian độc đáo, ngoài ra còn có: (1). Có đình (đền,…), (2). Còn sắc phong, (3). Có thần phả, (4). Có rước, (5). Có tế, (6). Có nhạc bát âm, (7). Có múa hoặc hát thờ, (8). Có trò chơi dân gian, (9). Có lễ vật đặc biệt, (10). Đọc sớ bằng chữ nho

- Lễ hội loại khá (loại A): Có 6/10 thành tố trên

- Lễ hội loại bình thường (loại B): Không có rước

- Không có lễ hội ( loại C): Không có lễ hội, hoặc đã bị mất

Ví dụ ở Hà Nội (cũ):

+ Ở khu vực ngoại thành:

 

Loại *

Loại A

Loại B

Loại C

Từ Liêm

0 (0.0 %)

36 (85.71%)

4 (9.5%)

2 (4.75%)

Đông Anh

1 (0.9%)

13 (11.71%)

60 (54.05%)

37 (33.33%)

Gia Lâm

1 (0.71%)

49 (32.25%)

72 (51.80%)

17 (12.23%)

Thanh Trì

1 (1.4%)

42 (61.76%)

22 (32.35%)

3 (4.2%)

Sóc Sơn

0 (0.0%)

15 (9.03%)

51 (30.72%)

100 (60.24%)

Tổng cộng

3 (0.57%)

155 (29.46%)

209 (39.73%)

159 (30.23%)

[Nguồn: Phan Hồng Giang (chủ biên), Văn hóa phi vật thể ở Hà Nội, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2005.]

+ Nội thành (các lễ hội ở phường)

 

Loại *

Loại A

Loại B

Loại C

Hoàn Kiếm

0 (0%)

3 (12.0%)

7 (28.0%)

15 (60.0%)

Đống Đa

0 (0%)

6 (28.57%)

5 (23.81%)

10 47.62%)

Ba Đình

0 (0%)

3 (25.0%)

6 (50.0%)

3 (25.0%)

Hai Bà Trưng

0 (0%)

4 (16.67%)

9 (37.50%)

11 (45.83%)

Tây Hồ

0 (0%)

4 (50.0%)

4 (50.0%)

0 (0.0%)

Thanh Xuân

0 (0%)

3 (27.27%)

2 (18.18%)

6 (54.55%)

Cầu Giấy

0 (0%)

2 (28.57%)

4 (57.14%)

1 (14.29%)

Tổng cộng

0 (0%)

25 (23.15%)

37 (35.19%)

46 (42.59%)

[Nguồn: Phan Hồng Giang (chủ biên), Văn hóa phi vật thể ở Hà Nội, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2005.]

Ví dụ ở Hà Nội cũng đã cho thấy: Sự thực, tỷ lệ những lễ hội có chất lượng cao/ có bản sắc chỉ chiếm số phần trăm rất nhỏ so với tổng số lễ hội của địa phương và số liệu này đã phản ánh tương đối đúng thực trạng chất lượng lễ hội làng của chúng ta từ xưa. Như vậy, bên cạnh những lễ hội đặc sắc (loại *) và phục hồi lại những yếu tố văn hóa độc đáo đã bị thất truyền ở một số lễ hội (loại A) (mà những lễ hội này có thể được bảo tồn theo mô hình nguyên gốc), thì đại đa số lễ hội truyền thống của ta chỉ ở tình trạng “nhàn nhạt”. Nói một cách khác, thực trạng lễ hội mà nhiều người cho là bị “xuống cấp” hiện nay không phải là một sự biến đổi tiêu cực mà là bức tranh lễ hội “nguyên bản” của cha ông ta để lại.

Xưa, những lễ hội làng bình thường như vậy cũng là đủ để thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng làng (thờ cúng các vị thần hay thành hoàng làng mình, qua đó cố kết cộng đồng), nay nhu cầu mở lễ hội của các cộng đồng không chỉ dừng lại ở đó mà họ luôn mong muốn làm thế nào đó để hấp dẫn du khách ở các nơi về dự, vừa để làm cho làng mình ngày càng trở nên danh giá hơn, mặt khác cũng tạo cơ hội để nguồn thu từ di sản ngày càng tăng hơn .

Vấn đề được đặt ra rất rõ ràng là: Hoặc chúng ta bảo tồn lễ hội chỉ theo mô hình nguyên gốc - tức là chúng ta chấp nhận tình trạng “dậm chân tại chỗ" một cách nghèo nàn, đơn điệu của đại đa số lễ hội truyền thống ở Việt Nam; hoặc ngược lại, chúng ta phải tìm tòi, sáng tạo để canh tân, phát triển vốn lễ hội (là vốn văn hóa đầy tiềm năng) của mình.

Tôi cho rằng, với sự phát triển kinh tế xã hội ngày nay, với nhu cầu văn hóa - du lịch ngày càng tăng của các tầng lớp nhân dân, bên cạnh việc bảo tồn nguyên gốc những lễ hội truyền thống kinh điển thì việc phát triển những lễ hội truyền thống có tiềm năng là một mô hình bảo tồn tích cực để mang lại lợi ích cho các cộng đồng.

2. Tổ chức lễ hội truyền thống như là sự kiện văn hóa có quy mô lớn, mang tính độc đáo là nhu cầu chính đáng của các tỉnh/ thành ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các tỉnh/ thành phố ở nước ta đã dần dần trở thành một đơn vị chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa - xã hội mang tính độc lập tương đối: Mỗi địa phương này được quyền chủ động trong việc hoạch định chính sách phát triển riêng phù hợp với những đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương mình (dĩ nhiên là phải trong khuôn khổ của những chính sách của Đảng và Nhà nước).

Vì vậy công việc đầu tiên mà người ta cần làm là xây dựng biểu tượng cho tỉnh/thành phố của mình. Các nhà lãnh đạo của các địa phương đã nhận thấy ngay rằng, trong vấn đề này không có gì tốt hơn, ít tốn kém hơn là phát huy những biểu tượng văn hóa sẵn có (vốn di sản) trong địa phương mình. Có thể đưa ra một vài ví dụ: Quảng Ninh có Hạ Long, Quảng Bình có Phong Nha - Kẻ Bàng, Hà Tây (cũ) có chùa Hương, Hà Nội có Văn miếu, hồ Gươm, Hải Dương có Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hưng Yên có Phố Hiến, Nam Định có đền Trần, Ninh Bình có Hoa Lư, Hải Phòng có Đồ Sơn…

Những di sản được các địa phương lựa chọn làm biểu tượng của tỉnh/thành phố mình không chỉ phù hợp với ý chí của các nhà lãnh đạo mà còn rất phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Ta thấy, hầu hết ở tất cả những địa danh được nêu trên đều là những nơi diễn ra những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất của tỉnh, có khả năng thu hút khách du lịch từ các địa phương khác trong nước và khách quốc tế.

Những lễ hội truyền thống này nếu được tổ chức, được khuyếch trương, quảng bá một cách khoa học như là tổ chức một sự kiện thì nó không chỉ mang lại thương hiệu văn hóa cho địa phương mà chúng còn mang lại những lợi ích rất rõ ràng trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh, ở tại các cộng đồng có diễn ra lễ hội:

- Các cộng đồng sở tại có nguồn thu ổn định ở những dịp lễ hội, ít nhất họ cũng cân đối được khoản kinh phí mà họ phải chi cho tổ chức lễ hội (từ các nguồn: Thu phí xe máy, xe ô tô, cho thuê địa điểm dịch vụ ăn uống và giải trí và một số nguồn tài trợ khác). Nhân dân ở các cộng đồng này có công ăn việc làm (bán đồ lễ, nhà trọ, viết sớ, xe ôm, dịch vụ ăn uống). Có những nơi công việc này được duy trì quanh năm (như đền Kiếp Bạc, đền Lảnh Giang). Qua đó, ý thức bảo tồn di tích và tham gia lễ hội của các cộng đồng được nâng cao hơn.

- Nhà nước cũng thu được một khoản tiền không nhỏ (từ tiền bán vé vào thăm di tích, tiền công đức, hoặc kinh phí được giao khoán cho những người quản lý di tích…).

- Là cơ hội để các nhà hảo tâm đóng góp cho di tích và để kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất cho địa phương sở tại

- Dĩ nhiên, lợi ích lâu dài và quan trọng nhất là quảng bá hình ảnh địa phương. Lợi ích của việc quảng bá này không chỉ ở khía cạnh kinh tế (thu hút khách du lịch, thu hút các nguồn đầu tư) mà còn ở khía cạnh tinh thần: khơi dậy và kích thích lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa của mình.

Vì vậy, nếu những lễ hội truyền thống này được đầu tư nâng cấp để trở thành một biểu tượng văn hóa thì nó sẽ đạt được nhiều mục đích:

- Trở thành biểu tượng riêng của địa phương

- Thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương

- Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương

Rõ ràng, việc lựa chọn một (hay vài) lễ hội truyền thống nào đó ở từng địa phương để biến nó thành một sự kiện nổi trội trong và ngoài tỉnh là một cách làm khôn ngoan và hợp lý của các nhà lãnh đạo các tỉnh/ thành phố ở Việt Nam hiện nay, bởi nó ít tốn kém nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao và tương đối toàn diện (đặc biệt là về mặt truyền thông). Cũng chính vì vậy chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao ở một số tỉnh, do chưa có những lễ hội truyền thống có nhiều tiềm năng, nên họ buộc phải quảng bá hình ảnh của mình bằng những lễ hội đương đại, mặc dù cách làm này tốn kém hơn, và chưa thực sự bám rễ vào trong lòng người dân như những lễ hội truyền thống vốn đã tồn tại hàng trăm năm.

Thực tiễn những lễ hội mà chúng tôi tổ chức phục dựng theo cách thức tổ chức một sự kiện đã chứng minh những luận điểm trên, xin dẫn 2 trường hợp:

- Lễ hội Kiếp Bạc của tỉnh Hải Dương được tổ chức nâng cấp năm 2006 (với số vốn là 1.200.000.000đ). Bên cạnh việc phục dựng những nghi lễ cổ truyền mà người dân ở các cộng đồng sở tại đảm nhiệm (như tế lễ, rước sách, múa rồng, đánh trống…), nhiều hoạt động có tính đột phá trên phương diện truyền thông đã trở thành điểm nhấn của lễ hội như: Diễn xướng “Hội thủy quân” của hàng trăm thuyền đi biển do các cộng đồng ngư dân từ Cát Bà, Đồ Sơn và Hải Dương tự nguyện tham gia, “Liên hoan diễn xướng hầu thánh” (hầu đồng), hệ thống nghi lễ lần đầu tiên được tu chính một cách bài bản, lần đầu tiên phục dựng “lễ ban ấn của Hưng Đạo Đại Vương” và màn pháo bông làm hàng vạn người dân quanh vùng náo nức. Mặc dù không có truyền hình trực tiếp nhưng báo giới từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh đều đưa tin và bình luận về sự kiện này một cách khác thường. (Ví dụ tờ “Sài Gòn tiếp thị” đã giật tít “Cấp sổ đỏ cho Hầu Đồng” và tác giả bài báo - ảnh này đã bình luận rằng "nếu được phép chọn, tôi sẽ chọn lễ hội Kiếp Bạc 2006 là sự kiện văn hóa nổi trội trong năm”). Toàn bộ những đầu tư (vật chất và "công nghệ” tổ chức, vận hành lễ hội) vào lễ hội đã được ban quản lý di tích Kiếp Bạc tiếp nhận và những năm sau họ đều tự đứng ra tổ chức lễ hội với một mức kinh phí tối thiểu (300.000.000đ). Thậm chí, những năm sau, với sự đóng góp của những tín đồ đạo mẫu, họ đã tổ chức thêm được một hoạt động định kỳ lớn nữa là lễ cầu an. Thương hiệu mà lễ hội đã tạo được là:

- Đây là nơi diễn ra liên hoan hầu đồng lớn nhất, có uy tín nhất ở Việt Nam. Những ai được tham gia liên hoan này được coi là “đồng to, bóng lịch sự”.

- Nơi đây là nơi duy nhất có diễn xướng “hội thủy quân” của hàng trăm chiến thuyền

Về mặt kinh phí, ngoài việc xã có nguồn thu riêng từ hai ngôi đền Nam Tào, Bắc Đẩu, từ thu phí xe máy và ô tô, cho thuê dịch vụ, hàng năm Ban quản lý di tích thu được hàng chục tỷ từ tiền bán vé và công đức trong nội khu đền Kiếp Bạc để nộp cho ngân sách nhà nước (năm 2006: 9 tỷ, năm 2007: 11 tỷ).

- Lễ hội tịch điền Đọi Sơn 2010: kinh phí đầu tư 1.500.000.000đ.

Hà Nam là một tỉnh mới được tái lập lại (tách từ tỉnh Nam Hà) và vì thế trong nhận thức của người dân ở cả nước không phải ai cũng biết rõ về vị trí địa lý cũng như những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, du lịch… của tỉnh. Mong muốn xây dựng một biểu tượng văn hóa để quảng bá hình ảnh , tiềm năng kinh tế, du lịch của tỉnh là một nhu cầu thiết thực không chỉ của lãnh đạo mà còn của nhân dân toàn tỉnh.

Nhận thấy khu di tích Đọi Sơn có nhiều tiềm năng văn hóa du lịch (sông Châu, núi Đọi, chùa Long Đọi Sơn, làng nghề làm trống Đọi Tam và đặc biệt là những huyền tích liên quan đến các vị vua như Lê Đại Hành và các vị vua nhà Lý), lãnh đạo tỉnh Hà Nam có ý tưởng phục dựng lễ hội tịch điền ở đây để:

- Xây dựng một biểu tượng văn hóa độc đáo cho Hà Nam (bởi nơi đây có sự tích vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền - sự kiện được các sách sử ghi chép như là vị vua đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành nghi lễ này, các nơi khác cũng có nhưng không phải là đầu tiên).

- Làm điểm nhấn để khu vực Đọi Sơn trở thành một cụm sản phẩm văn hóa du lịch trong "tour" du lịch chùa Hương (Hà Tây cũ) - Đọi Sơn (Hà Nam) - chợ Viềng (Nam Định) - Bái Đính (Ninh Bình)

Trên cơ sở lấy cộng đồng xã Đọi Sơn làm chủ thể của lễ hội (trong đó, nhân dân làng Đọi Tam là hạt nhân), các nghi lễ chính đã được diễn ra theo những khuôn mẫu của truyền thống (lễ cáo yết, rước nước, sái tịnh, mộc dục, tế, rước sách…) nhưng được nâng cấp với quy mô hoành tráng hơn (ví dụ tăng số lượng người tham gia rước thần, trang phục, nghi trượng, cờ quạt, lễ vật…). Trong 2 ngày 1 đêm, nhiều hoạt động hấp dẫn của lễ hội đã thu hút hàng vạn khách thập phương và nhân dân địa phương tham dự. Những hoạt động đã tạo nên thương hiệu của lễ hội này là:

- Hội thi vẽ/ trang trí trâu (ngày 6 tháng giêng): Đây là hoạt động độc đáo (chỉ ở lễ hội tịch điền mới có) và được tổ chức theo cách thức một Fringe festival về nghệ thuật (trong khuôn khổ của lễ hội tịch điền nói chung) với sự tham gia của nhiều họa sỹ đương đại từ các miền của đất nước và nước ngoài.

- Màn đốt cây bông, pháo bông (tối mùng 6 tháng giêng): thu hút hàng vạn người dân

- Lễ tịch điền (ngày 7 tháng giêng): Đây cũng là hoạt động độc đáo, chỉ có ở lễ hội tịch điền, Hà Nam

Trên thực tế, hai lễ hội trên đã tạo được thương hiệu văn hóa cho hai tỉnh Hải Dương và Hà Nam mặc dầu kinh phí đầu tư để phục dựng, nâng cấp cho những lễ hội này rất khiêm tốn.

3. Một số vấn đề lý luận được đặt ra từ kinh nghiệm tổ chức - phục dựng - phát triển lễ hội thành những sự kiện (qua trường hợp lễ hội Lam Kinh, lễ hội Kiếp Bạc, Lễ hội Tịch điền và lễ hội Lảnh Giang)

3.1. Cơ sở lý thuyết

Ở nước ta hiện nay, nhiều nhà quản lý và nhiều học giả có thẩm quyền trong lĩnh vực di sản ở nước ta vẫn đang bảo vệ và cổ súy cho những quan điểm bảo thủ đối với bảo tồn di sản và vì thế, những mô hình bảo tồn di sản khác với quan điểm trên thường chưa được họ chấp nhận như là một trong những mô hình bảo tồn di sản.

Thực ra, những tri thức mới về các mô hình bảo tồn di sản đã được phổ biến trong giới nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam: Đã có hẳn một luận án tiến sỹ trình bày về những vấn đề lý luận này.

Ashworth. - một học giả có uy tín hiện nay - đã tổng kết từ thực tế bảo tồn di sản ở nhiều nước trên thế giới thành 3 quan điểm và tương ứng với nó là 3 mô hình bảo tồn di sản:

3.1.1. Bảo tồn y nguyên

Đây là quan điểm dựa trên quan điểm bảo tồn văn hoá vật thể của các nhà bảo tàng học. Quan điểm này cho rằng, các sản phẩm của quá khứ cần được bảo tồn nguyên dạng như nó vốn có. Quan điểm này phát triển từ năm 1850 và thịnh hành một thời gian dài. Các nhà bảo tàng học nước ta cũng chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi quan điểm này.

Đối với lễ hội truyền thống - một loại hình văn hoá phi vật thể - thì việc xác định đâu là các yếu tố nguyên gốc sẽ gặp phải những khó khăn. Một mặt, những thay đổi lịch sử tác động đến sự biến đổi về chức năng của các lễ hội dẫn đến biến đổi cấu trúc lễ hội, mặt khác, bất cứ một lễ hội nào cũng tự tích hợp những yếu tố văn hoá của thời đại hoặc ngoại lai (dù vô tình hay hữu ý) để thích nghi với từng thời đại.

Điều quan trọng hơn là: bản chất của truyền thống nói chung và lễ hội nói riêng là sự lựa chọn và sáng tạo của từng cộng đồng. Các nhà bảo tồn hãy thử hình dung: Nhiều cộng đồng làng mà lễ hội của họ xưa kia không được đầy đủ lệ bộ, không có quy mô lớn... đã học hỏi những nghi thức, diễn xướng ở những lễ hội khác để làm cho lễ hội làng mình "hoành tráng" hơn, thu hút khách thập phương hơn? Chẳng lẽ điều đó là sai? Là không nguyên gốc và như thế là di sản như vậy không có giá trị ư?

3.1.2. Bảo tồn trên cơ sở kế thừa

Quan điểm này thừa nhận sự biến đổi của di sản, nhưng lại cực đoan: Quan điểm này cho rằng mỗi di sản văn hoá có nhiệm vụ lịch sử ở những không gian và thời gian cụ thể, những mặt tích cực của chúng phải được phát huy cho phù hợp với nhu cầu thời đại, ngược lại những mặt tiêu cực phải bị loại bỏ.

Di sản, nhất là di sản văn hoá phi vật thể luôn là một thực thể hữu cơ không thể chia cắt thành những yếu tố tích cực/tiêu cực; tiến bộ/lạc hậu; tốt/xấu... Vì thế khi chúng bị chia cắt một cách siêu hình thì lập tức bị biến dạng và tiêu vong. Thực tiễn ở Việt Nam đã cho thấy, với quan điểm bảo tồn này nhiều lễ hội chỉ còn lại phần "hội", nhiều hình thái văn hoá gắn với tín ngưỡng cổ xưa, nhiều diễn xướng dân gian có giá trị bị coi là dị đoan và bị cấm thực hành. Rõ ràng bảo tồn di sản theo quan điểm này sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là nhiều hình thái văn hoá cổ truyền mà dưới con mắt của người đương thời là không phù hợp sẽ bị gỡ bỏ và di sản sẽ không còn toàn vẹn nữa.

3.1.3. Bảo tồn - phát triển

Đây là quan điểm hiện nay đang chiếm vị trí chủ đạo trong giới học thuật cũng như giới quản lý văn hoá ở nhiều nước phát triển trên thế giới.

Quan điểm này không bận tâm với việc tranh cãi nên bảo tồn y nguyên như thế nào, nên kế thừa cái gì từ quá khứ mà đặt trọng tâm vào việc làm thế nào để di sản sống và phát huy được tác dụng trong đời sống đương đại.

Hạt nhân của quan điểm lý thuyết này là khái niệm "tính xác thực" (hay “tính chân thực”) của di sản (Authenticity of Heritage ): Nếu như các quan điểm truyền thống cho rằng độ chân thực là cốt lõi của di sản thì ngày nay người ta lại đánh giá thấp vai trò của tính chân thực này: Chân thực hay không không phải là một giá trị khách quan mà nó được đo bằng trải nghiệm.

Một trong những ví dụ tiêu biểu minh hoạ cho tính chân thực của di sản không quan trọng đối với việc quản lý, khai thác, và phát huy di sản là trường hợp bảo tàng dành cho thám tử Sherlock Holmes ở phố Baker, London và khu rừng ở Nottingham của Robin Hood, [Xem 2].

Hoặc tương tự như vậy ở Trung Quốc người ta xây dựng những "Vườn đào kết nghĩa" của 3 anh em Lưu - Quan - Trương trong truyện Tam quốc diễn nghĩa mà không phụ thuộc vào việc sự thực vườn đào ấy có thực hay không, ở đâu trong lịch sử v.v…

Với mô hình lý thuyết này, một lễ hội truyền thống có thể được tổ chức như cách người ta tổ chức một sự kiện, nghĩa là lễ hội ấy:

- Đa mục đích, đa chức năng (không chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh của cộng đồng làng, mà còn phục vụ du lịch, hoặc không chỉ là biểu tượng văn hóa của một cộng đồng làng mà còn có thể trở thành biểu tượng văn hóa của một cộng đồng lớn hơn như một tỉnh chẳng hạn….). các lễ hội mà VICAS phục dựng hay nâng cấp giúp các tỉnh (Kiếp Bạc, tịch điền, Lảnh Giang) đều hướng tới tính đa mục đích này

- Tính chân thực của lễ hội truyền thống chỉ mang tính tương đối: Lễ hội tịch điền đã được phục dựng mà không nhất thiết phụ thuộc 100% vào những cứ cứ liệu trong sách sử (vốn chỉ có vài dòng), hoặc quá phụ thuộc vào việc mảnh ruộng Kim - Ngân thực sự ở vị trí nào ở Đọi Sơn, hoặc vào thời Tiền Lê triều phục như thế nào là đúng vv... Điều quan trọng là cộng đồng chấp nhận và tự hào về những gì đã được phục dựng như là một truyền thống của họ.

- Có thể dựng thêm những trình diễn (theo phong cách dân gian hay hiện đại đều được) để tái dựng lại huyền tích của các vị thánh mà lễ hội truyền thống tôn vinh. Thông thường, ở lễ hội truyền thống các hèm hoặc các diễn xướng dân gian độc đáo luôn tạo nên thương hiệu của lễ hội ấy (ví dụ “bơi Đăm”, “rước Giá”, “Dã La”… ở Hà Nội, “linh tinh tình phộc” ở Tứ Xã, Phú Thọ, “leo cầu bóp vú”, “tứ dân”, “cướp phết” ở Vĩnh Phúc.vv..), tuy nhiên, số lượng các lễ hội có thương hiệu này quá ít ỏi, vì vậy, người đời nay phải sáng tạo thêm để mỗi lễ hội có những đặc trưng riêng của mình (đó là trường hợp diễn xướng “hội thủy quân trên sông Lục Đầu” của lễ hội Kiếp Bạc, là diễn xướng “bọc trứng và 3 ông rắn” ở đền Lảnh Giang, diễn xướng “vua đi cày” ở lễ hội tịch điền…)

- Có thể sử dụng những yếu tố đương đại, thậm chí có thể đưa thêm vào cơ cấu chung của lễ hội những yếu tố văn hóa đương đại nhằm tăng tính hấp dẫn của lễ hội.

- Cần sử dụng các tri thức và kỹ năng truyền thông để tiếp thị, quảng bá và khuyếch trương thương hiệu của di sản.

3.2. Một số vấn đề lý luận được rút ra từ những thử nghiệm mô hình bảo tồn - phát triển lễ hội truyền thống ở Việt Nam

3.2.1. Các cộng đồng sở tại phải là chủ thể của lễ hội truyền thống

Từ hàng chục năm nay, những khuôn mẫu lễ hội được tổ chức theo kiểu sân khấu hóa (như lễ hội đền Hùng) được thường xuyên truyền hình trực tiếp trên vô tuyến truyền hình đã ảnh hưởng mạnh đến tư duy của các cán bộ quản lý văn hóa ở các tỉnh thành trong cả nước. Họ thường đưa các lực lượng văn công chuyên nghiệp xuống và trình diễn cho người dân xem. Hậu quả tiêu cực nhất mà cách làm lễ hội này mang lại là: Thứ nhất, biến người dân vốn là chủ thể của lễ hội thành những người khán giả đơn thuần; Thứ hai, khi lực lượng nòng cốt này rút đi thì toàn bộ những gì đã được đầu tư cũng “rút” theo. Điều này đi ngược lại với nguyên lý bảo tồn di sản: Di sản văn hoá phải được bảo tồn sống trong lòng các cộng đồng.

Để tránh xu hướng làm lễ hội theo cách sân khấu hóa như trên đồng thời để người dân các cộng đồng sở tại tham gia vào lễ hội như là chủ thể, trong các lễ hội như Lam Kinh (2005), Kiếp Bạc (2006) tịch điền (2009 và 2010), Lảnh Giang (2009), chúng tôi đã dạy lại cho người dân những kỹ năng để họ thực hành những lễ nghi truyền thống và tự trình diễn được những diễn xướng mang tính nghi lễ và tự tổ chức các trò chơi dân gian trong lễ hội, đồng thời trang bị cho họ những nghi trượng, nghi vật chủ chốt để họ có thể thực hành những nghi lễ và diễn xướng này. Quan trọng hơn, chúng tôi đã tính đến khả năng bảo lưu những gì mà người dân đã học được bằng cách truyền đạt lại quy trình và kỹ năng quản lý lễ hội cho cán bộ văn hóa địa phương thông qua chỉ dẫn trực tiếp tại hiện trường và hướng dẫn gián tiếp qua video về lễ hội. Lễ hội Kiếp Bạc có thể coi là một trường hợp điển hình của sự thành công này: Ngay năm sau (2007), không cần đến sự hỗ trợ nào của VICAS nữa, nhưng ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng với chính quyền và nhân dân sở tại đã tự tổ chức lễ hội Kiếp Bạc với đầy đủ lễ nghi và các diễn xướng độc đáo mà chúng tôi đã tạo dựng được ở lễ hội năm 2006.

Toàn bộ những đầu tư về vật chất (nghi vật, nghi trượng, trang phục, cờ quạt, trang trí…) cho lễ hội đều được bảo lưu và được sử dụng ở những lễ hội của những năm tiếp theo. Vì vậy, nhà nước hầu như chỉ phải đầu tư lớn một lần cho lễ hội, những năm sau chỉ cần sử dụng một lượng kinh phí khiêm tốn là các cộng đồng có thể vận hành lễ hội trơn tru (ví dụ như các lễ hội cấp tỉnh như lễ hội Kiếp Bạc, tịch điền hiện nay chỉ cần chừng 300 đến 500 triệu)

Trong quá trình tổ chức lễ hội, chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc: Không áp đặt ý chí chủ quan của mình vào cộng đồng. Từ xây dựng kịch bản tổng thể đến kịch bản chi tiết ở từng nghi thức, diễn xướng của lễ hội, từ phân công thực hiện đến luyện tập chúng tôi luôn thảo luận cùng với lãnh đạo địa phương và những người đại diện cho các cộng đồng. Điều đó đã tạo được lòng tự hào của người dân về lễ hội mà họ đã góp công góp sức xây dựng nên. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần để lễ hội sống trong lòng cộng đồng.

3.2.2. Vai trò của những yếu tố đương đại trong lễ hội truyền thống

- Tạo nên tính hoành tráng

Ngay cả khi chúng ta bảo tồn lễ hội theo mô hình bảo tồn nguyên gốc thì nhiều nghi thức, diễn xướng cổ truyền cũng được đương đại hóa, ít nhất ở số lượng người tham gia các nghi lễ hay diễn xướng đó.

Đám rước chẳng hạn: Nếu xưa kia, một lễ hội làng thì số lượng người rước cờ trong đám rước chỉ vào khoảng 20 người, đi hàng một, ngày nay, một lễ hội làng bình thường cũng có ít nhất gấp đôi số lượng này và thường đi thành hai hàng, những lễ hội cấp tỉnh thì số lượng người rước cờ này lên tới hàng trăm người (như lễ hội tịch điền có 200 quân cờ theo đám rước, lễ hội Lam Kinh và Kiếp Bạc cũng vậy). Cùng với sự gia tăng số lượng của những bộ phận khác (đội rồng, kiệu Thánh, đồ lỗ bộ, các mâm lễ vật, trống chiêng, đại biểu các xã, các làng…) đoàn rước của các lễ hội truyền thống xét về mặt số lượng người tham gia đã hoành tráng hơn rất nhiều. (Đoàn rước của lễ hội Lam Kinh lên tới 600 người, ở lễ hội tịch điền là 500 người, ở Lảnh Giang có 400 người tham gia đám rước)

Những đại diễn xướng mà số người tham gia lên tới hàng trăm người không chỉ làm cho lễ hội truyền thống có những điểm nhấn (có diễn xướng độc đáo) mà còn làm cho lễ hội truyền thống trở nên hoành tráng hơn. (Ví dụ mỗi diễn xướng “diễu quân” hay diễn xướng “kéo chữ Thái Bình” ở lễ hội Lam Kinh đều có tới 200 người tham gia, xưa ở các hội làng thì những diễn xướng kiểu này đông lắm cũng chỉ lên tới 50 người).

Ngoài ra, những yếu tố đương đại cũng đã tham gia vào hầu hết nghi trình của lễ hội từ khâu trang trí, tạo không gian ngày đặc biệt cho lễ hội cho đến những kỹ thuật hiện đại về ánh sáng, âm thanh và văn hóa ẩm thực.

- Tạo nên tính độc đáo

Như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu của bài viết: Số lượng lễ hội có tính độc đáo bởi những trò diễn độc đáo/hèm (như trò “linh tinh tình phôc” (Tứ Xã - Phú Thọ) hay “leo cầu bóp vú” (Vĩnh Phúc) hay như tục “tháo khoán” ở Dã La (Hà Tây cũ…) hay bởi những đại diễn xướng có một không hai như “đánh trận” của hội Phù Đổng, “cướp phết” ở Hiền Quan (Phú Thọ) hay Bàn Giản (Vĩnh Phúc), cướp cầu dưới bùn ở làng Vân (Bắc Ninh)… là rất ít ỏi. Những lễ hội có những trò này rất nổi tiếng và hấp dẫn du khách (người ta biết lễ hội này bởi chính sự nổi tiếng của các trò, diễn xướng độc đáo này). Dĩ nhiên, với những lễ hội như thế này, những trò diễn/diễn xướng cổ kia càng được bảo tồn nguyên gốc bao nhiêu càng có giá trị.

Tuy nhiên, đối với những lễ hội khác, không có tính độc đáo, nhiều khi chúng có rất nhiều thuận lợi và thế mạnh, nhưng nếu không tạo được những trò diễn/ diễn xướng có tính độc đáo, có một không hai thì cũng sẽ bị hòa lẫn vào hàng ngàn lễ hội khác trên cả nước ta. Vì thế, khi tổ chức một lễ hội truyền thống nào đó chúng ta phải lưu ý đến khả năng có thể tái dựng hoặc sáng tạo thêm những trò diễn/ diễn xướng độc đáo để nó trở nên khác biệt với những lễ hội khác. Những sáng tạo này có thể theo thể thức và ngôn ngữ dân gian (tính tập thể, hành vi hướng thần, người dân tham gia trình diễn) nhưng cũng có thể là những sáng tạo dựa trên thể thức dân gian (hướng thần) nhưng ngôn ngữ lại là của nghệ thuật đương đại. Khi tổ chức các lễ hội khác nhau, chúng tôi đã sử dụng cả hai phương thức sáng tạo trên và chúng đều mang lại hiệu quả về tính độc đáo:

Các diễn xướng như “hội thủy quân” của lễ hội Kiếp Bạc, hay “diễu quân”, “kéo chữ” ở lễ hội Lam Kinh, trình diễn trống của đội trống nữ làng Đọi Tam, hay diễn xướng “vua đi cày” ở lễ hội tịch điền được sáng tạo mới hoàn toàn nhưng lại tuân thủ những nguyên tắc của diễn xướng dân gian (hướng thần, tính tập thể, người dân tham gia diễn xướng) đã tạo nên tính độc đáo của những lễ hội này (chỉ đến lễ hội ấy mới được xem những diễn xướng này)

Các diễn xướng như “Bọc trứng rắn và 3 ông rắn thiêng” ở lễ hội đền Lảnh Giang - là những sáng tạo hoàn toàn mới, dựa trên ngôn ngữ (nghệ thuật âm nhạc, hình thể, tạo hình đương đại) và tính chất của nghệ thuật đương đại (nghệ thuật chức năng) đã tạo được những hiệu quả thị giác mạnh cho người dự lễ hội: Họ đều cảm thấy tính linh thiêng nhưng đồng thời cũng tri giác được sự tích vốn rất thoại huyền của những vị Thánh được thờ ở ngôi đền này. Cuối cùng, nhờ những sáng tạo mới này, lễ hội đền Lảnh Giang đã tạo được nét độc đáo bên cạnh những nghi lễ thông thường của một lễ hội truyền thống.

- Thỏa mãn nhu cầu văn hóa của giới trẻ

Xưa, các cụ đã tổng kết một câu để nói về sự thành công hay không của một lễ hội truyền thống: "tả tơi xem hội”, không được vậy tức là hội nhạt. Vì thế, ngay ở trong cấu trúc của những lễ hội truyền thống kinh điển thì bên cạnh những lễ nghi nghiêm ngặt, những trò diễn/diễn xướng độc bản thì bao giờ cũng có vô số những trò vui khác (từ trò chơi dân gian, đến văn nghệ dân gian, đến thi đấu thể thao và văn hóa ẩm thực).

Nay, nguyên lý ấy vẫn hoàn toàn đúng đối với việc tổ chức các lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại, thậm chí nó còn trở thành nguyên lý quan trọng nhất dẫn đến sự thành công toàn diện của một lễ hội. Tuy nhiên, khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ ở thành phố (với tính di động xã hội cao, học vấn cao, thu nhập cao) sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu của mình nếu lễ hội chỉ có những trò chơi dân gian hoặc những trò chơi điện tử tầm thường, hoặc chỉ có những tiết mục văn nghệ, thể thao bình dân. Những thử nghiệm của chúng tôi ở lễ hội Kiếp Bạc, tịch điền, Lảnh Giang về những festival nghệ thuật như là một festival ”phụ”,“bên cạnh” (Fringe Festival) đã rất thành công trong việc thỏa mãn nhu cầu văn hóa - nghệ thuật cho những người đi dự lễ hội, đặc biệt là giới trẻ.

Ở Lễ hội Kiếp Bạc, bên cạnh ngày lễ chính tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương, chúng tôi đã tổ chức liên hoan diễn xướng hầu Thánh (hầu đồng) trong liên tục 5 đêm của lễ hội. Festival nghệ thuật cổ truyền này không chỉ thu hút hàng ngàn con nhang đệ tử của đạo mẫu mà còn thu hút hàng vạn lượt người đến xem.

Ở lễ hội tịch điền, hội thi vẽ trang trí lên mình trâu thực chất là một festival nghệ thuật của các họa sỹ đương đại đến từ các miền của đất nước và nước ngoài. Qua 2 năm được tổ chức, festival này đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân quanh vùng: Cứ tới ngày 6 tháng giêng, hàng vạn người dân, báo giới đã tụ tập ở trước đàn tế thần Nông để xem vẽ trâu và bình phẩm về các tác phẩm sống động này.

Ở lễ hội Lảnh Giang, bên cạnh những nghi lễ chính để tưởng niệm vị thánh có công với dân với nước (như lễ rước của các làng xã Mộc Nam, lễ tế…) thì chúng tôi đã đồng thời tổ chức thêm 2 festival nghệ thuật: Một là “festival nghệ thuật hầu đồng cổ truyền”, một là Festival “body art”, trong đó nhiều họa sỹ đương đại đã về đây để tham gia vẽ lên chàng trai thôn quê - những “nhân vật” của lễ hội truyền thống. Cả 2 festival “phụ” này diễn ra trong 3 ngày của lễ hội và nó đã thu hút được sự chú ý của dư luận cũng như sự tham gia của du khách, đặc biệt là giới trẻ.

3.2.3. Tổ chức lễ hội truyền thống như là tổ chức như một sự kiện- một vài kinh nghiệm

Kinh nghiệm của chúng tôi đã cho thấy, muốn tổ chức lễ hội truyền thống thành sự kiện văn hóa nổi bật, có sức lan truyền mạnh, cần phải chú ý tác động đến những đối tượng sau với những mong đợi khác nhau và tương ứng với chúng là những biện pháp tác động khác nhau:

Nhóm đối tượng

Mong đợi

Biện pháp tác động

Người dân ở các cộng đồng sở tại

- tính hoành tráng của lễ hội

- lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa mà lễ hội có thể đem lại cho cộng đồng

- Tuyên truyền chủ trương nâng cấp lễ hội của làng thành lễ hội cấp tỉnh, phân tích những lợi ích mà họ được hưởng và nghĩa vụ mà họ cần đóng góp.

- Chủ thể lễ hội là chính nhân dân ở các cộng đồng sở tại (chính họ tuyên truyền và mời mọc những người quen của họ đến với lễ hội)

Khách du lịch

 

- Thỏa mãn nhu cầu tâm linh

- Hiếu kỳ với cái giật gân, cái mới

- Tính giải trí cao

- Tổ chức và chính thức hóa những hình thức trình diễn tôn giáo - tín ngưỡng (ví dụ liên hoan hầu đồng ở Kiếp Bạc, Lảnh Giang)

- Sử dụng nghệ thuật đương đại như là những thành tố hữu cơ của lễ hội (như body art, các trình diễn ở đền Lảnh Giang, hay hội vẽ trâu ở tịch điền) kèm theo là tên tuổi của những nghệ sỹ đương đại nổi tiếng

- Nhiều hoạt động phụ trợ như mua bán, trò chơi, thi đấu và thưởng thức nghệ thuật

Báo giới

 

- Có những tin tức mới, “hot”, giật gân

- phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức

- Cái mới, độc đáo, duy nhất, cái khác thường

- Gắn với tên tuổi của những nghệ sỹ nổi tiếng

- Bên cạnh lễ hội chính, cần có những hoạt động nghệ thuật, giải trí như những festival phụ, hỗ trợ

Các nhà tài trợ

(thường chỉ thực hiện được từ năm thứ hai trở đi)

- Quy mô lễ hội phải lớn, thu hút được hàng vạn người

- Những lợi ích về quảng cáo

- tăng vốn xã hội

- Những tài liệu làm bằng cứ về số lượng người tham gia lễ hội, số lượng các báo, các Website đưa tin về lễ hội)

- Tính chuyên nghiệp của nhà tổ chức (thể hiện ở các hình thức quảng bá, tuyên truyền như họp báo, truyền hình trực tiếp, các tài liệu về lễ hội được in ấn công phu…và uy tín của nhà tổ chức)

- Cơ hội để gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao cấp của địa phương

Tổ chức lễ hội truyền thống như một sự kiện không chỉ có nghĩa là nhà tổ chức tập trung kinh phí, trí tuệ, nhân lực vào công tác tuyên truyền, PR, tiếp thị, chạy tài trợ và quảng bá cho lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên internet… Đó chỉ mới là những kỹ năng truyền thông sự kiện. Ở đây, nhà tổ chức còn cần phải có kiến thức về lễ hội truyền thống, có năng lực thẩm định nghệ thuật và tuân thủ quy trình của khoa học tổ chức sự kiện (từ khâu nghiên cứu, đánh giá hiện trạng về những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thách thức, những điểm yếu… đến việc thảo luận để tìm ra ý tưởng độc đáo, đến khâu quản lý, điều hành, và những kỹ năng truyền thông đồng bộ khác như đã nói ở trên)

Trong các khâu, khâu quan trọng nhất chính là việc tạo ra được ý tưởng độc đáo, mới lạ và từ đó đưa ra được kết cấu chương trình lễ hội hợp lý.

Những ý tưởng mà chúng tôi đưa ra làm nền tảng cho những lễ hội như Kiếp Bạc, tịch điền hay Lảnh Giang đều có tính độc đáo, khác thường: Diễn xướng hội thủy quân và festival hầu đồng ở Kiếp Bạc, hội vẽ trâu và lễ tịch điền, diễn xướng “bọc trứng rắn và 3 ông rắn”… đều mới cả về hình thức lẫn nội dung, gây ấn tượng và tranh cãi, thu hút giới truyền thông và dư luận xã hội.

- Về mặt kết cấu chương trình, bên cạnh những lõi văn hóa của lễ hội truyền thống, nhà tổ chức phải sáng tạo thêm những trò diễn, diễn xướng hoặc những Fringe Festival nghệ thuật (truyền thống và đương đại) sao cho những sáng tạo ấy vừa mới (gây sốc càng tốt), vừa độc đáo (không đâu có), vừa hấp dẫn giới trẻ nhưng lại phải phù hợp với những điều kiện không gian, lịch sử và văn hóa của địa phương ấy.

Tóm lại, tổ chức lễ hội truyền thống như tổ chức một sự kiện là phải làm thế nào đó để một mặt tạo ra được những nét văn hóa độc đáo cho lễ hội truyền thống để tự những sự độc đáo về văn hóa này hấp dẫn giới truyền thông và du khách, mặt khác, phải chủ động trong công tác truyền thông,quảng bá, tiếp thị để lễ hội được truyền bá rộng rãi và tăng cường khả năng thu hút tài lực từ các nguồn khác nhau. Qua đó, sự kiện lễ hội vừa có thể quảng bá cho di sản vừa có nguồn tài chính để bảo tồn di sản mà không cần trông chờ vào nguồn kinh phí bảo tồn của Nhà nước./.

B.Q.T

Tài liệu tham khảo

1. Phan Hồng Giang (chủ biên), Văn hóa phi vật thể ở Hà Nội, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2005.

2. Bùi Hoài Sơn, Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ từ năm 1945 đến nay, luận án tiến sỹ, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, 2006.

3. Ashworth, G. J., (1997), “Elements of Planning and Managing Heritage Sites”, in Nuryanti, W., Tourism and Heritage Management, Gadjah Mada University Press, pp. 165-191.

 

Bình luận