Các chính sách về di sản Văn hóa phi vật thể của tổ chức Unesco và quá trình toàn cầu hóa

Ngày đăng: 18/02/2011 Lượt xem: 10.174
Mặc định Cỡ chữ

Dawnhee Yim

Giáo sư trường đại học Dongguk

Hàn Quốc

 

I. Các chính sách về di sản văn hóa phi vật thể của tổ chức UNESCO

Văn hóa thường được phân chia thành hai phương diện đối lập nhau: phương Tây đối lập với không phương Tây, nam đối lập với nữ, tinh hoa đối lập với dân gian, hay vật thể đối lập với phi vật thể; trong mỗi trường hợp như vậy thì yếu tố trước bao giờ cũng được trọng vọng hơn yếu tố sau. Đặc biệt là với trào lưu hiện đại hóa và sự bành trướng của nền văn minh phương tây, các nền văn hóa phương tây thường được xem là hợp thời hơn, có giá trị hơn, và được coi trọng hơn những nền văn hóa không phương Tây - những nền văn hóa bị cho là lạc hậu và bị coi thường. Những quan niệm về sự khác biệt văn hóa này là kết quả của quá trình toàn cầu hóa văn hóa châu Âu và Mỹ, bởi vì các nền văn hóa không-phương-Tây không có được tầm ảnh hưởng lớn như vậy.

Tương tự, theo các nhà ủng hộ thuyết bình đẳng nam nữ thì văn hóa nữ giới từ lâu nay luôn bị coi là kém giá trị và kém quan trọng hơn văn hóa nam giới. Các nhà phê bình văn hóa cũng nhấn mạnh rằng rằng văn hóa dân gian thường bị cho là cổ hủ, lạc hậu, và đáng bị quên lãng.

Di sản văn hóa phi vật thể cũng bị coi là kém quan trọng hơn di sản văn hóa vật thể. Mặc dù tổ chức UNESCO đã thông qua “Công ước bảo vệ các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa” vào năm 1972, nhưng phạm vi của di sản văn hóa được quy định trong Công ước chỉ giới hạn ở những di sản văn hóa vật thể, chẳng hạn như Kim tự tháp ở Ai Cập hay Vạn lý trường thành ở Trung Quốc. Phải sau 31 năm sau, tức là vào năm 2003, công ước về di sản văn hóa phi vật thể mới được thông qua. Điều này cho thấy có sự phân biệt đối xử đối với loại hình văn hóa phi vật thể. Sự không công bằng nói trên ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Sự phát triển trong các lĩnh vực như nghiên cứu văn hóa, nhân chủng học, văn hóa dân gian, và nghiên cứu giới tính đã đưa ra cảnh báo về sự vô lý của việc phân cấp các loại hình văn hóa. Những nghiên cứu trên chỉ ra rằng bất cứ nền văn hóa nào cũng quan trọng và mang ý nghĩa riêng. “Tuyên bố toàn cầu về tính đa dạng của văn hóa” của tổ chức UNESCO (năm 2001) có chung quan điểm với nguyên tắc này. Sau công ước năm 1972 về việc bảo tồn các di sản văn hóa thế giới, nhiều nước thành viên của tổ chức UNESCO đã kêu gọi xây dựng hệ thống bảo tồn di sản văn hóa truyền thống và văn hóa dân gian. Vào năm 1989, Đại hội đồng của UNESCO cuối cùng đã thông qua “Nghị quyết về việc bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống và văn hóa dân gian”. Đại hội đưa ra đề xuất rằng các nước thành viên cần phải thực hiện các chương trình tập huấn về công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, và lập danh sách các di sản văn hóa này. Đại hội cũng đồng thời cam kết thực hiện một loạt các biện pháp bảo tồn cần thiết khác. Tuy nhiên, do Nghị quyết năm 1989 chưa đạt hiệu quả nên năm 1998, tổ chức UNESCO đã thông qua trương trình bảo vệ các kiệt tác văn hóa phi vật thể và văn hóa truyền miệng của nhân loại. Chương trình này được bắt đầu với công việc bình chọn các di sản văn hóa phi vật thể. Cứ hai năm một lần, mỗi nước thành viên được phép đưa ra một di sản văn hóa phi vật thể để bình chọn. Việc đánh giá và công nhận các kiệt tác di sản văn hóa phi vật là do một hội đồng chuyên gia quốc tế tiến hành.

Năm 2001, có 19 di sản văn hóa phi vật thể và văn hóa truyền miệng được công nhận. Năm 2003, con số này là 28 và lên tới 43 vào năm 2005. Như vậy tính đến năm 2005, có tất cả 90 kiệt tác văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Chỉ trong một thời gian ngắn, việc công bố các di sản văn hóa phi vật thể và văn hóa truyền miệng đã thu hút được nhiều sự quan tâm và nhiệt tình của cộng đồng quốc tế. Cho tới năm 2001, có 31 nước tham gia chương trình nhưng đến năm 2005, con số này đã lên tới 91 nước, gần gấp ba lần so với năm 2001. Mối quan tâm ngày càng tăng của của cộng đồng thế giới đã đóng vai trò quan trọng cho việc xây dựng Công ước Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể. Tại phiên bế mạc Đại hội đồng lần thứ 32 của UNESCO ngày 17 tháng 10 năm 2003, Công ước mới đã được thông qua với đa số phiếu thuận. Công ước này mang tính pháp lý cao và ngay sau khi được phê chuẩn, các di sản văn hóa phi vật thể sẽ được bảo tồn dưới sự hợp tác và giám sát chặt chẽ của các nước thành viên.

Mặc dù đã được Đại hội đồng của UNESCO thông qua vào ngày 17 tháng 10 năm 2003, để có hiệu lực, Công ước vẫn cần được 30 nước thành viên phê chuẩn. Ngày 20 tháng 01 năm 2006, Rumania trở thành nước thứ 30 phê chuẩn Công ước. Ngày 20 tháng 4 năm 2006, sau đó ba tháng, Công ước chính thức có hiệu lực. Tổng giám đốc tổ chức UNESCO, ông Koichiro Matsuura tỏ ra lo ngại cho các kiệt tác văn hóa phi vật thể của thế giới bởi những mối đe dọa đến loại hình văn hóa này xuất phát từ quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra trên khắp thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn mà nhiều quốc gia đã tham gia phê chuẩn công ước, điều đó cho thấy nhiều quốc gia ý thức được rằng các biện pháp bảo vệ quốc tế đối với các di sản văn hóa thế giới là hết sức cần thiết. Cho đến năm 2009, công ước này đã được 116 nước thành viên phê chuẩn.

Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có thể được phân biệt theo nhiều cách khác nhau. Nếu như di sản văn hóa vật thể là những hiện vật mang ý nghĩa lịch sử của nhân loại trong quá khứ thì di sản văn hóa phi vật thể lại là những truyền thống văn hóa đang sống, trong đó chứa đựng phong tục tập quán và những trải nghiệm cuộc sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu như di sản văn hóa vật thể mang tính cố định và không thay đổi thì di sản văn hóa phi vật thể lại mang tính động và liên tục thay đổi theo thời gian. Nói cách khác, nếu như di sản văn hóa vật thể là di sản chết thì di sản văn hóa phi vật thể là di sản sống.

Đương nhiên, nội dung các công ước bảo tồn hai loại hình di sản văn hóa này là khác nhau. Công ước bảo tồn di sản văn hóa vật thể luôn nhấn mạnh tính xác thực và giá trị của hiện vật lịch sử. Hay nói cách khác, tiêu chuẩn đánh giá dựa trên sự hiện diện của những cấu trúc lịch sử hoặc sự hiện diện của những đặc điểm đặc trưng của kỷ nguyên trên di tích. Ngược lại, bởi vì các di sản văn hóa phi vật thể liên tục thay đổi theo thời gian, nên việc xác định tính xác thực của chúng dựa vào những đặc điểm đặc trưng của một kỷ nguyên nào đó là một việc làm gần như không thể thực hiện được.

Hơn nữa, giá trị lớn nhất của các di sản văn hóa phi vật thể là ở chỗ các di sản này thể hiện tính đa dạng và bình đẳng của chúng. Không thể so sánh và đưa ra kết luận rằng di sản phi vật thể này quan trọng hơn hay có giá trị hơn di sản phi vật thể kia. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa Công ước 1972 về công tác bảo tồn di sản văn hóa và di sản thiên nhiên của thế giới và Công ước quốc tế 2003 về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Trong Công ước năm 1972, điều khoản thứ nhất và điều khoản thứ hai nói rằng, những hạng mục văn hóa được cộng nhận là di sản văn hóa (di sản văn hóa vật thể) của thế giới phải là những di sản “có giá trị nổi tiếng toàn cầu”, tuy nhiên định nghĩa di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước quốc tế năm 2003 lại không có tiêu chuẩn đánh giá như vậy. Thay vào đó, Công ước quốc tế năm 2003 nói rằng cần phải biên soạn một bản thống kê các di sản văn hóa phi vật thể bao gồm hai loại: (1) Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đang đứng trước nguy cơ biến mất và (2) Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Điều 16 và điều 17, Công ước quốc tế năm 2003).

Việc xác định di sản văn hóa vật thể là di sản văn hóa của thế giới dựa trên cơ sở “có giá trị nổi tiếng toàn cầu” của các di tích lịch sử. Kim tự tháp, Vạn lý trường thành và các công trình kiến trúc lịch sử có giá trị tương tự được ghi nhận là di sản văn hóa vật thể của nhân loại. Và những quốc gia sở hữu một vài công trình kiến trúc lịch sử như vậy được cho là quốc gia văn minh. Ngược lại, những quốc gia không sở hữu các di sản này thì bị cho là yếu kém hơn. Châu Âu vượt trội về số lượng các di sản văn hóa được công nhận trong khi các quốc gia khác, nơi có số lượng các di sản văn hóa được công nhận ít hơn, có mặc cảm rằng các công trình kiến trúc lịch sử của họ đã bị tước đoạt đi giá trị lịch sử và văn hóa của chúng.

Tuy nhiên, những nền văn hóa không phương Tây lại đang dẫn đầu với 90 di sản được UNESCO công nhận là các di sản văn hóa phi vật thể tính đến năm 2005. Trong số 90 di sản văn hóa được công nhận này, có 7 di sản mang tính đa quốc gia và trong 83 di sản còn lại thì 27 di sản (chiếm 1/3) nằm ở khu vực Châu á Thái Bình Dương. Tại một cuộc họp liên chính phủ gần đây diễn ra tại Abu Dhabi (Tháng 11 năm 2009), có 77 di sản văn hóa phi vật thể của thế giới được ghi vào danh sách những di sản tiêu biểu, đa số nằm ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Có nhiều trường hợp trong đó di sản văn hóa phi vật thể được công nhận lại chính là biểu tượng của quốc gia. Đặc biệt, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa khi văn hóa phương Tây đang lan truyền khắp thế giới, thì các nền văn hóa truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ bị mất. Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của mỗi quốc gia chính vì vậy là vô cùng quan trọng. Tất nhiên, các nước phương Tây cũng đang mất dần nền văn hóa truyền thống, nhưng các nước này chỉ mất đi “những cái cũ”, còn nền văn hóa của họ vẫn liên tục phát triển và làm mới để phù hợp với thời đại. Còn ở các nền văn hóa không-phương-Tây thì thay vào nền văn hóa truyền thống đang dần dần biến mất là những diện mạo văn hóa mới mang nguồn gốc Phương Tây. Một ví dụ là nhạc truyền thống pansori (anh hùng ca) ở Hàn Quốc, loại nhạc này ngày càng ít người quan tâm. Hầu hết giới trẻ Hàn Quốc thích nghe nhạc opera và nhạc pop của Phương Tây, mặc dù họ vẫn ý thức được rằng pansori là nhạc truyền thống. Điều này hoàn toàn có thể diễn giải tại sao các quốc gia không-phương-Tây đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.

Một loạt các chính sách của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể của thế giới đều mang những hàm ý sau đây. Thứ nhất, thay vì quan niệm di sản văn hóa vật thể là loại hình văn hóa chính, cần phải nhận thức được rằng di sản văn hóa phi vật thể cũng có giá trị và tầm quan trọng đối với nhân loại như di sản văn hóa vật thể. Thứ hai, do các nước phương Tây sở hữu phần lớn các di sản văn hóa vật thể, nên việc công nhận các di sản văn hóa phi vật thể ở các nước không-phương-Tây hiện tại lại được quan tâm nhiều hơn.

Giá trị tiềm lực lớn nhất đối với di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ toàn cầu hóa chính là nó chống lại sự thống trị toàn cầu của các nền văn hóa khu vực. Trong thời kỳ hiện đại, thời kỳ phương Tây hóa, văn hóa phương Tây đã và đang lan rộng và thịnh hành trên toàn thế giới. Chẳng hạn như âm nhạc Mỹ, điện ảnh Mỹ, ẩm thực Mỹ không chỉ được tiêu dùng trên đất Mỹ mà còn được tiêu dùng ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Việc tất cả mọi người trên khắp thế giới cùng nghe một dòng nhạc, cùng nhảy các điệu nhảy giống nhau, và có chung ẩm thực là điều rất nhàm chán và không mong muốn. Các nhà sinh vật học đã chỉ ra nhu cầu cùng tồn tại của nhiều loài để duy trì một thế giới lành mạnh. Bởi vì nếu một loài để tồn tại lại hủy hoại các loài khác thì thế giới sẽ bị diệt vong. Tương tự như vậy, dưới sự ảnh hưởng quá lớn của trào lưu phương Tây hóa, chỉ còn cách duy nhất là phải bảo tồn và duy trì các di sản văn hóa phi vật thể đang bị biến mất ở các nền văn hóa không-phương-Tây, thì nền văn hóa đa dạng của nhân loại mới được cứu vãn. Điều này cần thiết cho sự sống còn của toàn bộ nhân loại.

Tôi đã từng đưa ra quan điểm rằng các chính sách về di sản văn hóa phi vật thể ngày nay nên có những định hướng khác với các chính sách về di sản văn hóa vật thể. Di sản văn hóa vật thể của thế giới bao gồm các di sản và các di tích lịch sử được công nhận có giá trị nổi tiếng toàn cầu. Phần lớn các di sản này đều thuộc phương Tây. Điều này làm nảy sinh sự phân biệt phần còn lại của thế giới là “khác” là “không phương Tây”. Nơi nào có nhiều di sản được công nhận thì được cho là giỏi hơn, văn minh hơn và phát triển hơn. Ngược lại nơi nào có ít di sản được công nhận thì bị cho là yếu kém hơn. Quá trình cạnh tranh gay gắt để được công nhận những di sản văn hóa vật thể được đã thể hiện rất rõ điều này. Việc đánh giá thứ bậc dựa vào số lượng các di sản được công nhận và tính cạnh tranh của các chính sách về di sản văn hóa vật thể hoàn toàn mang lô-gíc phương Tây cũng như các chính sách này vô hình chung tạo cho các xã hội phương Tây quyền bá chủ thế giới.

Các chính sách về văn hóa phi vật thể mới được ban hành đã đưa ra những cách nhìn nhận và đánh giá các di sản văn hóa một cách mới mẻ hơn. Cần phải rũ bỏ quan điểm vượt trội hơn đối với những di sản văn hóa phi vật thể. Thay vì nhìn nhận văn hóa theo quan điểm thứ bậc của giá trị và tính cạnh tranh, tất cả các di sản văn hóa phi vật thể đều có giá trị riêng và cần phải được đánh giá dưới góc độ tương đối về văn hóa. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu – cha đẻ của khái niệm di sản văn hóa phi vật thể, cần phải tìm hiểu về giá trị văn hóa của loại hình này. Các di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần phải được tìm hiểu và trân trọng ngang bằng với các di sản văn hóa vật thể.

Quá trình toàn cầu hóa các di sản văn hóa phi vật thể.

Ngay sau khi được đưa vào danh sách các di sản văn hóa của UNESCO, các di sản văn hóa mà trước đó chỉ là tài sản của một quốc gia đã trở thành một phần của Di sản Văn hóa Thế giới và có thể được trình diễn ở nhiều quốc gia.

Vậy bằng cách nào để di sản văn hóa phi vật thể đạt được vị thế bình đẳng với di sản văn hóa vật thể và được đánh giá đúng mức trong bối cảnh toàn cầu? Trước tiên cần phải hiểu đúng về di sản văn hóa phi vật thể của từng quốc gia. Cần phải hình thành và nuôi dưỡng quan điểm này. Không giống như di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và những người biểu diễn loại hình di sản văn hóa này có thể di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Mỗi di sản văn hóa phi vật thể của mỗi quốc gia đều thể hiện sự cùng tồn tại của toàn bộ nhân loại và mang những nét đặc trưng của cộng đồng trong khu vực, nơi tạo ra và lưu truyền di sản văn hóa đó. Di sản văn hóa phi vật thể có thể được cộng đồng dân cư địa phương lưu truyền hàng trăm năm nếu không muốn nói là hàng nghìn năm, và mang tính hiện thực lịch sử. Đây là một truyền thống được chọn lọc bởi trong quá trình lưu truyền, nó luôn được thay đổi và thích nghi với thời đại. Tương tự, truyền thống này cũng mang các đặc trưng của văn hóa khu vực. Vì vậy, khi giới thiệu một di sản văn hóa phi vật thể của vùng này ở vùng khác thì cần phải giải thích đầy đủ các đặc điểm địa phương của nó để khán giả của các vùng khác có thể lĩnh hội được ý nghĩa của di sản văn hóa đó. Việc chỉ đơn thuần biểu diễn một di sản văn hóa phi vật thể mà không giới thiệu về bối cảnh lịch sử cũng như xã hội đồng nghĩa với việc chưa quan tâm đúng mức đến di sản văn hóa đó. Trong một hội thảo quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức ở Trung quốc mà tôi tham gia với tư cách là khách mời của Viện nghệ thuật Trung Quốc, tôi đã gặp một giáo sư đang giảng dạy tại Khoa âm nhạc dân tộc thuộc Đại học California ở Los Angeles. Bà đã chia sẻ với tôi về những trải nghiệm trong quá trình giảng dạy môn pansori, một di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc. Khi bà cho sinh viên nghe bản pansori, họ lắng nghe một cách thiếu tập chung và tỏ ra không hề hứng thú với loại hình nghệ thuật này. Trong một bài giảng khác, bà bắt đầu bằng cách cho sinh viên xem phim Seopyeonje, một bộ phim nói về các ca sĩ pansori và cuộc sống nghệ thuật của họ, rồi sau đó bà cho sinh viên nghe pansori để minh họa. Hôm đó, sinh viên trở lên hứng thú với nhạc pansori và cảm nhận được chất nghệ thuật của loại nhạc này. Nói một cách khác, khi giới thiệu một loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà chỉ đơn thuần giới thiệu bản thân nghệ thuật đó thì sẽ không đạt được mục đích. Ngược lại, khi bối cảnh xã hội, văn hóa và lịch sử được giới thiệu thì khán giả sẽ hiểu và nhờ đó cảm thụ và hiểu được ý nghĩa của di sản văn hóa đó. Bằng cách này, chúng ta có thể thấy rằng việc tạo ra và truyền bá một di sản văn hóa phi vật thể bới các cá nhân, các nhóm người hoặc các cộng đồng được đánh giá và trân trọng.

Cũng cần xem xét đến khía cạnh sở hữu trí tệ của các di sản văn hóa phi vật thể. Bản quyền của các cộng đồng đã sản sinh ra và lưu truyền các di sản văn hóa phi vật thể phải được tôn trọng. Thường khi nói đến bản quyền, chúng ta chỉ giới hạn ở một tác phẩm nghệ thuật của một cá nhân. Tuy nhiên di sản văn hóa phi vật thể không phải do một cá nhận tạo nên mà đó chính là sản phẩm của cả cộng đồng. Vấn đề quyền sở hữu và một số quyền khác đối với di sản văn hóa phi vật thể hiện do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chịu trách nhiệm. Tổ chức này đang soạn thảo các điều luật nhằm bảo vệ khối kiến thức truyền thống cũng như các tác phẩm văn hóa truyền thống. Những điều luật này nhằm bảo vệ người dân trong cộng đồng- chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể. Luật bản quyền không chỉ khẳng định quyền sở hữu đối với di sản văn hóa mà còn bao hàm những quy định đối với việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể cho những mục đích xấu. Tổ chức WIPO cũng xem xét các vấn đề pháp lý của Luật quốc tế và Luật quốc gia.

Các Trung Tâm văn hóa phi vật thể ở khu vực châu Á – Thái bình dương.

Nhằm tăng cường sự hiểu biết quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức UNESCO đã ủy quyền cho việc thành lập 3 Trung tâm Di sản Văn hóa Phi vật thể ở Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và ngày 21 tháng 10 năm 2009, đã công nhận Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là các Trung tâm Di sản Văn hóa Phi vật thể Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ba trung tâm này được đưa vào hạng mục văn hóa thứ hai (các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu). Đây là bước tiến của việc trước đó chỉ công nhận một Trung tâm Văn hóa cho một khu vực. Ba Trung tâm Văn hóa Phi vật thể này được phân chia trọng trách khác nhau. Trung tâm văn hóa ở Hàn Quốc chịu trách nhiệm về lĩnh vực thông tin và liên lạc, Trung tâm ở Trung Quốc chịu trách nhiệm về giảng dạy và đào tạo chuyên gia, còn Trung tâm ở Nhật bản thì chuyên về nghiên cứu.

Việc thành lập ba Trung tâm văn hóa ở khu vực Châu Á là bước phát triển rất có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể bởi nó đã thúc đẩy những nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều nơi.

So sánh với một số biện pháp bảo tồn di sản văn hóa vật thể, các chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể không có chuẩn mực đơn thuần. Ví dụ, phương pháp bảo tồn các công trình kiến trúc bằng gỗ của Trung Quốc có thể áp dụng cho công tác bảo tồn các công trình kiến trúc bằng gỗ ở Hàn Quốc. Theo cách đó, công nghệ bảo tồn các di sản văn hóa vật thể của quốc gia này có thể áp dụng ở bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực mà không cần phải điều chỉnh nhiều.

Ngược lại, các định nghĩa và khái niệm về văn hóa phi vật thể thường trái ngược nhau, và bản thân mỗi di sản văn hóa phi vật thể đều có tính biến đổi rất cao. Và cũng bởi vì di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm mang tính lịch sử, xã hội và văn hóa của một địa phương, nên phương pháp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương này không thể áp dụng một cách dễ dàng ở địa phương khác được.

Tất nhiên, mặc dù các định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể đã được giải thích trong Công ước năm 2003, khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể bao gồm nhiều dạng thức khác nhau, và cách hiểu hay nhận thức của mỗi quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể luôn thay đổi là điều cần thiết. Khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể ở một quốc gia bao hàm những yếu tố văn hóa phi vật thể cần phải được bảo tồn ở quốc gia đó. Chẳng hạn có một số quốc gia đề cập đến không gian mở (như chợ và các trung tâm buôn bán) với tư cách là một phần di sản văn hóa phi vật thể của họ. Còn một số quốc gia khác lại không có quan điểm như vậy. Hơn nữa, nhận thức của mỗi quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể là hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và chính trị của mỗi nước. Trào lưu phương Tây hóa cộng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã làm tăng tốc độ biến mất của nền văn hóa truyền thống.

Thêm vào đó, các quốc gia và các khu vực luôn dành sự quan tâm đối với di sản văn hóa phi vật thể ở các cấp độ khác nhau. Thậm chí ở trong khu vực Châu Á– Thái Bình Dương thì chỉ có Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là dành nhiều quan tâm đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể, vượt xa các nước khác trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có rất nhiều di sản văn hóa nằm trong vào danh sách các di sản văn hóa tiêu biểu của UNESCO trong khi có một số nước khác trong khu vực không hề đăng ký một di sản nào. Ba Trung tâm văn hóa ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần cố gắng vận động các nước nói trên dành sự quan tâm đối di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình, cũng như cần phải nỗ lực xóa đi sự khác biệt về văn hóa giữa các nước trong khu vực.

Di sản văn hóa phi vật thể vượt qua biên giới và thích nghi với điều kiện địa phương một cách dễ dàng hơn so với các tượng đài kiến trúc. Tổ chức UNESCO khuyến cáo việc tham gia đăng ký các di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia và tỏ ra rất quan ngại về sự hạn chế số lượng của các di sản này. Sáng kiến đăng ký các di sản văn hóa đa quốc gia phải xuất phát từ chính các quốc gia. Quá trình này phức tạp hơn nhiều so với việc đăng ký một-di-sản-cho-một-quốc-gia và nó đòi hỏi phải có sự phối hợp và cộng tác chặt chẽ giữa các quốc gia. Trung tâm ở Hàn Quốc phụ trách về vấn đề liên lạc và truyền thông cho công tác bảo tồn nên vai trò của Trung tâm này ở đây là quan trọng nhất. Sự điều phối và hợp tác quốc tế trong việc đăng ký các di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương một cách hiêu quả.

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương là khu vực rất quan trọng đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Không chỉ bởi vì hơn nửa dân số thế giới sống ở khu vực này mà còn vì đây là khu vực nhạy cảm về chính trị, năng động về kinh tế và phong phú về văn hóa. Chính vì vậy ba Trung tâm văn hóa đã được thành lập ở khu vực này và sự phân chia nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực giữa ba Trung tâm là hoàn toàn phù hợp. Ba trung tâm này, ngoài việc thực hiện các trọng trách của mình, còn phải có trách nhiệm hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Hơn nữa, những phương pháp bảo tồn di sản văn hóa do ba Trung tâm này đưa ra còn phải có giá trị hỗ trợ công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở các khu vực khác trên toàn thế giới.

Người dịch: Đặng Tuyết Anh

Hiệu đính: Vũ Thu Hà

Biên tập: Nguyễn Thị Hiền

 

Bình luận