Di sản văn hóa phi vật thể: những cách tiếp cận mới về bảo tồn

Ngày đăng: 18/02/2011 Lượt xem: 7.916
Mặc định Cỡ chữ

Chiara Bortolotto

Viện nghiên cứu liên ngành về nhân học đương đại (IIAC)

Trung tâm nhân học và lịch sử thiết chế văn hóa (LAHIC)

 

Tóm tắt:

Được đưa ra thảo luận tại Unesco năm 2003, hiện nay Công ước về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được khoảng 120 nước thông qua. Là một trong những nước đầu tiên tham gia ký Công ước này, Việt Nam hiện có bốn di sản nằm trong hai Danh sách di sản quốc tế. Các chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đang được triển khai cả ở cấp độ địa phương và quốc gia, không thể không tính đến bối cảnh quốc tế của việc định nghĩa khái niệm này. Khi thực hiện Công ước này, mỗi quốc gia diễn giải các khái niệm chủ chốt (“bảo tồn”, “cộng đồng”, “tham gia”) qua lăng kính của lịch sử nền văn hóa mỗi nước, cũng như cách tổ chức về mặt thể chế và hành chính của nước đó. Tuy nhiên, sự tham gia chủ động của xã hội dân sự vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dường như được Unesco yêu cầu rất rõ ràng. Hệ quả là, mọi hoạt động bảo tồn từ trước đến nay vốn chỉ dựa vào kinh nghiệm của giới chuyên môn về di sản, thì nay được cho là cần bao gồm các thành phần mới. Các thành phần này được kêu gọi tham gia vào việc nhận dạng di sản văn hóa phi vật thể (lập các danh mục thống kê của quốc gia), cũng như vào quá trình chuẩn bị hồ sơ đăng ký vào hai danh sách di sản quốc tế. Cách tiếp cận mới về bảo tồn này có những hệ lụy mang tính lý thuyết và thực tiễn như thế nào? Vai trò mới của nhà nghiên cứu trước chế độ di sản mới này là gì? Những công cụ nghiên cứu và công cụ thu thập tư liệu mới nào có thể phục vụ cho việc hợp tác với các thành phần tham gia mới? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra trong khuôn khổ bài tham luận này.

----------

Công ước về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đã được Đại hội đồng Unesco nhất trí thông qua vào ngày 17/10/2003 và có hiệu lực từ tháng 4/2006. Hiện nay đã có hơn 120 quốc gia tham gia Công ước này.

Với công ước này, Unesco tạo ra trên toàn thế giới một nhóm di sản mới, không còn bó hẹp ở các công trình và địa danh, mà mở rộng ra đến nền văn hóa sống được gọi là “truyền thống”. Cụ thể hơn, khái niệm DSVHPVT mở rộng lĩnh vực di sản sang “các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức và kỹ năng” sống, được cho là sẽ đem lại cho những người nắm giữ chúng “một ý thức về bản sắc và sự kế tục” (Công ước Unesco 2003, điều 2.1). Khi kết nối lĩnh vực di sản văn hóa với khái niệm văn hóa dưới góc độ nhân học, thì khái niệm DSVHPVT được nêu trong Công ước mở đường cho việc thay đổi khái niệm di sản. Việc định nghĩa lại như vậy có tác động đáng kể đến tổng thể các chính sách về di sản, đồng thời các chính sách văn hóa quốc gia và địa phương sẽ buộc phải đối diện với vấn đề này.

Tuy nhiên, loại hình di sản nói trên không phải điều gì hoàn toàn mới mẻ. Ngay từ thập niên 1950, luật pháp Nhật Bản và Hàn Quốc đã quy định các tập quán “truyền thống” là “sản phẩm văn hóa” (Bourdier 1993, Ogino 1995, Jongsung 2003). Tại châu Âu, từ những năm 1980, các hình thức thể hiện của di sản đã chịu ảnh hưởng của các phạm trù như “di sản dân tộc học” ở Pháp (Chiva 1990, Fabre 1997) hay “tài sản văn hóa dân gian-dân tộc học-nhân học” ở Ý (beni demoetnoantropologici) (Tucci 2005, Bravo; Tucci 2006).

Ý tưởng về DSVHPVT giờ đã có một tầm vóc mới: trở thành các tiêu chuẩn và được Unesco hợp thức hóa. Ý tưởng này chắc chắn đem lại cho lĩnh vực di sản tính pháp lý vững chắc và tính chế định bền vững mới; hai tính chất này được khuyến khích áp dụng trên toàn thế giới. Trên thực tế, điểm độc đáo của công ước này dường như nằm ở các thành phần mới mà nó kêu gọi tham gia: từ nay các yếu tố của DSVHPVT cần được công nhận bởi những thành phần tham gia và họ tìm thấy trong các tập quán này một ý thức về bản sắc. Trong công ước, các thành phần tham gia này được nhắc đến qua khái niệm “cộng đồng”:

“Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức và kỹ năng [... ] mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ.” (Công ước Unesco 2003, điều 2.1)

Thực ra, loại hình di sản mới do Unesco khởi xướng đã hình thành trong mối quan hệ chặt chẽ với quan niệm về cộng đồng như trên. Được cho là cơ sở để các di sản được công nhận theo như quy định trong Công ước, những người nắm giữ và người thực hành DSVHPVT được khuyến khích tham gia tích cực vào các hoạt động bảo tồn mà các nước ký kết công ước đã cam kết thực hiện. Các cộng đồng sẽ tham gia vào các hoạt động nhận diện và xác định các loại hình DSVHPVT (Công ước Unesco 2003, điều 11); không thể tiếp cận với các DSVHPVT nếu không tôn trọng tập tục của các cộng đồng (Công ước Unesco 2003, điều 13); và cuối cùng, cần có “sự tham gia tối đa của các cộng đồng” vào toàn bộ các hoạt động bảo tồn DSVHPVT (Công ước Unesco 2003, điều 15).

Mô hình di sản được dùng làm cơ sở cho khái niệm DSVHPVT dường như không đặt ra câu hỏi về đối tượng của nó, mà về tư cách của những người cho đến nay được trao nhiệm vụ nhận dạng và bảo tồn di sản. Nguyên tắc về sự tham gia của các” (grassroot communities), được tóm tắt trong câu nói “Không có văn hóa dân gian (Folklore) nếu không có dân gian (Folk)” (There is no Folklore without the Folk) nằm trong phát biểu đậm tính cam kết của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Smithsonian Institution và được nêu rõ trong chính sách của Viện này (Early và Seitel 2002), là một trong số các nguyên tắc đang chi phối quá trình đổi mới ý niệm về folklore tại Unesco. Cuộc thảo luận này bắt đầu từ cuối những năm 1990 và sau đó kết thúc bằng Công ước năm 2003 (Seitel 2001, Bortolotto 2008).

Nếu so sánh các hoạt động đang được thực hiện trên toàn châu Âu, có thể thấy rằng việc xác định lại cương vị của các thành phần nói trên nằm trong một phong trào lớn hơn, nhằm xem xét các thách thức đặt ra đối với sự tham gia chủ động của xã hội dân sự: ngày nay ngôn từ chính trị ở các nền dân chủ phương Tây đề cao khái niệm “tham gia”, và ngày càng có nhiều các công cụ được cho là để thúc đẩy sự tham gia (hội đồng khu phố, hội đồng công dân, diễn đàn, hội nghị nhất trí - consensus conferences, bản tổng kết tham gia) (Bacqué, Rey, Sintomer 2005, Blondiaux 2008). Nhiều sáng kiến ở phạm vi châu Âu đã thừa nhận rằng sự tham gia tích cực của công dân vào đời sống chính trị là rất quan trọng và đề xuất áp dụng một mô hình tham gia ở tầm quốc gia (Commission des Communautés européennes 2001, Conseil de l’Europe, 2001).

Theo hướng đó, việc xã hội dân sự tham gia vào các tiến trình ra quyết định của Nhà nước sẽ góp phần củng cố mô hình lãnh đạo được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ tương tác giữa các thành phần nhà nước và các thành phần phi nhà nước - trái ngược với mô hình hành chính Nhà nước cổ điển. Kết quả của sự tương tác này là những quyết định chính trị sẽ không bị áp đặt từ trên xuống bởi một cơ quan hành chính hoàn toàn xa lạ với bối cảnh của quyết định. Phương pháp thực hiện dựa trên sự tham gia này đã gây được sự chú ý mạnh mẽ trong lĩnh vực chính sách văn hóa: ví dụ, trong những năm 1990, ngành bảo tàng học, nhất là ở Mỹ và Canađa, đã nghiên cứu những khả năng mà một mô hình đối thoại có thể đem lại (Phillips 2003, Karp, Mullen Kreamer, Lavine 1992). Với bối cảnh của châu Âu và trong lĩnh vực di sản, Hội đồng châu Âu mới đây đã khởi xướng khái niệm “cộng đồng di sản”. Công ước Faro về giá trị của di sản văn hóa đối với xã hội đã đưa ra khái niệm “quyền được hưởng di sản” và đã nêu trong điều 2b rằng “một cộng đồng di sản bao gồm những người coi trọng những khía cạnh đặc thù của di sản văn hóa mà họ muốn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ tương lai trong khuôn khổ các hoạt động của nhà nước” (Conseil de l’Europe 2005).

Nhằm khuyến khích sự tham gia của xã hội dân sự vào các bước khác nhau trong tiến trình di sản, Công ước Faro đòi hỏi phải có một định nghĩa chủ quan về di sản, dựa trên giá trị về bản sắc mà các yếu tố này truyền tải đối với các “cộng đồng di sản” (Conseil de l’Europe 2005, điều 12). Hướng đi mới này dường như cũng trùng với quan điểm của Công ước về bảo tồn DSVHPVT. Theo đó, di sản sẽ là biểu hiện tự quy chiếu của một mối quan hệ phụ thuộc, hơn là của một nhóm yếu tố được lựa chọn dựa trên giá trị lịch sử, nghệ thuật hay khoa học của chúng. Cho đến nay, sự tham gia của xã hội dân sự chỉ giới hạn ở dạng tự phát theo kiểu hiệp hội cục bộ, bị bó hẹp trong một lãnh thổ. Từ nay trở đi, dường như sự tham gia của xã hội dân sự đã được hợp thức hóa bằng các bộ máy thể chế quốc tế.

Trong khi quy chế di sản luôn do các cơ quan nhà nước duyệt và các cơ quan này nắm giữ quyền nộp hồ sơ cho Unesco, thì giá trị di sản của một phong tục hoặc một hình thức thể hiện lại không được thiết lập bởi những người nắm giữ một tri thức đặc biệt, mà bởi toàn thể những người mang trong mình di sản này. Trong các văn bản của Unesco, họ được nhắc đến dưới khái niệm “cộng đồng”. Trong khuôn khổ Công ước về bảo tồn DSVHPVT, những người này còn được kêu gọi tham gia vào các hoạt động bảo tồn. Tuy nhiên, do không được xác định rõ trong Công ước, nên khái niệm “tham gia” và khái niệm “cộng đồng” đều được các quốc gia tự diễn giải và có thể được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh và cách tổ chức thể chế, hành chính, văn hóa và chính trị của mỗi nước.

Như vậy, những đổi mới mà công cụ này có thể đem tới lại phụ thuộc vào cách diễn giải riêng của các quốc gia thành viên. Đầu tiên, hai khái niệm này được diễn giải bởi các cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình bảo tồn được đề cập đến trong Công ước. Các danh mục thống kê quốc gia sẽ là ví dụ đầu tiên phản ánh cách diễn giải đó. Hiện nay các quốc gia thành viên đang tập trung nỗ lực để lập ra các danh mục này. Chúng sẽ phản ánh mô hình di sản mới ở mức độ nào? Sau đó, khái niệm “cộng đồng” sẽ bị sửa đổi bởi các các thành phần tham gia ở cấp địa phương - những thành phần tự nhận là các đại diện của “cộng đồng”. Khi đó, khái niệm “cộng đồng” sẽ bị diễn giải ở cấp độ thứ hai và bị chi phối tùy theo lợi ích cụ thể của các thành phần này.

Cách hiểu của các quốc gia và địa phương về các hoạt động bảo tồn văn hóa được triển khai trên toàn cầu tạo nên toàn bộ giá trị nhân học của loại hình di sản mới nói trên. Sự phức hợp của mô hình DSVHPVT, bị chi phối bởi vô vàn cách diễn giải, dường như tỷ lệ thuận với những khó khăn có thể xảy đến trong quá trình áp dụng cụ thể.

Như vậy, trong khi mô hình DSVHPVT có thể là một bước ngoặt trong lối tư duy về di sản, thì việc lồng ghép mô hình này vào cơ cấu thể chế của mỗi nước đòi hỏi phải đồng loạt xem xét lại cách tiếp cận vốn đã ăn sâu vào lý luận và thực tiễn của giới chuyên môn trong lĩnh vực di sản. Việc tạo ra một loại hình di sản mới có tác động đến cả các nguyên tắc quản lý và các hình thức thẩm định cổ điển vì nó xem xét lại các phương thức và vai trò truyền thống trong việc đối xử với các hiện vật di sản. Tạo ra một loại hình di sản mới thông qua khái niệm DSVHPVT là một thách thức, điều đó giải thích vì sao tiêu đề của tham luận này được đặt dưới dạng một giả thuyết.

Tài liệu tham khảo

BACQUE, Marie-Hélène; REY, Henri; SINTOMER Yves (sous la direction de) 2005, Gestion de proximité et démocratie participative. Une perspective comparative, Paris, La Découverte.

BLONDIAUX, Loïc, 2008, Le nouvel esprit de la démocratie. Actualité de la démocratie participative, Seuil, Paris.

BORTOLOTTO, Chiara 2008, « Il processo di definizione del concetto di 'patrimonio culturale immaterialé'. Elementi per una riflessione », in Chiara Bortolotto (a cura di), Il patrimonio immateriale secondo l’Unesco: analisi e prospettive, Istituto Poligrafico e Zecca dello Stato, Roma, pp. 7-48.

BOURDIER, Marc, 1993, “Le mythe et l’industrie ou la protection du patrimoine culturel au Japon”, Genèses, (11), pp. 82-110

BRAVO, Gian Luigi; TUCCI, Roberta, 2006, I beni culturali demoetnoantropologici, Carocci, Roma

CHIVA, Isac, 1990, « Le patrimoine ethnologique: l’exemple de la France », in Encyclopaedia Universalis Symposium. Les Enjeux (3), 1, pp. 229-241.

COMMISSION DES COMMUNAUTÉS EUROPÉENNES, 2001, Gouvernance européenne. Un livre blanc, [en ligne]:

CONSEIL DE L'EUROPE, 2001, La participation des citoyens à la vie publique, Recommandation Rec (2001)19 adoptée par le Comité des Ministres du Conseil de l’Europe le 6 décembre 2001 et rapport explicatif, Éditions du Conseil de l'Europe, Strasbourg.

CONSEIL DE L'EUROPE, 2005, Convention-cadre du Conseil de l'Europe sur la valeur du patrimoine culturel pour la société, Faro, 27.X.2005.

EARLY, James; SEITEL, Peter, 2002, « UNESCO Draft Convention For Safeguarding Intangible Cultural Heritage: “No Folklore Without the Folk” », in Talk Story, 22, p.19.

FABRE, Daniel, 1997, « Le patrimoine, l’ethnologie », in Science et conscience du patrimoine. Actes des entretiens du patrimoine, Théâtre national du Chaillot, Paris, 28, 29, 30/11/1994, sous la direction de Pierre Nora (1997): pp. 59-72.

JONGSUNG, Yang, 2003, Cultural protection Policy in Korea: Intangible Cultural Properties and Living National Treasures, Jimoondang, Seoul

KARP, Ivan, MULLEN KREAMER, Christine LAVINE, Steven D. (eds) 1992, Museums and communities : the politics of public culture, Smithsonian institution press, Washington

OGINO, Masahiro, 1995, “La logique d’actualisation: Le patrimoine et le Japon”, Ethnologie française, 25 (1), pp. 57-64

PHILLIPS, Ruth, 2003, « Community collaboration in exhibitions: toward a dialogic paradigm: Introduction » in Laura Peers and Alison Brown eds., Museums and Source Communities: A Routledge Reader, New York: Routledge, 153-170, 2003.

SEITEL, Peter (edited by) 2001, Safeguarding Traditional Cultures: A Global Assessment of the 1989 UNESCO Recommendation on the Safeguarding of Traditional Culture and Folklore, Center for Folklife and Cultural Heritage, Smithsonian Institution Press, Washington, DC

UNESCO, 2003, Convention pour la sauvegarde du patrimoine culturel immatériel, Paris, 17 octobre 2003.

TUCCI, Roberta, 2005, Il Codice dei beni culturali e del paesaggio e i beni etnoantropologici: qualche riflessione, in “Lares”, LXXI, 1, 2005, pp. 57-70.

Người dịch: Nguyễn Mai Phương,

Hiệu đính: Phan Phương Anh,

Biên tập: Nguyễn Thị Hiền

Bình luận