Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa”

Ngày đăng: 07/03/2012 Lượt xem: 32.456
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 6/3/2012, tại 59A Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần lễ văn hóa và phát triển” do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lần đầu tiên ở nước ta.

Trước đó, ngày 24/2/2012, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về vấn đề này.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã tiến hành dự án nghiên cứu “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa” với 4 trường hợp là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), Hội Gióng (Hà Nội), Tháp Bà Poh Nagar (Khánh Hòa) và Văn hóa cồng chiêng của người Lạch (Lâm Đồng). Kết quả của dự án phản ánh khá rõ nét thực trạng của việc bảo tồn và phát huy di sản trong quá trình hiện đại hóa ở nước ta.

Hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa" tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam ngày 24/2/2012

Nội dung chính của Hội thảo cũng là mục đích của Dự án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa” nhằm tìm giải pháp điều hòa sự cân bằng giữa bảo tồn, hiện đại hóa và phát triển, đồng thời đóng góp vào quá trình xây dựng chiếc lược hợp nhất văn hóa và sự phát triển bền vững. Dựa trên quan điểm “thẳng thắn nhận diện và thừa nhận các nguyên nhân”, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những vấn đề đã và đang tồn tại trong quá trình bảo tồn các di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, từ việc bảo lưu, tu sửa, tôn tạo, quản lý, kiểm định,… Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Văn phòng UNESCO Hà Nội, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Dự án và một số nhà nghiên cứu, nhà quản lý ngành văn hóa.

Ngày 6/3/2012, thành phần tham gia Hội thảo đông đảo hơn với sự góp mặt của các đại biểu đến từ Văn phòng UNESCO Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc Gia, Nhóm nghiên cứu, Ban tư vấn, Các nhà quản lý văn hóa của Thành phố Hà Nội, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Đăk Nông và đặc biệt là có sự góp mặt của đại diện cộng đồng người dân nơi có di sản văn hóa…

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam trình bày kết quả dự án trước Hội thảo và nêu rõ: Qua nghiên cứu công tác bảo tồn di sản văn hóa tại hội Gióng, đến Hùng, Tháp Bà Poh Nagar và cồng chiêng của người Lạch, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy ba vấn đề lớn ảnh hưởng đến việc cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hóa và quá trình hiện đại hóa. Đó là chính sách bảo tồn văn hóa, sự thay đổi kinh tế – xã hội và văn hóa, và sự phát triển của kinh tế du lịch.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội thảo ngày 6/3/2012

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đưa ra 7 khuyến nghị thuộc 3 nhóm vấn đề: quan điểm và phương pháp bảo tồn di sản văn hóa; quản lý di sản và chia sẻ lợi ích; giáo dục và đào tạo. Các đại biểu, các nhà nghiên cứu và nhà quản lý đưa ra những ý kiến, quan điểm, lập luận, để cùng tìm ra một phương pháp hữu hiệu nhằm giảm độ vênh giữa lý thuyết và thực tiễn trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa.

Bà Katherine Muller-Marin  - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu trong Hội thảo

Phát biểu trong Hội thảo, bà Katherine Muller-Marin nhấn mạnh “UNESCO sẽ luôn sát cánh với Việt Nam trong mọi nỗ lực để đảm bảo môi trường sống tốt hơn cho các cộng đồng văn hóa, đồng thời giúp họ bảo tồn những di sản văn hóa vô cùng giá trị, là tài sản cho sự tăng trưởng của Việt Nam”.

Các đại biểu nhất trí rằng, song song với việc nâng cao ý thức cộng đồng cũng như năng lực của cán bộ quản lý văn hóa, cần xem xét và điều chỉnh những phương pháp tiếp cận và thực hành từ quốc tế để áp dụng ở Việt Nam nhằm đảm bảo di sản văn hóa có thể đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và được giữ gìn cho các thế hệ tương lai./.

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục