THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Hội thảo tham vấn “Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Ngày đăng: 08/07/2024 Lượt xem: 1.183
Mặc định Cỡ chữ

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Hội thảo tham vấn

“Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam

đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

 

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trân trọng giới thiệu Hội thảo tham vấn “Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

- Thời gian: 08h30 ngày 09 tháng 07 năm 2024

- Địa điểm: Hội trường tầng 2, tòa nhà 7 tầng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, số 32 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Ngày 08/09/2016, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco trong cả nước tăng lên. Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Những chuyển biến trên cho thấy khả năng tác động, hiệu quả thực tiễn của Chiến lược trong quá trình hoàn thiện khung khổ chính sách, kiện toàn cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành liên quan cho tới việc triển khai các kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể ở cả cấp trung ương và địa phương, cùng sự tích cực, chủ động tham gia của các văn nghệ sỹ, người thực hành văn hóa, doanh nhân, nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế... Tất cả đã kết nối và dần hình thành một hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo đa dạng ở nước ta.

Tuy nhiên, qua thực tiễn 07 năm triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ, thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại từ thời bao cấp, cùng với quan niệm ngành văn hóa là ngành “tiêu tiền” đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa do cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ; Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dich Covid 19; Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của các ngành CNVH trong phát triển bền vững; Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành CNVH; Hiệu quả thực thi các chính sách và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế, chưa thúc đẩy năng lực sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ban hành năm 2021 xác định, cần tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hoá, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.

Trên cơ sở đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mong muốn nhận được và tiếp thu những ý kiến đóng góp chuyên sâu của các chuyên gia, các nhà quản lý, cũng như các đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng và đề xuất các quan điểm, giải pháp, định hướng phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các đơn vị quản lý nhà nước thuộc các Bộ, ban, ngành, một số UBND tỉnh - thành phố, các tổ chức quốc tế, đại diện một số đơn vị tổ chức văn hóa, nghệ thuật, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp văn hoá sáng tạo, không gian sáng tạo, văn nghệ sỹ, người thực hành văn hóa và các cơ quan báo chí truyền thông.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Phòng Khoa học, Đào tạo, Hợp tác quốc tế

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Địa chỉ: 32 Hào Nam, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội

Di động: 0982.108.187

Email: tuan8187@gmail.com

 

Bình luận