Không gian sáng tạo tại Vương quốc Anh

Ngày đăng: 14/09/2018 Lượt xem: 7.708
Mặc định Cỡ chữ

Ngày nay trên thế giới có tới hàng ngàn các không gian sáng tạo (KGST), mỗi không gian sáng tạo là một cá thể độc đáo, tạo viên gạch nền tảng cho sự bền vững và tăng trưởng của nền kinh tế sáng tạo nhiều thành phố, quốc gia và toàn cầu. Đặt trong từng bối cảnh pháp lý, kinh tế, xã hội và văn hóa khác nhau của từng địa bàn, các không gian sáng tạo và vươn lên từ bối cảnh đó cung cấp những kinh nghiệm và mô hình phát triển đáng tham khảo.

Hội đồng Anh, tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa, giáo dục của Vương quốc Anh, trong quá trình làm việc với hơn 600 không gian sáng tạo trên toàn cầu từ năm 2015, đã nhận thấy rõ nhu cầu tương tác, giao lưu, trao đổi để kết nối giữa các nghệ sỹ, nhà thực hành văn hóa nghệ thuật, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật và quản lý các KGST trên thế giới và đã thiết kế ra một chương trình trao đổi không gian sáng tạo quốc tế thường xuyên để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu đó. Các chương trình trao đổi không gian sáng tạo Hội đồng Anh hướng tới việc cung cấp cho các đại diện của các KGST tham gia chương trình học hỏi lẫn nhau về mô hình doanh nghiệp, cách thức tổ chức các chương trình sự kiện, kỹ năng quản lý dự án, các chiến lược về kỹ thuật số, quản trị không gian,... và bối cảnh xã hội của từng KGST. Cùng lúc, các chương trình này còn cung cấp cho các nhà quản lý các KGST trên thế giới cơ hội kết nối với các KGST khác, những người có cùng chí hướng, cùng mục tiêu, thiết lập nên các mối quan hệ đối tác và cộng tác lâu dài sau chương trình. Lợi ích đơn giản hơn mà các KGST có thể thu được có là một loạt các ý tưởng và góp ý được chia sẻ trong suốt chương trình trao đổi từ các KGST đi trước, có thế mạnh, đã phát triển hoặc gặp thất bại!

Chương trình trao đổi không gian sáng tạo 2018 của Hội đồng Anh tập trung vào sự tương tác giữa các không gian sáng tạo ở Vương Quốc Anh và các nước Đông Nam Á SE/UK Creative Hub Exchange Program. Chương trình này phù hợp với:

Các KGST đã được thành lập và đang có nhu cầu muốn học hỏi về mô hình KGST khác

Các KGST đã hoạt động một thời gian và đang tìm kiếm các ý tưởng và cách thức mới để đổi mới và tăng trưởng

Các KGST tìm kiếm sự kết nối với các KGST ở nước khác

Chương trình trao đổi giữa các không gian sáng tạo Đông Nam Á và Vương Quốc Anh 2018 là chương trình thứ 3 của Hội đồng Anh trong vòng 5 năm qua. Chương trình này có sự tham gia của 15 nhà quản lý trung tâm sáng tạo từ Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, đa dạng về lĩnh vực, mô hình, cấu trúc, mức độ phát triển và nhu cầu. Chương trình được thiết kế trong vòng 8 ngày, tại 3 thành phố lớn của Vương quốc Anh: London, Manchester và Birmingham. Tại mỗi thành phố, 15 đại diện của các KGST Đông Nam Á (HAUS KCH, Projeck Rabak, Mereka Makerspace, Areté, Creative Economy Council of the Philippines, ASPACE, DNES, TPD, VICAS Art Studio, PINN Creative Space, UCCN Innovation Hubs,  SATSCo, Surabaya Creative Network, C2O Library) được tiếp đón và điều phối bởi 3 KGST Vương quốc Anh cùng với đại diện của Hội đồng Anh (Makerversity, Birmingham Open Media, Madlab). 

Chương trình bao gồm một loạt các chuyến tham quan thực địa, trao đổi, gặp gỡ, giao lưu và kết nối tới nhiều không gian sáng tạo, tổ hợp sáng tạo tiêu biểu của 3 thành phố. Ba KGST điều phối trên tại 3 thành phố đó sẽ chia sẻ về không gian của họ một cách trực tiếp, đồng thời cung cấp những thông tin trung thực về những thách thức và câu chuyện thành công của họ. Mỗi không gian sáng tạo cũng sẽ đưa bạn đi tham quan các trung tâm khác gần đó, trung bình khoảng 5 KGST cho mỗi thành phố, để đến cuối Chương trình, đại diện các KGST sẽ có cái nhìn sâu sắc về ba KGST điều phối và tổng quan về các KGST được ghé thăm. Cũng sẽ có các sự kiện kết nối xuyên suốt chuyến đi, do đó các nhà quản lý trung tâm có thể gặp gỡ các cộng đồng sáng tạo liên quan đến không gian sáng tạo của họ và cũng là cơ hội để nói về không gian sáng tạo của mình cho người khác.

Ở Vương Quốc Anh, Không gian sáng tạo phong phú và đa dạng về quy mô hình kinh doanh, cấu trúc, định hướng, tư cách pháp nhân và cộng đồng mục tiêu. Dưới đây là 3 KGST tiêu biểu mà đại diện các KGST Đông Nam Á đã có cơ hội được gặp gỡ, học hỏi và kết nối.

Không gian làm việc chung, chế tác chung Makerversity

Makerversity có hai địa điểm: một ở tầng hầm của Somerset House London (có từ 2016) và một ở Amsterdam (tại một địa điểm hải quân cũ Marineterrein).

Thành viên của Makerversity bao gồm các nhà thiết kế, kỹ sư, doanh nhân, nhà công nghệ, sáng chế, thợ thủ công, kỹ thuật viên hoặc nghệ sỹ, có thể là người hành nghề tự do, khởi nghiệp hoặc đang kinh doanh cần không gian vật lý để tạo ra thứ gì đó với máy móc và dụng cụ có sẵn của Makerversity.


Makerversity xác định sứ mệnh của mình là động viên, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng cộng đồng người và doanh nghiệp làm nghề bằng việc mang tất cả mọi người sáng tạo và có chuyên môn lại làm việc, tương tác và vui chơi cùng nhau, truyền cảm hứng cho nhau trong các không gian cùng làm việc (co-working space), cùng làm nghề (co-making space).

Makerversity có các phòng dành như Social Space (Phòng làm việc chung), Fusion Lab, Meeting Room, nhà bếp, xưởng gỗ, xưởng vải, phòng kỹ thuật... Tùy phòng có trang trị máy in 3D và các trang thiết bị, máy móc cần thiết cho thiết kế hoặc chế tác. Với những máy móc đòi hỏi kỹ năng vận hành cao, các thành viên thường nhận được buổi hướng dẫn sử dụng bởi các thành viên khác và kỹ thuật viên của Makerversity. Một số máy móc (ví dụ như in 3D), Makerversity nhận được qua tài trợ của công ty sản xuất.

Tại Makerversity, các ý tưởng sáng tạo và ý tưởng kinh doanh được thúc đẩy và hiện thực hóa.

Grafton Saddler Hackney là một doanh nghiệp nhỏ được hình thành sau 3 tháng thành viên (với 2 ngày làm việc mỗi tuần) tại Makerversity, chuyên chế tác đồ da thủ công trang trí cho xe đạp!

Ý tưởng hình thành và đưa vào thực hiện vào 4.2017, bởi cô Hannah Galvin-Horne, làm cùng lúc hai việc để có thể theo đuổi mong muốn mở ra một doanh nghiệp cung cấp các chế tác đồ da trang trí cho xe đạp (khung, yên, phụ kiện,...). Cô lựa chọn Makerversity bởi nơi đây có đầy đủ trang thiết bị và hỗ trợ chuyên môn của các thành viên khác để cô có thể hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của mình. Tại thời điểm 5.2018, cô đã bắt đầu có hợp đồng từ nước ngoài có ý định theo đuổi phát triển đến cùng với hướng đi này của mình với nhận định rằng hiện không có nhiều doanh nghiệp tương tự như mình trên toàn thế giới và đây là cơ hội phát triển của cô.

Không gian Truyền thông mở Birmingham (BOM)

BOM là một mô hình mới về thực hành kết nối nghệ thuật, công nghệ và khoa học với mục đích tạo ra các tác động xã hội có thể đo đếm được. Bằng cách đầu tư lâu dài vào cộng đồng những người thực hành sáng tạo, nghệ sỹ để phát triển các dự án chiến lược, tạo các mối quan hệ cộng tác, BOM thử nghiệm những ý tưởng tiên phong khám phá các giá trị đổi mới của nghệ thuật trong các lĩnh vực giáo dục, sức khỏe và xã hội.

BOM hiện đang chủ động và tích cực đề cập tới sự tham gia văn hóa của xã hội, ở đó, kết nối những nhà thực hành văn hóa và nghệ thuật tầm cỡ thế giới với những nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội và cộng đồng. BOM không hoạt động dựa vào mô hình thành viên (thu phí thành viên) mà đi theo hướng sử dụng ngân sách được tài trợ, hợp tác công tư, thu từ dịch vụ để hỗ trợ cộng đồng sáng tạo không gian triển lãm và tổ chức sự kiện miễn phí, hỗ trợ các cộng sự thành viên (fellow) của mình thực hiện các ý tưởng của họ và đạt các mục tiêu BOM đặt ra.

Ở BOM (Birmingham Open Medida), mô hình doanh nghiệp xã hội đa nguồn thu ở Birmingham, toàn bộ không gian quán cà phê của BOM được thiết kế giảm tiếng ồn (mặt bàn bằng gỗ mềm ép, hệ thống ánh sáng đặc biệt được tài trợ bởi IKEA, cấu trúc không gian thuận tiện) để có thể tạo môi trường phù hợp cho đối tượng hợp tác thường xuyên của họ là trẻ tự kỷ….

Ở BOM, người ta hỗ trợ các nhà thực hành sáng tạo và nghệ sỹ, gọi là những Fellow - cộng sự thành viên, phát triển những dự án và hợp tác chiến lược, thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo để tìm hiểu các giá trị mới của nghệ thuật trong các lĩnh vực khác như giáo dục, xã hội hay sức khỏe….. bằng các cơ sở hạ tầng, mạng lưới mà BOM có.

Phòng thí nghiệm kỹ thuật số Madlab, Manchester, UK

Manchester Digital Laboratory (MadLab) là một tổ chức sáng tạo cộng đồng phi lợi nhuận, trụ tại Manchester, UK, tập trung vào các hoạt động đào tạo về khoa học, công nghệ, nghệ thuật và văn hóa.

MadLab hỗ trợ các hoạt động và các cộng đồng gắn với các sáng kiến công nghệ, kết nối và phối hợp với các nhóm và cá nhân để thực hiện nhiều dự án về kỹ thuật số.

MadLab được đánh giá là không gian chế tác lớn thứ hai ở Anh với hơn 40,000 người tham gia hàng năm.

Ở đây, họ hỗ trợ người dân Manchesters thông qua các hoạt động khóa/lớp đào tạo, dự án thử nghiệm hoặc đơn giản là những kỹ năng mà cộng đồng khó theo được ở những nơi khác, ví dụ như:

Các kỹ năng kỹ thuật số cho phụ nữ

Chế tác các công trình kỹ thuật số

Lớp lập trình code cho trẻ em

Lập trình máy tính cho trẻ em

…. hoặc đơn giản hơn như cách dựng CV bằng videos!

Mỗi KGST mà Chương trình trao đổi KGST Đông Nam Á/UK giới thiệu, kết nối là một câu chuyện dài về những nỗ lực, thành công và thất bại trong quá trình tìm kiếm những giá trị gắn kết giữa sáng tạo với cộng đồng và xã hội nơi KGST đó tọa lạc; cung cấp nhiều ý tưởng và bài học cho các KGST khác ở Đông Nam Á tham khảo; cung cấp cơ hội kết nối mở rộng mạng lưới và gia tăng nguồn lực sáng tạo cho những khu vực đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển mạng lưới các KGST này, trong đó có Việt Nam. Sự hình thành của Sáng kiến KGST Việt Nam (Vietnam Creative Hub Initiative) với sự tham gia của 6 KGST mạnh ở Việt Nam như các thành viên cốt cán, cùng sự ủng hộ của gần 30 KGST khác trên cả nước trong sự kiện đầu tiên Tọa đàm về Khuôn khổ pháp lý cho các KGST ở Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 10.8.2018 vừa qua là một trong những ý tưởng nảy sinh sau khi 3 KGST đại diện của Việt Nam tham gia Chương trình trao đổi này.

Nguyễn Thị Thu Hà

Bình luận