Tiếp đoàn Indonesia tới Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt nam

Ngày đăng: 05/10/2018 Lượt xem: 3.699
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 05 tháng 10 năm 2018, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có buổi tiếp đoàn Indonesia do ông Andi D. Yudiachandra, Tham tán công sứ (Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam), và ông Andre Notohamijoyo, Phó Vụ trưởng, Ủy ban Kinh tế Sáng tạo Indonesia, dẫn đầu.

Tiếp đoàn Indonesia, về phía Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam có PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng; TS. Nguyễn Thị Thu Hường, Q.Trưởng phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp văn hoá.

Viện trưởng Bùi Hoài Sơn bày tỏ sự chia buồn sâu sắc đối với thảm họa động đất và sóng thần vừa xảy ra ở Indonesia. Ông Andi D. Yudiachandra cảm ơn sự quan tâm và chia sẻ của Chính phủ Việt Nam đối với những mất mát của nhân dân Indonesia, và đánh giá cao quan hệ giữa hai nước trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện cho các tổ chức của hai nước có những hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian sắp tới.

Tại buổi làm việc, ông Andre Notohamijoyo trình bày các nội dung liên quan đến Hội nghị thế giới lần thứ nhất về Kinh tế sáng tạo do Chính phủ Indonesia tổ chức tại Bali vào 6 - 8 tháng 11 năm 2018. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về tầm quan trọng, sự đóng góp ngày càng tăng của các ngành kinh tế sáng tạo đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn đánh giá cao Indonesia là một trong những nước ở Đông Nam Á đã quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa qua một số thành phố sáng tạo ở Indonesia cũng như các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, đối với Việt Nam, Chính phủ và Bộ VHTTDL đã quan tâm tới lĩnh vực này và giao cho Viện là một trong những cơ quan chủ chốt xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030, tập trung vào 12 lĩnh vực gồm: thiết kế, thời trang, xuất bản, điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, quảng cao, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và trò chơi giải trí, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, phát thanh và truyền hình.

Ngoài ra, Việt Nam đã hình thành nhiều trung tâm sáng tạo (creative hubs) trên cả nước đặc biệt tập trung tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng đã thành lập một trung tâm có vai trò tương tự là Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Centre for Contemporary Arts).

Đoàn Indonesia bày tỏ lời cảm ơn trước sự tiếp đón thân tình, cởi mở của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Đoàn đã mời lãnh đạo Viện tham gia vào hội nghị Kinh tế sáng tạo tại Bali sắp tới, đồng thời rất quan tâm và mong muốn ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện thông qua những hoạt động thiết thực trong lĩnh vực các  ngành công nghiệp văn hóa.

                                                 Tin: Thu Hường

Ảnh: Lã Lương

Bình luận