Hôm nay 31.12, tại thành phố Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt nam – VICAS tổ chức Tọa đàm khoa học “Tham vấn nghiên cứu, đánh giá tiền khả thi về khả năng gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Ninh Bình”
Tham dự tọa đàm, về phía Viện VHNTQGVN có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thuỷ, Trưởng ban Nghiên cứu văn hoá, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa & Nghệ thuật đương đại. Ngoài ra còn có một số chuyên gia, nhà khoa học như: TS Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, TS Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, TS Hà Huy Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế Vùng và địa phương, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các đại biểu Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao; chuyên gia các phòng ban, trung tâm của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Về phía tỉnh Ninh Bình có bà Vũ Thanh Lịch - Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao cùng đại diện các cơ quan sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Công thương, Sở tài chính, các Sở ban ngành ở địa phương và các phòng VHTT các huyện.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Vũ Thanh Lịch - Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, là 1 trong 8 tỉnh thành phố sở hữu Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Sau 30 năm đổi mới, 40 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992-1/4/2022), ngành văn hóa và thể thao không ngừng trưởng thành, đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng đi vào chiều sâu và nâng cao chất lượng, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
"Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2035 tỉnh Ninh Bình trở thành TP trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, TP sáng tạo; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... trở thành cực tăng trưởng phía Nam đồng bằng sông Hồng. Sở VHTT Ninh Bình mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp của các đơn vị, Bộ, ban ngành... xây dựng Hồ sơ ứng cử vào Mạng lưới các TP sáng sạo của UNESCO." - bà Vũ Thanh Lịch nhấn mạnh.
Nêu ý kiến tại tọa đàm, TS Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao, Văn hoá, Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay lĩnh vực văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng, được xem như sức mạnh mềm. Việt Nam đang triển khai nhiều chiến lược như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030.
TS Đào Quyền Trưởng cho rằng, Ninh Bình cần xây dựng 1 hồ sơ chất lượng cao, lựa chọn đúng lĩnh vực. Cần chứng minh điểm độc đáo của Ninh Bình. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có 3 thành phố tham gia mạng lưới các TPST, Ninh Bình cần phải kết nối để tận dụng kinh nghiệm của các thành phố này. "Bộ Ngoại giao có các tiểu ban về văn hóa, sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương để hoàn thiện hồ sơ, vận động, hướng dẫn các điểm mới của hồ sơ để Ninh Bình đạt được mục tiêu đến năm 2030 được ghi danh là TPST".
Là đơn vị có kinh nghiệm tư vấn thành công cho các TPST trước đây, các nhà khoa học của Viện VHNTQGVN đã chia sẻ với Ninh Bình một vài kinh nghiệm. Theo PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, ý tưởng về thành phố sáng tạo đã xuất hiện từ những năm 1960 và sau đó được phát triển qua nhiều tranh luận học thuật, cũng như được áp dụng rộng rãi trong quy hoạch đô thị từ thập niên 90 của thế kỷ XX tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Khái niệm về các thành phố sáng tạo được UNESCO chính thức thể chế hóa vào năm 2004 thông qua Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Định nghĩa này rất đa nghĩa, không bất biến mà có sự điều chỉnh qua thời gian, tích hợp các giá trị văn hóa đương đại. Bản chất của TPST là một mạng lưới quốc tế thúc đẩy sự phát triển, đặt văn hóa sáng tạo làm trọng tâm.
Các ý kiến ghi nhận tại tọa đàm là cơ sở khoa học để Ninh Bình từng bước lập hồ sơ trình tham gia mạng lưới các TPST của UNESCO./.
Bài: Anh Tuấn. Ảnh: Phạm Nhung
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục