Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới

Ngày đăng: 08/01/2025 Lượt xem: 116
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 7/1, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới”. Tham dự, có 200 đại biểu là đại diện từ cấp thôn, tổ dân phố đến cấp tỉnh; các nhà khoa học; đại diện các viện nghiên cứu; trường đại học và các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật,… trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Đây là lần đầu tiên tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo bàn về các vấn đề văn hóa với quy mô lớn, nhằm cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội Nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Hội thảo là tiền đề quan trọng giúp tỉnh Ninh Thuận có sự chuẩn bị chu đáo các nội dung về xây dựng văn hóa, con người trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ 15, nhiệm kỳ 2025-2030 và xa hơn nữa là giúp tỉnh nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát huy giá trị văn hóa, con người của tỉnh trên chặng đường phát triển.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, nêu rõ, sau 32 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo, kém phát triển, Ninh Thuận đã từng bước vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước; trong đó, tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư ở nhóm đầu cả nước; vị thế, uy tín của tỉnh ngày càng được nâng lên.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới ảnh 1

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, quan tâm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Gắn kết chặt chẽ đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa” là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ đã đề ra, do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận mong muốn thông qua hội thảo, được lắng nghe, tiếp thu ý kiến quý báu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa… đưa ra những định hướng, giải pháp quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận, giúp cho tỉnh nâng cao năng lực đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật cho rằng, Ninh Thuận là địa phương đa sắc màu, với 32 dân tộc anh em chung sống; là miền đất hội tụ các vùng sinh thái rất có giá trị. Với một nền văn hóa đa dạng và phong phú, qua quá trình lao động, sáng tạo, cộng đồng các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc để cùng hòa quyện vào sự phát triển chung của nền văn hóa các dân tộc trong cả nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), phát triển văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần tập trung vào các giải pháp căn cốt, rất cần xác định, đầu tư cho công tác bảo tồn di sản văn hóa song song với phát huy di sản văn hóa gắn với khởi nghiệp sáng tạo chính là “chìa khóa” tạo sự phát triển toàn diện, bền vững của văn hóa.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần phải có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước. Muốn vậy, cần thực sự khơi thông nguồn lực thông qua hợp tác công tư, thúc đẩy đầu tư, tài trợ cho văn hóa, và chính sách giảm thuế trong lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực vốn rất cần sự nâng đỡ và thúc đẩy của xã hội để tạo nên những giá trị vô hình, hữu hình quý giá liên quan đến sự tồn vong của dân tộc.

Trong năm 2024 cho thấy, những sản phẩm tích hợp sáng tạo ở nhiều địa phương trong cả nước đã góp phần làm thay đổi nhận thức đâu đó về việc “giới trẻ quay lưng với văn hóa” và làm đậm hơn thực tế là giới trẻ đang có nhiều nỗ lực làm thức dậy truyền thống, củng cố truyền thống theo một cách tích cực, đáng ghi nhận.

Trong kỷ nguyên mới, văn hóa chính là động lực phát triển bền vững của đất nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp địa phương không chỉ giữ gìn được bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và đầy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận là nơi có tỷ lệ người Chăm và Raglai sinh sống đông nhất, hai dân tộc này đang lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống vô giá. Để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận, tỉnh cần khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức bảo tồn các yếu tố chính yếu của lễ hội truyền thống trong việc khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch, trong đó tập trung bảo tồn lễ hội Katê và lễ hội Rija Nưgar (hai lễ hội trên đã được chọn lọc đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Bổ sung các chính sách hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Anh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên nền tảng phong phú và sẵn có về tiềm năng văn hóa, lịch sử, tỉnh Ninh Thuận cần quan tâm và có cơ chế, chính sách rõ ràng để hỗ trợ, đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, công nhận như: gốm Bàu Trúc; Lễ hội Katê; các danh lam thắng cảnh…

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới ảnh 4

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân phát biểu ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học-Xã hội vùng Nam Bộ cũng bày tỏ, không những giàu về văn hóa, con người Ninh Thuận cũng rất đoàn kết, một lòng theo Đảng, luôn sáng tạo, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, giàu lòng nhân ái, tư duy sáng tạo và luôn có ý chí vươn lên vì sự phát triển giàu đẹp, văn minh…, đây là truyền thống quý báu từ bao đời của con người Ninh Thuận. Từ các giá trị đó, tỉnh cần xây dựng hệ giá trị con người Ninh Thuận; tạo điều kiện thuận lợi và tốt hơn nữa cho người dân phát huy năng lực, sở trường… để từ đó khai thác, tận dụng và tạo nguồn lực nội sinh cho sự phát triển trên bước đường mới.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới ảnh 5

Tiến sĩ Phú Văn Hẳn phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, chia sẻ: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, trước những thời cơ và thách thức đan xen, nhưng với những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Ninh Thuận được các thế hệ cha ông dày công xây dựng, vun đắp từ bao đời nay sẽ là động lực to lớn để thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Những vấn đề được phân tích, chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa tại hội thảo rất hữu ích, đã làm sáng tỏ, sâu sắc thêm vai trò, giá trị của vùng đất và con người Ninh Thuận trong lịch sử hình thành và phát triển, góp phần quan trọng để Ninh Thuận tiếp tục vươn lên, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.

Với khí thế mới, động lực mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ để phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, nhân cách và lối sống đẹp, hướng đến “chân-thiện-mỹ”; nâng cao hơn nữa tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường, trung thực, đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khát vọng vươn lên vì sự phát triển; gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế; làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quê hương trong tương lai.

Nguồn: nhandan.vn

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục