Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Lê Minh Chi

Ngày đăng: 05/12/2023 Lượt xem: 302
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 02/12/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lê Minh Chi với đề tài: Nghệ thuật trang trí trong không gian điện thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày hiện nay, chuyên ngành: Lý luận và lịch sử mỹ thuật, mã số: 9210101, do GS.TS Kiều Thu Hoạch và PGS. TS. Đoàn Thị Mỹ Hương đồng hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Từ năm 2016, di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Chỉ tính số công trình nghiên cứu đã công bố được lưu trữ tại Thư viện quốc gia Việt Nam, đã có hơn một ngàn công trình gồm sách chuyên khảo, bài tạp chí nghiên cứu đề cập về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Về vấn đề nghiên cứu nghệ thuật trang trí (NTTT) không gian điện thờ Mẫu, trước đấy có một số tác giả đã khám phá, nghiên cứu làm rõ một số đặc điểm, giá trị nghệ thuật của hệ thống di tích, điện thờ trong thực hành nghi lễ lên đồng và lễ hội thờ Mẫu Liễu Hạnh như: các nghiên cứu của Paul Giran, Maurice Durand, Nguyễn Minh San, Trương Minh Hằng, Giang Nguyệt Ánh, Trần Lâm Biền, Phan Ngọc Khuê, Nguyễn Hữu Thông… đã cung cấp nhiều nội dung miêu tả không gian điện thờ Mẫu Liễu Hạnh, cách bài trí điện thờ, chức năng của các không gian điện thờ, bố cục kiến trúc, đồ thờ cúng, mô típ trang trí… cũng như so sánh đặc điểm nghệ thuật trang trí tại cơ sở thờ Mẫu Liễu Hạnh của người Việt ở các vùng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ… 

Tuy nhiên, dường như, rất ít tác giả nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) dưới góc độ của ngành Lý luận và lịch sử mỹ thuật. Điều này tạo ra khoảng trống nghiên cứu đối với vấn đề tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đặc biệt là nghiên cứu về góc độ mỹ thuật trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Xuất phát từ yêu cầu nhận thức khoa học và giải quyết vấn đề thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Phủ Giày, di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, NCS đã lựa chọn đề tài: Nghệ thuật trang trí trong không gian điện thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày hiện nay cho luận án nghiên cứu của mình.

NCS Lê Minh Chi

Luận án là một công trình hệ thống và tổng hợp các biểu hiện của hình thức, nội dung NTTT trong không gian thờ Mẫu Liễu Hạnh, trong đó xây dựng được hệ thống các cơ sở lý luận về mỹ thuật cũng như các đặc trưng và sự chuyển biến của không gian điện thờ Mẫu qua các thời kỳ lịch sử.

Về thực tiễn, luận án là công trình đầu tiên cung cấp những tri thức cụ thể về không gian nội thất điện thờ Mẫu, góp phần làm rõ hơn cõi thiêng kiến trúc trong tín ngưỡng thờ Mẫu và nhận diện hệ thống không gian tín ngưỡng thờ Mẫu tại khu vực Bắc Bộ.

Những đóng góp của kết quả nghiên cứu: góp phần bảo tồn không gian thờ Mẫu truyền thống, kế thừa và phát huy giá trị đó trong việc tạo dựng không gian thờ Mẫu hiện đại đồng thời rất hữu ích trong công tác đào tạo về văn hóa - nghệ thuật: Bổ sung cho giáo trình dạy học chuyên ngành Thiết kế nội thất ở các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng về vấn đề Lịch sử thiết kế và trang trí nội thất v.v…

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

GS.TS Kiều Thu Hoạch và PGS. TS. Đoàn Thị Mỹ Hương đồng hướng dẫn khoa học.

.

Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (3 trang), Tài liệu tham khảo (13 trang), Phụ lục (88 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (41 trang)

Chương 2. Các biểu hiện của nghệ thuật trang trí trong không gian điện thờ Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Giày hiện nay (55 trang)

Chương 3. Đặc trưng, giá trị và bàn luận về nghệ thuật trang trí trong không gian điện thờ Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Giày hiện nay (40 trang)

NCS Lê Minh Chi đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Lê Minh Chi đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Lê Minh Chi./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận