Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Văn hoá là một trong những trụ cột của phát triển bền vững đất nước

Ngày đăng: 25/02/2024 Lượt xem: 1.851
Mặc định Cỡ chữ

Sáng nay 24.2, trong không khí vui tươi, phấn khởi, tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL đã tổ chức Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2024.

 Đến dự và chia vui cùng đồng bào có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và đại diện lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đông đảo đồng bào các dân tộc…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu chia vui cùng đồng bào

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người thực hành văn hoá

Phát biểu tại Ngày hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Một dân tộc có thể bị áp bức, bóc lột, bị suy kiệt về vật chất, nhưng sức sống của dân tộc đó vẫn còn, và chỉ chờ có thời cơ là dân tộc đó sẽ vùng dậy. Sức sống đó chính là ở những giá trị văn hóa, những truyền thống văn hóa tốt đẹp”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các hệ giá trị về văn hoá Việt Nam được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII hướng tới bao gồm xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và hài hoà. Với nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hoá, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, những con người Việt Nam bình dị, cần cù, sáng tạo, ý chí kiên cường, bất khuất đang hàng ngày góp sức làm nên vị thế, tầm vóc mới cho đất nước Việt Nam.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Ngày hội

Cũng theo Bộ trưởng, năm 2024 là năm thứ 14 Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc được tổ chức, với sự tham gia của hơn 200 đồng bào của 28 cộng đồng dân tộc, đến từ 16 tỉnh/thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước. 

Đến với Ngày hội, người dân, du khách sẽ được hòa mình vào không gian đậm chất văn hóa, đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước để hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc Việt Nam. 

Các hoạt động được tổ chức đã có từ ngàn đời nay với Lễ hội Nàng Hai - lễ hội tiêu biểu của dân tộc Tày (tỉnh Cao Bằng); Lễ Trỉa lúa của dân tộc B’ru Vân Kiều chủ yếu sinh sống tại các bản làng trên dãy Trường Sơn thuộc miền Tây Quảng Bình; không gian di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật Xoè Thái được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại… Đây là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội

Du khách còn có cơ hội cùng nhau thưởng thức ẩm thực, tham gia các trò chơi dân gian tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao... trong sắc trắng của hoa mận, sắc hồng của hoa đào Tây Bắc.

 

Bộ truởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Ngày hội

Với nhiều đổi mới về hình thức và nội dung, Bộ trưởng tin tưởng Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2024 sẽ tiếp tục góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của những người thực hành văn hoá, đồng bào từng dân tộc đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình; củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quà cho đồng bào các DTTS

Đồng thời, là cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Qua đó, giáo dục thế hệ người Việt Nam về ý thức trách nhiệm trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đưa văn hoá thấm sâu vào đời sống xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đất nước Việt Nam là quốc gia tươi đẹp, có nền văn hiến lâu đời, lịch sử hào hùng và một nền văn hóa giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng. 

Đại diện đồng bào các DTTS trao quà cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú với các giá trị tốt đẹp; thể hiện sự sinh động quá trình sinh sống, lao động, dựng xây và bảo vệ đất nước; khắc họa cốt cách và vẻ đẹp con người Việt Nam. Đây là niềm tự hào, tài sản quý giá của quốc gia; là cội nguồn của sức mạnh nội sinh, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, là lực hấp dẫn bạn bè thế giới, trở thành sức mạnh mềm góp phần nâng tầm vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thực hiện tốt chính sách dân tộc, nhất quán theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của từng dân tộc, mỗi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với đồng bào các dân tộc

Bên cạnh đó những năm qua, các cấp, ngành, địa phương, đồng bào các dân tộc đã luôn nỗ lực bảo tồn, phục dựng, lan tỏa, tôn vinh các giá trị văn hóa; xây dựng những không gian văn hóa mới, tạo môi trường cho các dân tộc sáng tạo, tương tác, học hỏi, làm việc cùng nhau, khuyến khích sự hiểu biết và tôn trọng văn hóa của nhau.

Chủ tịch nước cho hay, cùng với các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa diễn ra trên khắp cả nước, Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc đã trở thành hoạt động thường niên, tái hiện, thực hành, tôn vinh các giá trị văn hóa của các dân tộc anh em; tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, những người trực tiếp tham gia quá trình sáng tạo, gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham gia trồng cây, hưởng ứng Tết trồng cây - đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại

Nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật trình diễn với những tác phẩm giàu sức sáng tạo đã thể hiện sinh động, thuyết phục tình yêu quê hương, đất nước; bồi đắp thêm sự phong phú của đời sống tinh thần; góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết, lòng tự hào dân tộc; tiếp thêm nguồn năng lượng mới, cảm hứng mới cho những khởi đầu tốt đẹp.

Cũng theo Chủ tịch nước, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là một trụ cột trong phát triển bền vững. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân đang không ngừng được nâng cao. Vai trò của người dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và thụ hưởng văn hóa ngày càng được coi trọng. Sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa ngày càng đông đảo.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tham gia vòng xoè cùng đồng bào các dân tộc

Để văn hóa thật sự là nguồn lực nội sinh, động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển bền vững, đi đến phồn vinh, hạnh phúc, Chủ tịch nước yêu cầu phải tiếp tục gìn giữ và bồi đắp các giá trị văn hóa tốt đẹp; đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội; củng cố, tạo dựng nền tảng tinh thần lành mạnh và tiến bộ, góp phần xây dựng con người Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc.

Các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt chính sách dân tộc, quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương gắn với phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Ngoài ra, quan tâm phát triển toàn diện, chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tham dự Lễ Trỉa lúa

Cùng với đó, phát huy vai trò của nhân dân, các cộng đồng, tộc người, già làng, trưởng bản, người cao tuổi, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian - những chủ thể văn hóa trong tham gia quá trình sáng tạo, trình diễn, gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tạo điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động khai thác và phát huy các giá trị văn hóa ngay trong lòng cộng đồng - nơi văn hóa ra đời, được nuôi dưỡng và phát triển.

Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên đồng bào các DTTS

Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh, sức sống của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đang mở ra những triển vọng về phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch. Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, sự giàu có và phong phú của tài nguyên văn hóa sẽ làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia, dân tộc. Đó còn là con đường tinh tế để chạm đến trái tim của du khách và bạn bè thế giới.   

Ngày hội diễn ra trong sắc xuân ngập tràn

Với quan niệm đa dạng văn hóa là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo, Chủ tịch nước mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo để chung tay xây dựng không gian giao lưu văn hóa của các dân tộc Việt Nam; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa.

“Không gian vui tươi, chan hòa, gắn kết bởi những cộng đồng văn hóa đa dạng sẽ là tiền đề vững chắc để thúc đẩy sự giao lưu và hiểu biết, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc; tạo nên sự gắn kết, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần vun đắp nền văn hóa, sức mạnh, giá trị Việt Nam”, Chủ tịch nước nêu rõ.

nguồn: baovanhoa.vn

Bình luận