Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, tạo đột phá”

Ngày đăng: 20/03/2024 Lượt xem: 387
Mặc định Cỡ chữ

Chiều 19.3, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành. Cùng dự có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương và­­­­ Hồ An Phong. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì cuộc họp

Phát biểu mang tính gợi mở, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định. Nhiệm kỳ này, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế. Vì vậy Bộ VHTTDL đã xác định trong 2 năm 2023 và 2024, ngành VHTTDL tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất đó là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế các văn bản quy phạm pháp luật. 

Xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn tạo ra động lực phát triển 

Mặc dù năm 2023, ngành VHTTDL đã có nhiều nỗ lực xây dựng pháp luật, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thẳng thắn cho rằng, trong quá trình triển khai và thực hiện hoàn hiện các thể chế của ngành VHTTDL vẫn còn tồn đọng những hạn chế: Việc bố trí thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu đề ra. Các hoạt động sự nghiệp, sự kiện tại các đơn vị tham mưu quản lý nhà nước còn khá nhiều. Công tác theo dõi, phối hợp triển khai công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giữa các cơ quan quản lý thuộc Bộ còn thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng...

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi làm việc

Với cách tiếp cận mới chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, muốn quản lý tốt thì phải tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về ngành VHTTDL. Vì thế yêu cầu các đơn vị cần chuyển mạnh tư duy, không quản lý theo kiểu chỉ tập trung vào sự vụ, không làm sự kiện đơn thuần.

“Khi được giao về nhiệm vụ xây dựng pháp luật cần phải nghiên cứu sâu, có những luận giải để xem đâu là “điểm nghẽn”. Xây dựng pháp luật không chỉ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, là công cụ quản lý nhà nước, xây dựng và hoàn thiện thể chế còn phải tạo ra động lực phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các Cục, Vụ, thủ trưởng các cơ quan tham mưu quản lý không chỉ báo cáo mà cũng cần thẳng thắn nêu ra những vướng mắc, khó khăn để lãnh đạo Bộ tháo gỡ trong công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của ngành.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi làm việc

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các đề án, chương trình trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; theo đó cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của ngành hiện nay: Một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực VHTTDL bị chồng chéo, chưa có sự thống nhất, còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương như: Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn...

Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật kéo dài, chậm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, ban hành chậm so với hiệu lực của văn bản giao quy định chi tiết và một số nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết. Việc đề xuất, đăng ký xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, trong quá trình tổ chức triển khai gặp khó khăn vướng mắc thì đề xuất xin dừng thực hiện. Kinh phí cho công tác thẩm định các dự thảo Thông tư chưa bảo đảm, khó thực hiện... 

Phải ưu tiên, dồn nguồn lực, sức lực, trí tuệ để hoàn thành

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các Thứ trưởng và thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước cần dành thời gian nhiều hơn cho công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy của ngành. Đây là công việc vô cùng quan trọng, then chốt để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn của ngành VHTTDL. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị sẽ có những cuộc họp tiếp theo về công tác này, định kỳ hằng tháng và theo từng chuyên đề, lĩnh vực cụ thể để lãnh đạo Bộ cũng như thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước cùng nhau trao đổi, tháo gỡ từng vấn đề. 

“Khi được giao về nhiệm vụ xây dựng pháp luật cần phải nghiên cứu sâu, có những luận giải để xem đâu là “điểm nghẽn”. Xây dựng pháp luật không chỉ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, là công cụ quản lý nhà nước, xây dựng và hoàn thiện thể chế còn phải tạo ra động lực phát triển”. 

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

Bộ trưởng khẳng định, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành thời gian qua, yêu cầu về công tác hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo sự phát triển lại càng nặng nề hơn. Theo Bộ trưởng, chúng ta đã thấy được sự quan trọng của công tác này ngay từ đầu nhiệm kỳ khi chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Điều đó đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Bộ VHTTDL cũng đã đánh giá cao sự chuyển hướng đúng và trúng của Bộ. 

Quang cảnh buổi làm việc

Yêu cầu đặt ra hiện nay đối với công tác hoàn thiện thể chế, nghiên cứu đề xuất phải bắt đầu từ sự chủ động của các đơn vị, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị phải tiếp tục chuyển mạnh tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, không chạy theo sự vụ, sự kiện đơn thuần. Khi được giao về nhiệm vụ xây dựng pháp luật cần phải nghiên cứu sâu, phải trăn trở suy ngẫm để có những luận giải.

Nhắc lại yêu cầu phải tạo ra được “véc tơ cùng chiều”, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các Cục, Vụ và đơn vị phải làm chuẩn xác, chất lượng và đúng thời hạn trong công tác hoàn thiện thể chế, xem đây là thước đo trong đánh giá hoàn thành công việc. Về cơ chế kiểm tra, Bộ trưởng cho biết, sau cuộc họp này, lãnh đạo Bộ sẽ chủ trì mỗi tháng một cuộc họp về công tác rà soát, hoàn thiện thể chế.

Trong bối cảnh công việc rất nhiều, Bộ trưởng đề nghị, phải ưu tiên, dồn nguồn lực, sức lực, trí tuệ để hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới. Đi kèm với đó, phải thường xuyên làm việc với các cơ quan thẩm tra để tạo sự đồng thuận.

Về Luật Quảng cáo, Bộ trưởng yêu cầu Cục Văn hóa cơ sở xem xét cách làm, lưu ý về kế hoạch xây dựng để đảm bảo đúng tiến độ trên tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa”. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo cũng cần có tư duy tiếp cận mới, chú ý tới vấn đề về công nghệ số, học tập các mô hình quản lý nhà nước ở các nước tiên tiến... Với việc xây dựng các Nghị định liên quan, Bộ trưởng yêu cầu ngay sau khi Luật được ban hành phải khẩn trương hoàn thiện theo đúng tiến độ mà Chính phủ đã giao.  

Đối với Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị liên quan phải khẩn trương hoàn thiện để ban hành kịp thời. Trong đó, đối với các Thông tư liên quan đến chế độ chính sách, định mức thì cần phải được ưu tiên. Bộ trưởng cũng yêu cầu cần rà soát lại khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực thể thao, trước mắt xem xét sửa đổi một số thông tư và quyết định trong lĩnh vực này.

“Trong cuộc họp về thể chế tới, bên cạnh với các công việc tổng thể, lãnh đạo Bộ sẽ dành nhiều thời gian để nghe về công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực thể thao. Như vậy chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề theo hướng có trọng tâm, trọng điểm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh trách nhiệm được giao của các Cục, Vụ, trách nhiệm của cơ quan tổng hợp là Vụ Pháp chế cũng cần được đề cao hơn nữa. Trong đó, Vụ Pháp chế có thể rà soát để đề xuất tăng cường nhân sự bộ máy nhằm hoàn thiện khối lượng công việc được giao.

Bộ trưởng cũng cho rằng, khi lực lượng ở Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ được tăng cường hiệu quả hoạt động, kỷ luật kỷ cương hành chính sẽ được nâng cao hơn. Bộ trưởng cũng hy vọng, thông qua cuộc họp này sẽ tạo động lực để toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ trong năm mà Bộ tập trung cao độ cho công tác hoàn thiện thể chế.

Nguồn: baovanhoa.vn

Bình luận