Sáng 15.5 tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức toạ đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà văn hóa: PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; nguyên PGĐ Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP. Hà Nội; Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Hà Nội Phạm Thị Lan Anh.
Các chuyên gi, nhà quản lý trao đổi các ý kiến thiết thực tại Tọa đàm
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sau thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua.
Một nội dung quan trọng của dự Luật là chính sách phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Đó là những quy định góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Dự Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa một số cơ chế đặc thù mới nhằm giúp Hà Nội bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa của Thủ đô.
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại Tọa đàm
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh: "Toạ đàm kỳ vọng sẽ gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng văn hóa của Thủ đô; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, tạo ra nguồn lực nội sinh để thúc đẩy sự phát triển”.
Đầu tư cho phát triển văn hóa
Các chuyên gia nhấn mạnh, xác định tầm quan trọng của xây dựng, phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong bức tranh phát triển tổng thể của Thủ đô, Hà Nội đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội.
Trong đó, rõ nét là các chủ trương, định hướng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bà Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh mục tiêu của Hà Nội hướng đến phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa mà Thành phố đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo.
Bà Lan Anh cho rằng, cùng với hệ thống cơ chế, chính sách, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tư thỏa đáng cho văn hóa. Năm 2022, Thành phố đã ban hành Nghị quyết, bổ sung nguồn vốn cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, với trên 14.000 tỉ đồng, trọng tâm là đầu tư cho tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Những chủ trương, Nghị quyết và kế hoạch cụ thể sẽ góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa di sản nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội.
Cùng với hệ thống cơ chế, chính sách, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tư thỏa đáng cho văn hóa
Nhấn mạnh, Hà Nội luôn được xem là trái tim của cả nước, văn hóa Hà Nội chính là nguồn cảm hứng, là định hướng dẫn dắt sự phát triển của nền văn hóa đất nước, PGS. TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
“Chúng ta luôn tự hào về một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hà Nội cũng luôn có sự quan tâm đặc biệt dành cho văn hoá, một thế mạnh của Thủ đô.
Khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hoá, trong đó nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của Thành uỷ về phát triển công nghiệp văn hoá.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, trên thực tế, những quan điểm chỉ đạo của Hà Nội về văn hoá đã mang đến nhiều thành quả. Hà Nội đã tham gia vào thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019, tham gia vào các không gian sáng tạo, các sự kiện công nghiệp văn hoá, chứng minh sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với văn hoá, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển văn hoá…
“Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để Hà Nội có thêm các cơ chế chính sách mới, những kỳ vọng về cơ chế chính sách đặc thù để từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự phát triển…”, theo ông Sơn.
Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hoá, trong đó nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam
Ngay sau Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành 10 Chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025.
10 Chương trình công tác đã được triển khai đồng bộ, đặc biệt là Chương trình 06 về phát triển văn hóa, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã có chuyển biến tích cực, tác động hai chiều.
Cơ chế đặc thù sẽ tạo phát triển đột phá
PGS. TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) rất đặc biệt. Đặc biệt vì chúng ta chỉ có Hà Nội là Thủ đô, nên có luật riêng; TP Hồ Chí Minh hay những địa phương khác chỉ có Nghị quyết đặc thù.
Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ, với những quy định ưu đãi về văn hoá, thể thao. Điều này thể hiện Hà Nội quan tâm đến nhiều hơn các vấn đề văn hoá, và mong muốn cụ thể hoá các quy định, cơ chế cho văn hoá, trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn để phát triển văn hoá.
Các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, Hà Nội đang có đầy đủ các lợi thế, nhưng đôi khi đang bị các rào cản pháp lý khiến chưa thực sự phát triển như kỳ vọng. Luật Thủ đô (sửa đổi) mang đến hi vọng khi được ban hành sẽ tạo những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển bền vững.
Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để Hà Nội có thêm các cơ chế chính sách mới, những kỳ vọng về cơ chế chính sách đặc thù để từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự phát triển
“Trong xu thế chung, phát triển văn hóa ngày càng được chú trọng. Hà Nội chính là trung tâm của cả nước và chúng ta mong muốn văn hoá Hà Nội phát triển mạnh mẽ nhất, truyền cảm hứng cho những địa phương khác. Các đại biểu Quốc hội cũng rất tán thành có những cơ chế đặc thù để phát triển văn hoá Thủ đô…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Câu chuyện về sự tiên phong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các chính sách đặc thù để đầu tư cho văn hóa, nhằm tạo phát triển vượt trội, mang tính dẫn dắt… là những điểm nhấn được các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh.
Theo bà Lan Anh, những quy định mới và điểm ưu đãi dành cho phát triển văn hóa đã được nêu trong một số điều của dự Luật Thủ đô (sửa đổi), tháo gỡ bước đầu cho vấn đề trọng tâm của TP Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, mong muốn Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước là có cơ sở. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Chính vì thế, chúng ta mong muốn cụ thể hóa nội dung này vào trong Luật Thủ đô.
Về tiềm năng di sản đồ sộ, khối tài sản vô giá mang đến những cơ hội khai thác, phát huy giá trị văn hóa riêng của Hà Nội, ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh, Hà Nội thống kê có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là tài sản vô giá của Thủ đô và cả nước.
"Thành phố cũng đã có nhiều chính sách bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, ngoài chế độ chính sách đã có, để bảo tồn tốt hơn cho di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần có thêm chính sách đặc thù, vượt trội, chẳng hạn như chính sách ưu đãi đối với các nghệ nhân.
Hơn nữa, số lượng đội ngũ hoạt động, trình diễn nghệ thuật dân gian chưa được phong tặng danh hiệu rất lớn, trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Sở VHTT cần tham mưu vấn đề chăm lo cho đối tượng này ở cơ sở, sẽ giúp gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể…”, theo ông Trương Minh Tiến.
Đề xuất cần có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá để phát huy giá trị văn hóa được đưa vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đạo biểu tin tưởng rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội phát triển toàn diện, trong đó điểm nhấn là sự phát triển đột phá của các giá trị văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Nguồn: baovanhoa.vn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục