Hà Giang: Hội thảo khoa học Giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống đương đại

Ngày đăng: 28/03/2024 Lượt xem: 545
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 28/03, tại Hà Giang, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Bộ VHTTDL phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang; Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang đồng tổ chức Hội thảo khoa học Giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống đương đại.

Tham dự Hội thảo có Đồng chí Ngô Văn Hiếu Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân, và các đại biểu đại diện cộng đồng dân tộc Pà Thẻn…

Quang cảnh Hội thảo

Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nêu rõ, Người Pà Thẻn là một trong 16 dân tộc thiểu số có dân số ít người sinh sống phân bố chủ yếu ở 2 tỉnh là Hà Giang và Tuyên Quang. Người Pà Thẻn có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo thể hiện ở các loại hình như kiến trúc, nhà cửa, trang phục, tiếng nói, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, tập quán xã hội nghi lễ, lễ hội, tri thức dân gian… Trong nhiều năm trở lại đây, do quá trình biến đổi kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã làm thay đổi đáng kể đời sống và địa bàn cư trú của dân tộc Pà Thẻn. Đến nay, hầu hết các xã, thôn của đồng bào Pà Thẻn đã có điều kiện sống tốt hơn về hạ tầng giao thông liên xã dễ dàng kết nối với các tuyến đường tỉnh, quốc lộ. Đa số các hộ gia đình đều đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống thông tin liên lạc có khả năng kết nối internet đã bao phủ hầu hết các thôn, bản. Chính quyền các địa phương đã hỗ trợ đầu tư nhiều công trình trạm y tế, trường học, nhà văn hoá giúp cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ, học tập, sinh hoạt văn hoá, thể thao cho người dân …

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó thì văn hoá truyền thống của người Pà Thẻn đang bị mai một, xuất hiện nguy cơ đứt gãy việc chuyển giao tài sản văn hoá giữa các thế hệ. Đa số các gia đình người Pà Thẻn hiện nay không còn lưu giữ được kiểu nhà ở truyền thống, mà chỉ bảo tồn được một phần chức năng thờ cúng trong gia đình. Các hoạt động sản xuất thủ công truyền thống ngày càng hiếm dần; Các hoạt động sinh hoạt nghi lễ truyền thống có xu hướng giảm dần hoặc bị biến đổi không còn tuân thủ theo đúng bài bản truyền thống. Lực lượng thầy cúng và những người am hiểu về phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian ngày càng ít dần, đa số đều ở độ tuổi đã cao, sức yếu. Trong khi đó, những người trẻ tuổi trong cộng đồng ngày càng ít quan tâm tìm hiểu, học hỏi, nâng cao kỹ năng thực hành văn hoá truyền thống… Điều này đang tạo ra cho cộng đồng dân tộc Pà Thẻn nguy cơ bị hẫng hụt thế hệ kế thừa và ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc trao truyền di sản văn hoá truyền thống mà thế hệ tổ tiên, ông bà, bố mẹ đã sáng tạo, lưu giữ hôm nay để lại cho thế hệ mai sau ….

Để góp phần thực hiện tốt công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc, văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, cung cấp cơ sở nhận thức khoa học và thực tiễn phục vụ trin khai nhiệm vụ dự án 06, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 của Bộ VHTTDL, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang; Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống đương đại” tại thị trấn Việt Quang của huyện Bắc Quang.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia ViệtNam phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 28 tham luận của các tác giả nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương và địa phương, đại diện nhân dân, bà con dân tộc Pà Thẻn. Các bài tham luận và ý kiến gửi đến Hội thảo đã tập trung vào 4 vấn đề chính:

- Nghiên cứu nhận diện giá trị kho tàng văn hoá truyền thống của dân tộc Pà Thẻn; làm rõ một số vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung

- Cung cấp những kinh nghiệm, mô hình thành công về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn và một số cộng đồng dân tộc.

- Nghiên cứu đánh giá thực trạng văn hóa truyền thống của một số cộng đồng dân tộc Pà Thẻn, chỉ rõ các nguyên nhân, xu hướng biến đổi văn hóa truyền thống của tộc người.

- Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn; đặc biệt là vấn đề bảo vệ và phát huy bản sắc, văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, tổ chức đoàn thể, cộng đồng nhân dân cùng trao đổi, chia sẻ những bài học hay, kinh nghiệm quý, những ý tưởng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hoá của dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung:

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang trình bày tham luận Thực trạng văn hóa kiến trúc nhà ở và nét đẹp trong lễ cưới của người Pà Thẻn trên địa bàn huyện Bắc Quang; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị;

Ông Nguyễn Đức Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang trình bày Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Quang và giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống đương đại;

PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam với tham luận Du lịch bản địa: giải pháp bảo tồn giá trị di sản văn hóa và cơ hội phát triển kinh tế của người Pà Thẻn ở Hà Giang;

Tham luận Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống hiện nay, ThS.NCS Nguyễn Phương Việt, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trình bày;

Bảo tồn, phát huy giá trị nghi lễ vòng đời của dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang trong bối cảnh hiện nay do TS Phan Mạnh Dương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam;

Bà Tải Thị Vấn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang với tham luận Giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

Ngoài các báo cáo tham luận trình bay tại hội thảo, Ban tổ chức cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, những ý tưởng độc đáo, những luận cứ khoa học và thực tiễn, đặc biệt là các ý kiến phát biểu thảo luận của những cán bộ trực tiếp tham gia công tác quản lý văn hoá, du lịch ở tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang, xã Tân Lập chứa đựng nhiều thông tin bổ ích và lý thú giúp Hội thảo có được nhận thức rõ hơn về các trường hợp nghiên cứu, bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn sinh động rất cần thiết cho quá trình triển khai công tác nghiên cứu tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo./.

Ảnh: Duy Quang

Tin: Lã Lương

Bình luận