Tại hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”, nhiều học giả trong nước và quốc tế đã đem đến những góc nhìn mới góp phần minh định tài năng, công lao và những đóng góp của nhà bác học Lê Quý Đôn không chỉ cho nước ta mà còn cho nền học thuật khu vực châu Á.
Những đánh giá toàn diện về nhà bác học Lê Quý Đôn
Trong tham luận “Lê Quý Đôn (1726-1784) qua đánh giá của người đương thời trong và ngoài nước”, nhà văn Hoàng Khôi viết: “Lê Quý Đôn là một người đọc và viết nhiều nhất trong suốt cả nghìn năm chế độ phong kiến, ông cũng là người muốn có nhiều cải cách trong xã hội Việt Nam, là nhà chính trị quan tâm đến nhân dân, gần dân và là nhà trí thức có tư tưởng tự tôn, tự hào dân tộc. Cuộc đời của Lê Quý Đôn có 02 hoài bão lớn: một là thi hành những cải cách, thiết định những pháp chế nhằm xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị và hai là đọc sách, viết sách để vừa hiểu biết vừa có thể giới thiệu, quảng bá và giữ gìn những giá trị tinh hoa của văn hóa văn hiến Việt”.
So với những người cùng thời, Lê Quý Đôn là học giả được khá nhiều người nước ngoài biết tiếng. Người ta biết đến Lê Quý Đôn trước hết là ở khả năng thuyết phục bằng lý lẽ khi ông tranh luận với đại diện triều đình Mãn Thanh vào năm 1762. “Chúng ta chưa thật rõ cuộc thương thuyết, tranh đấu này cụ thể như thế nào? Chắc chắn không thể dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng cuối cùng, ta đã đạt được mục đích. Nhà Thanh đã chấp nhận gọi đoàn sứ thần của ta là “An Nam cống sứ”. Như thế phải thấy năng lực của Lê Quý Đôn là rất tuyệt vời, rất đáng trân trọng. Ông xứng đáng là một trí thức Việt Nam có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giữ được danh dự cho đất nước” - nhà văn Hoàng Khôi nói.
Trong tham luận “Lê Quý Đôn - ngôi sao mọc trên bầu trời Việt Nam”, thạc sỹ Nguyễn Thị Tô Hoài, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một người con của mảnh đất Thái Bình dẫn lời GS Vũ Khiêu nhìn nhận: “Qua di sản Lê Quý Đôn, người ta thấy hầu như ông đã nắm hết những tri thức mà thời đại ông cho phép, từ lịch sử xa xưa của Việt Nam và các nước đến những việc cụ thể hàng ngày như sinh hoạt và ăn uống, từ những đặc điểm của chim muông cây cỏ đến phong tục tập quán của từng huyện từng làng, từ những tư tưởng thần bí trong các tôn giáo đến những nhận thức khoa học mới nhất về chiều quay của trái đất chung quanh mặt trời”.
“Ông đã biết tiếp thu những tinh hoa tri thức nhân loại để khai mở, đắp nền xây dựng một loạt ngành nghiên cứu về nông học, dân tộc học, bách khoa thư, Việt Nam học… Trong đó, đặc biệt phải kể đến là những tri thức khoa học về nông học mà ông đã hết lòng để tâm nghiên cứu. Các tri thức về nông học không chỉ thỏa mãn trước thuật của ông mà còn thỏa mãn tấm lòng luôn vì quê hương, vì một nền kinh tế nông nghiệp của một nhà tri thức hết mực yêu nước, yêu dân”.
Từ góc nhìn một học giả quốc tế, PGS.TS Nina V.Gregoriva - Đại học HSE, St.Petersburg (Liên bang Nga) nhìn nhận Lê Quý Đôn là đại diện xuất chúng cho Thời đại Khai sáng ở Việt Nam. Bà viết: “Lê Quý Đôn là vị quan, nhà trí thức và nhà bác học lớn thời Lê Trung hưng, sống, hoạt động và sáng tác trong những thập niên giữa thế kỷ 18 mà trong lịch sử thế giới được gọi là thế kỷ Khai Sáng. Ông là người đương thời với những nhân vật văn hóa và khoa học vĩ đại như Montesquieu (Pháp, 1689-1755), Voltaire (Pháp, 1694-1778), Hume (Anh, 1711-1776), Lomonosov (Nga, 1711-1765), Rousseau (Thụy Sĩ-Pháp, 1712-1778), Diderot (Pháp, 1713-1784)…”
“Sự quan tâm đến việc nghiên cứu các vấn đề triết học, xã hội, lịch sử cùng với tiếp cận có tính chất bách khoa, thực tiễn, tinh thần cải cách là những đặc trưng điển hình cho thời đại Khai Sáng đều biểu hiện rất rõ trong hoạt động trí tuệ của nhà bác học thế kỷ 18 ấy”.
“Cũng như Ephraim Chambers ở Vương quốc Anh và Bách khoa thư phái (Encyclopédistes) ở Pháp do Denis Diderot dẫn đầu, Lê Quý Đôn biên soạn một trong những Bách khoa Toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Đó là bộ sách “Vân đài loại ngữ” mà ông soạn xong vào năm 1773. Công trình này tập hợp những kiến thức về triết học, khoa học, văn học, vạn vật học được xếp thành loại trong 9 đề mục. “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của khoa học Việt Nam thời phong kiến và có ý nghĩa lịch sử to lớn cho đến ngày nay. Không lạ gì khi công trình này đã được tái bản nhiều lần ở Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ và đã thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu, kể cả ở ngoài Việt Nam (Nikulin, 1977; Pham, 1996; Remarchuk và Pham, 1996; Nikulin, 2000; Nikitin, 2001; Lin, 2020).
Gần 90 tham luận gửi đến hội thảo cho thấy sức hút và sự quan tâm của của các học giả trong nước và quốc tế đối với di sản trí tuệ của nhà bác học Lê Quý Đôn.
Từng bước hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Lê Quý Đôn là Danh nhân văn hóa thế giới
Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, là một bước trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Lê Quý Đôn là Danh nhân văn hóa thế giới nhân kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của ông (1726-2026).
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm khẳng định: “Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn là biểu tượng sáng ngời về tinh thần, trí tuệ Việt Nam. Những công trình của ông có giá trị to lớn về mặt nghiên cứu, đồng thời là biểu hiện của sự kết nối giữa trí thức Việt Nam với các nền văn hóa khác, giúp làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là Danh nhân văn hóa thế giới không chỉ là sự tôn vinh những đóng góp của cá nhân ông mà còn khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế”.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện VHNTQGVN cho rằng, trong lịch sử 300 năm qua, tài năng, tầm vóc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được khẳng định và nhận sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài, đồng thời cho thấy sự cần thiết giới thiệu rộng rãi hơn nữa di sản Lê Quý Đôn đến với thế giới./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Bài: Anh Tuấn.
Ảnh: Anh Tuấn, Trần Hiếu
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục