Nhân lên khát vọng hòa bình của Thủ đô văn hiến

Ngày đăng: 05/10/2024 Lượt xem: 321
Mặc định Cỡ chữ

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), sáng 6-10 tới, thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” nhằm quảng bá văn hóa Hà Nội, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch trên địa bàn.

dieu-hanh-tai-hien-hinh-anh.jpg

Các lực lượng tập luyện tái hiện hình ảnh đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm 1954 trong chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”, ngày 4-10.

Ảnh: Viết Thành

Khoảng 10.000 người tham dự ngày hội

Chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” được tổ chức tại khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, ngã tư Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Tràng Thi - Hàng Khay với khoảng 10.000 người tham gia. Trong đó, có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế; 9.000 người tham gia diễu hành và trình diễn - gồm nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, ngày hội là hoạt động tôn vinh giá trị của hòa bình, thể hiện niềm tự hào về danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng. Chương trình gửi gắm thông điệp về sự phát triển của Thủ đô - năng động, sáng tạo nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống, vươn lên với sức bật mạnh mẽ, xứng đáng là đầu não chính trị, hành trình quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Tham gia với vai trò dàn dựng chương trình, đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ, sau nhiều tháng chuẩn bị, tập luyện, hơn 10.000 người thuộc các quận, huyện, thị xã, đơn vị nghệ thuật, cơ quan, đoàn thể đang trong tâm thế sẵn sàng, phấn khởi tham gia chương trình. “Đây là chương trình thực cảnh công phu của thành phố Hà Nội, có số lượng người tham gia đông đảo, mang ý nghĩa tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, đồng thời gửi gắm thông điệp hòa bình, nhân văn bác ái”, đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết.

Hiện nay, nhiều tiểu cảnh đẹp mắt đã được dựng tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Những ngày này, công chúng có thể đến hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh với những mô hình mang tính biểu tượng của Hà Nội, như: Ô Quan Chưởng, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, cột cờ Hà Nội...

Nhiều hoạt động tôn vinh di sản văn hóa hấp dẫn

Nội dung “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” gồm 3 phần, sẽ giới thiệu tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội được hội tụ, lan tỏa trong hơn 1000 năm qua, đang tiếp tục tỏa sáng và làm giàu thêm cho nguồn lực văn hóa Thủ đô. Phần mở đầu là thực cảnh tái hiện hình tượng lịch sử của Thủ đô và màn biểu diễn liên khúc “Truyền thuyết Hồ Gươm - Người Hà Nội - Cảm xúc tháng 10 - Khí phách Hà Nội - Hát vang lý tưởng tuổi trẻ”. Phần hai là lễ chào mừng. Phần ba là màn trình diễn, diễu hành có sự tham gia của 500 chiến sĩ tái hiện hình ảnh đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm 1954. Phần này được chia làm 3 chương, gồm các chương trình nghệ thuật, thực cảnh, diễu hành với các chủ đề: “Hà Nội ngày về chiến thắng”, “Hà Nội - dòng chảy di sản”, “Hà Nội - Thành phố hòa bình - Thành phố sáng tạo”.

Ngoài hoạt động biểu diễn, chương trình còn có các màn trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân; diễu hành, giới thiệu di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và quốc gia ghi danh, như hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, đền Sóc...; các di sản văn hóa phi vật thể như: Kéo co, hội thổi cơm thi làng Thị Cấm, tín ngưỡng Mo Mường, tín ngưỡng thờ Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử… Chương trình cũng giới thiệu những di sản diễn xướng dân gian tiêu biểu của Hà Nội như: Ca trù, hát xẩm, hát múa Ải Lao, rối nước, rối cạn…; giới thiệu làng nghề truyền thống tiêu biểu của Thủ đô, gồm: Tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng; làng nghề nón Chuông; dệt lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm Bát Tràng. Ngoài ra, chương trình còn giới thiệu nét văn hóa ẩm thực phong phú của Hà Nội thông qua các món ngon như giò chả Ước Lễ, bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng, xôi Phú Thượng, sản phẩm sen Tây Hồ...

Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Hợi cho biết, địa phương tham gia trình diễn và diễu hành với 4 nội dung: Diễn xướng tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, múa rối nước, biểu diễn chiêng Mường, giới thiệu làng nghề miến dong. Hơn 100 diễn viên không chuyên tham gia chương trình phần lớn là nông dân, công chức nhà nước... Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Tài, xã có 75 người tham gia diễn xướng tiết mục Phù Đổng Thiên Vương - một phần của lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, đến nay, công tác chuẩn bị cho “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” đã hoàn tất. Chương trình sẽ diễn ra với nguyên tắc tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, thể hiện tinh thần đoàn kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình - Thành phố sáng tạo.

Nguồn: hanoimoi.

Bình luận