Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại

Ngày đăng: 08/10/2024 Lượt xem: 1.121
Mặc định Cỡ chữ

Sáng 7-10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”.

1-2-.jpg

Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo. Ảnh: Viết Thành

Đây là một trong hai sự kiện cấp quốc gia trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Dự hội thảo, về phía Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an…

Về phía thành phố Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

11.jpg

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Thành

Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, một số địa phương, các ban Đảng của Thành ủy, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học; một số tổ chức quốc tế gắn bó với sự nghiệp phát triển Thủ đô; các hiệp hội, doanh nghiệp.

Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp để nhìn lại, đánh giá những kết quả, thành tựu rất đáng tự hào của thành phố trong giai đoạn vừa qua. Bước vào thời kỳ đổi mới, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

2(1).jpg

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu chào mừng. Ảnh: Viết Thành

“Định hướng phát triển của Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng và cả nước cùng phát triển. Điều đó là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội để lãnh đạo thành phố lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hiện thực hóa định hướng và mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, 70 năm qua, từ thực tiễn xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã dệt kết nên những bài học kinh nghiệm quý báu.

3(1).jpg

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn. Ảnh: Viết Thành

Hà Nội khẳng định vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; định vị trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bằng những danh xưng cao quý. Điều đó mang đến những cơ hội mới, động lực mới để Hà Nội hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là thành phố “Văn hiến - văn minh - hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Để xây dựng Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ một số vấn đề để hội thảo thảo luận là: Cần trân trọng giữ gìn và phát huy di sản văn hiến vô giá của Thủ đô, cũng là của đất nước mà tổ tiên cùng các thế hệ cha ông ta đã để lại; xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống, an toàn và mến khách; chủ động, tích cực đẩy mạnh, nâng tầm hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Thủ đô; quyết liệt, kiên trì xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội đoàn kết thống nhất, thật sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh toàn diện.

bac-phu.jpg

GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tham luận. Ảnh: Viết Thành

Cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới

Phát biểu tham luận mở đầu, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung vào 3 nội dung: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền tảng định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội; sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội và những nội dung cốt yếu trong chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển Thủ đô.

Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng, tiềm lực đủ mạnh; thể chế thông thoáng, môi trường quốc tế thuận lợi và ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong cả nước, sự hợp tác quốc tế hiệu quả.

Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội đã trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú, quí báu. Đó chính là những tiền đề vững chắc để Hà Nội phát triển bứt phá, trở thành Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới - “ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

ong-ngoc.jpg

GS.TS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc tham luận. Ảnh: Viết Thành

GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nêu bật vị thế của Thủ đô suốt chiều dài lịch sử của đất nước qua bài tham luận “Vị thế của Kinh đô - Thủ đô Cổ Loa, Thăng Long, Hà Nội trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Trong đó khẳng định, suốt gần 8 thế kỷ của văn minh Đại Việt, đất nước đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong phát triển kinh tế, chấn hưng văn hóa, lập nên những kỳ tích anh hùng chống ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, hoàn thành công cuộc mở cõi và định cõi để có được một quốc gia dân tộc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, văn minh và cường thịnh hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trong kỷ nguyên văn minh Đại Việt, Thăng Long (Đông Đô, Đông Kinh) luôn luôn là kinh đô, là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm kinh tế, xã hội và văn hóa lớn nhất và tiêu biểu nhất của cả nước. Thăng Long thực sự là không gian lịch sử - văn hóa hội tụ, giao lưu, kết tinh và lan tỏa lớn nhất, mạnh nhất, quan trọng và tiêu biểu nhất trong suốt kỷ nguyên văn minh Đại Việt và mãi về sau.

GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế, phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại.

ong-dinh.jpg

Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an). Ảnh: Viết Thành

Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an) chỉ ra, thành phố Hà Nội với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh nên cũng phải đối diện với nhiều thách thức an ninh, trật tự đan xen, trong đó nổi lên là các nguy cơ, thách thức về an ninh phi truyền thống, như: Xung đột xã hội; an ninh mạng; an ninh tài chính, tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường; biến đổi khí hậu; an ninh y tế, dân số, dịch bệnh; tội phạm xuyên quốc gia.

Giải pháp là đẩy mạnh tuyền truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và tầng lớp nhân dân về những thách thức an ninh phi truyền thống; thường xuyên nắm tình hình, nghiên cứu, nhận diện, phân tích, dự báo chiến lược một cách có hệ thống và toàn diện về các thách thức an ninh phi truyền thống; tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trên các lĩnh vực có tác động, thách thức an ninh phi truyền thống thông qua chia sẻ dữ liệu…

Cần giải pháp vượt trội

ong-thien.jpg

PGS.TS Trần Đình Thiên tham luận. Ảnh: Viết Thành

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: “Không có gì phải nghi ngờ Hà Nội là “toạ độ” hội tụ sức mạnh quốc gia khi tích hợp tiềm năng, tổ hợp lợi thế và hội tụ tài năng. Đó là những lợi thế tuyệt đối”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chúng ta bàn nhiều về tiềm năng, lợi thế nhưng giải pháp để hiện thực hoá cho đến tầm thì chưa đủ. Để biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh hiện thực, cần có điều kiện và giải pháp. Thành phố chưa đạt được thành tựu như mong đợi vì giải pháp chưa đến tầm và điều kiện chưa đủ. Ngoài ra, thành phố đánh giá hiệu quả phát huy theo quan điểm so sánh với các địa phương xung quanh, với mục tiêu đua tranh quốc tế cũng chưa đủ tầm nên chưa nhận diện mình thực sự đúng nghĩa.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh để thực hiện sứ mệnh, Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt to lớn và khác thường từ Trung ương, trong đó, có việc dành ưu tiên về nguồn lực quy mô lớn, cung cấp các dự án phát triển đặc biệt để tạo khai thông - đột phá và những thể chế, giải pháp vượt trội nhằm tạo không gian mở, cơ hội phát triển mới cho Hà Nội.

ong-chinh.jpg

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính tham luận. Ảnh: Viết Thành

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, hiện tại, trong Quy hoạch Thủ đô, tầm nhìn được xác định đến năm 2050, còn trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô thì tầm nhìn xác định đến năm đến năm 2065. Điều này dễ dẫn đến mục tiêu và vấn đề liên kết giữa 2 quy hoạch trong quá trình phát triển của Thủ đô sẽ có nhiều bất cập.

“Vì vậy, cần phân tích kỹ các kịch bản để điều chỉnh phân bố dân số; tiếp tục giảm dân số trong nội đô lịch sử, thúc đẩy hình thành, tạo nơi đến có chất lượng ở các đô thị phát triển, đô thị vệ tinh....; tăng cường kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn cũng như phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô. Việc lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cần được làm rõ trong lần điều chỉnh này”, ông Trần Ngọc Chính đề xuất.

Đối với 5 đô thị vệ tinh, cần rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên; cần kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt…

Ưu tiên tập trung nhiều vấn đề tạo phát triển đột phá phát triển

Phát biểu bế mạc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khái quát, 12 ý kiến phát biểu, tham luận trực tiếp tại Hội thảo đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội. Nhiều ý kiến chỉ rõ, Thủ đô Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước.

ong-nghia.jpg

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu bế mạc. Ảnh: Viết Thành

Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho phát triển. Tuy nhiên, tình hình mới cũng tiếp tục đặt ra cho Thủ đô không ít cơ hội rộng mở và thách thức mới; đòi hỏi Hà Nội phải vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để tiếp tục phát triển, thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của Vùng và của cả nước.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, tổng kết các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế chỉ ra, để thực sự tạo đột phá phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung vào các vấn đề như dịch vụ và kinh tế đô thị; phát triển công nghiệp văn hoá kết hợp với dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo …

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và các cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Đây là lực lượng trí thức tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: TTXVN

Những ý kiến đề xuất giải pháp, kiến nghị của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành và các chuyên gia, nhà khoa học, các quý vị đại biểu là cơ sở quan trọng giúp Thủ đô Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị.

Nhằm tôn vinh truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Hà Nội, tri ân những cống hiến, đóng góp của quân, dân Thủ đô, Ban Tổ chức Hội thảo bố trí bên ngoài sảnh chờ không gian trưng bày những hình ảnh, tranh cổ động chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; đồng thời mang đến cho các đại biểu tham dự Hội thảo không gian âm nhạc dân tộc góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, âm nhạc truyền thống của Hà Nội, Việt Nam.

Nguồn: hanoimoi.vn

Bình luận