Sáng ngày 03/02/2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Vũ Thanh Vân với đề tài: Nghệ thuật tạo hình con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng, chuyên ngành: Lý luận và lịch sử mỹ thuật, mã số: 9210101, do GS.TS Bùi Quang Thanh; PGS.TS Ngô Tuấn Phong đồng hướng dẫn.
Hội đồng bảo vệ luận án
Trong lịch sử nền văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam, nghệ thuật tạo hình con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng đã góp phần tạo nên bức tranh phong phú, đa sắc màu cho Mỹ thuật nước nhà. Đây chính là một kho báu của các kinh nghiệm văn hóa, lịch sử và những sáng tạo mỹ thuật dân gian độc đáo.
Tuy nhiên, với sự phát triển đa văn hóa, sự du nhập các xu hướng nghệ thuật nước ngoài làm cho nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân tộc, các phường rối nước gặp nhiều khó khăn, các nghệ nhân ít được quan tâm và ít được tạo điều kiện để yên tâm giữ nghề, truyền nghề. Cùng đó là sự thay đổi nhanh chóng của các hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội kéo theo những biến đổi trong đời sống tinh thần và thói quen văn hóa của người dân, dẫn đến sự tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật tạo hình con rối và các tích trò rối nước.
Vì vậy, yêu cầu nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, phát huy vốn cổ trong nghệ thuật tạo hình con rối nước càng trở nên thiết yếu. Việc nghiên cứu về Nghệ thuật Rối nước hiện nay đã được các nhà chuyên môn quan tâm nhiều hơn, nhưng hầu hết các công trình khoa học chủ yếu tập trung tìm hiểu nghệ thuật này từ góc độ lịch sử, văn hóa, sân khấu. Những đề tài khoa học về con rối nước từ góc độ mỹ thuật và lịch sử mỹ thuật hiện còn chưa nhiều, chưa phong phú, vẫn còn những khoảng trống nhất định trong nghiên cứu về các giá trị tạo hình dân gian của nghệ thuật chế tác con rối nước và việc bảo tồn, khai thác, đóng góp của nghệ thuật này cho sự phát triển Mỹ thuật Việt Nam.
Từ những lý do đã nêu và từ tình yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc, NCS Vũ Thanh Vân đã lựa chọn đề tài nghiên cứu Nghệ thuật tạo hình con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng làm luận án tiến sĩ của mình.
NCS Vũ Thanh Vân.
Luận án là công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu về các biểu hiện của con rối nước. Luận án góp phần hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về nghệ thuật tạo hình con rối nước, bổ sung một số thông tin về nghệ thuật tạo hình con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng. Luận án góp phần nhận diện những biểu hiện về nội dung và hinh thức nghệ thuật tạo hình con rối nước, tính biểu cảm của nhân vật con rối nước, đặc trưng tạo hình, các chất liệu tạo hình nghệ thuật con rối nước.
Bên cạnh đó, luận án khẳng định nghệ thuật tạo hình con rối nước đã truyền tải được nhiều khía cạnh trong đời sống vật chất, tinh thần cũng như những đóng góp cho nền nghệ thuật dân gian Việt Nam. Kết quả nghiên cứu có thể bổ sung một số tài liệu về đặc trưng, giá trị mỹ thuật của nghệ thuật chế tác con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần cho nghiên cứu các đề tài chuyên ngành Lý luận và Lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Luận án có ý nghĩa khoa học và có giá trị vê độ tin cậy là nguồn tư liệu quý trong công tác bảo tồn di sản nói chung, nghệ thuật múa rối nước ở đồng bằng sông Hồng nói riêng. Cung cấp nguồn tài liệu trong công tác đào tạo chuyên ngành nghệ thuật, sư phạm nghệ thuật, ứng dụng nghiên cứu Lịch sử Mỹ thuật, cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm tiếp cận với nghệ thuật tạo hình con rối nước và múa rối nước; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tình cảm về mỹ thuật dân gian, về nghệ thuật tạo hình con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng cho người muốn tìm hiểu về văn hóa - nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam.
Hội đồng phản biện, đánh giá luận án
GS.TS Bùi Quang Thanh; PGS.TS Ngô Tuấn Phong đồng hướng dẫn khoa học
Ngoài phần Mở đầu (8 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (10 trang) và Phụ lục (104 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát 9 về nghệ thuật tạo hình con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng (47 trang).
Chương 2. Biểu hiện và đặc trưng nghệ thuật tạo hình con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng (66 trang).
Chương 3. Giá trị tạo hình và một số luận bàn về nghệ thuật tạo hình con rối nước vùng đồng bằng sông Hồng (59 trang).
Nghiên cứu sinh Vũ Thanh Vân đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Vũ Thanh Vân đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Vũ Thanh Vân./.
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô
Tin, ảnh: Lã Lương
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục