Hiến kế phát triển nghệ thuật Việt Nam bền vững trong bối cảnh đương đại

Ngày đăng: 30/06/2024 Lượt xem: 318
Mặc định Cỡ chữ

Sáng 30.6.2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ VHTTDL, Hội Mỹ thuật Tp HCM tổ chức Hội thảo “Cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững”. Đây là hoạt động thuộc Đề án Khoa học cấp quốc gia “Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, người thực hành văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam nhằm tạo nên một diễn đàn thảo luận và chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát triển nghệ thuật ở nước ta hiện nay.

Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN; TS. Đinh Văn Hạnh, Phó Phân viện trưởng phụ trách, Phân viện VHNTQGVN tại TP. HCM; GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp HCM; PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Tp HCM; PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra còn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các nghệ sĩ và đại diện đơn vị nghệ thuật.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN mong muốn, tại hội thảo các đại biểu chia sẻ thẳng thắn những quan điểm, kinh nghiệm nghiên cứu, thống nhất về cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại để đem đến những thông tin khoa học, bổ ích, thú vị.

TS Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN

Hội thảo đã nhận được sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề chính như: Các lý thuyết và quan điểm tiếp cận về phát triển nghệ thuật gắn với phát triển bền vững. Nhận diện các yếu tố tác động đến sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại hướng tới phát triển bền vững. Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật công cộng trong bối cảnh đương đại ở Việt Nam. Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thời đại số. Cần làm gì để nghệ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đương đại? Cơ sở lý luận phát triển nghệ thuật trong bối cảnh đương đại (góc nhìn từ Đào tạo).

Nhận diện các yếu tố tác động đến sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên nhận định, hoạt động nghệ thuật là một quy trình liên tục, khép kín song hành với tiến trình lịch sử xã hội và tương tác qua lại lẫn nhau không ngừng giữa cuộc sống - nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng - cuộc sống, thông qua sự nối kết của đánh giá và phê bình nghệ thuật… Chính những yếu tố này ảnh hưởng mạnh, tác động trực tiếp, gián tiếp đến sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam.

Muốn phát triển bền vững nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại cần có những giải pháp, chiến lược cụ thể về quản lý Nhà nước, về đào tạo chuyên ngành, môi trường hoạt động, về quảng bá tác phẩm, về chính sách và trách nhiệm đối với văn nghệ sĩ, về đánh giá phê bình nghệ thuật, đồng thời nâng cao nhận thức thẩm mỹ của người dân… nhằm tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tác được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận, có tác động mạnh đến sự phát triển của xã hội về kinh tế, văn hóa, giáo dục, thẩm mỹ.

Đề cập đến sự phát triển của nghệ thuật công cộng ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nghệ thuật công cộng cung cấp những tác động tích cực đối với cộng đồng. Các dự án nghệ thuật công cộng sẽ không chỉ dừng ở ý nghĩa biến đổi một không gian cũ thành không gian nghệ thuật mới mẻ, đẹp mắt, thu hút sự tò mò nhất định của dân chúng và rồi dần bị lãng quên. Để những công trình nghệ thuật đó không chỉ đơn thuần là sự trang trí, làm đẹp cho một khu phố, một con đường… cần phải có những chiến lược cụ thể để có thể nâng nghệ thuật công cộng lên một tầm cao mới, xứng với tốc độ phát triển văn hoá - kinh tế toàn cầu hiện nay.

Đề cập đến một chủ đề rất thời thượng là tác động của khoa học công nghệ và trí thông minh nhân tạo (AI) đến phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Đại học Sài Gòn phân tích, nhờ có Trí thông minh nhân tạo, công việc sáng tạo, nhân bản, biến các chủ đề âm nhạc, thậm chí chỉ là tựa đề hoặc ý tưởng trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh chỉ bằng vài thao tác, trong vài giây. Nhiều ý kiến cho rằng công nghệ có những mặt tích cực vì đã đóng góp lớn trong sản phẩm âm nhạc. Tất nhiên, công nghệ - trong đó có AI - có những mặt trái, nhưng mặt tích cực của công nghệ là có thể đưa ra những nghiên cứu xã hội học về văn hóa, nghệ thuật để có những chỉ số cụ thể và kịp điều chỉnh những lệch chuẩn xã hội. Công nghệ là xu hướng và nhu cầu, là dấu hiệu hòa nhập và phù hợp xu thế của ngành âm nhạc, mở ra những hướng đi mới cho phát triển âm nhạc trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đề cập đến những bất cập trong cơ chế hợp tác công tư lĩnh vực điện ảnh. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư cho sản xuất mà không cho phép đầu tư để phát hành, quảng bá phim. Nhà nước cũng chưa có cơ chế phối hợp giữa đầu tư công và các hình thức xã hội hóa khi huy động vốn sản xuất phim. Vì những cơ chế bất hợp lí nên phim do Nhà nước sản xuất rất khó tìm đường ra các rạp chiếu tư nhân. Về các giải pháp để điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đề xuất: Nhà nước cần đầu tư toàn diện cho điện ảnh, tránh đầu tu manh mún và cắt khúc như hiện nay; Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư cho các đề tài mà tư nhân không muốn đầu tư, đó có thể là đề tài về lịch sử quảng bá danh nhân, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam; Cần xây dựng cơ chế hoạt động và quản lý thật sự khoa học và hiệu quả cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, người thực hành nghệ thuật cũng chia sẻ thẳng thắn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam.

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay nghệ thuật cần phải là trụ cột vì sự phát triển bền vững. Hiện còn quá nhiều rào cản để nghệ thuật Việt Nam có thể phát triển. Nghệ thuật có vai trò quan trọng đê định vị thương hiệu, tâm thế của một quốc gia. Giải pháp nào để nghệ thuật Việt Nam đứng vững trong bối cảnh đương đại, thể hiện bản sắc dân tộc trên trường quốc tế. Với vai trò cơ quan tư vấn chính sách, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến này để đưa ra những đề xuất chính sách hợp lý hơn./.

Tin, ảnh: Anh Tuấn

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục