AI SẼ LÀ NHẠC TRƯỞNG ĐIỀU TIẾT SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM?

Ngày đăng: 24/08/2024 Lượt xem: 679
Mặc định Cỡ chữ

Nền nghệ thuật Việt Nam có quá trình vận động và phát triển như thế nào? Có những tác động, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực ra sao, đặc biệt sau ngày đất nước thống nhất? Đó là những vấn đề được bàn luận tại tọa đàm “Nghệ thuật ở TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” diễn ra tại TP HCM hôm 19.8.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ “Nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện.

Chủ trì tọa đàm gồm có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh và PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, chủ nhiệm nhiệm vụ.

Báo cáo đề dẫn, PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương cho biết, từ sau năm 1975, đặc biệt là sau Đổi Mới (1986), nước ta bước vào giai đoạn hoà bình và xây dựng, nhiều nghệ sĩ có cơ hội học hỏi, đưa các tác phẩm của mình hội nhập với thế giới. Thời gian gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam mở rộng đáng kể, ghi nhận nhiều kỷ lục doanh thu ở các lĩnh vực mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc.

Từ đó đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu: Nền nghệ thuật Việt Nam có quá trình vận động và phát triển như thế nào? Có những tác động, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực như thế nào? Các nghệ sỹ và công chúng Việt Nam được thụ hưởng gì từ sự phát triển của nền kinh tế hội nhập ở Việt Nam? Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm, định hướng như thế nào để dẫn dắt nền nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hoà bình và phát triển từ 1975 đến nay?

Thông qua tọa đàm, ban tổ chức mong muốn lắng nghe những ý kiến đánh giá về thực trạng cơ chế chính sách và hoạt động quản lý nghệ thuật; Xu hướng phát triển của đội ngũ nghệ sỹ và công chúng nghệ thuật; Trao đổi và thảo luận về thị trường nghệ thuật: sản phẩm nghệ thuật, quan hệ công chúng, hoạt động marketing; Đề xuất các nhiệm vụ, phương hướng nhiệm vụ phát triển nghệ thuật đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Nhà văn Bùi Anh Tấn - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố HCM nêu ý kiến, ông rất mừng khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên hiện nay, trong số 12 ngành công nghiệp văn hóa, Bộ Văn hóa chỉ quản lý 5 ngành, 7 ngành còn lại thuộc các bộ khác, dẫn đến thực tế là có nhiều văn bản chính sách quản lý chồng chéo nhau.

“Tôi thấy vấn đề của việc phát triển các ngành CNVH của chúng ta là chưa có một nhạc trưởng đúng nghĩa. Ví dụ TPHCM đề ra chiến lược phát triển tập trung vào điện ảnh. Nhưng ở Khánh Hòa cũng sẽ lấy điện ảnh làm mũi nhọn, kết hợp điện ảnh với du lịch. Rồi ở Đà Nẵng trong Liên hoan phim quốc tế châu Á – Đà Nẵng cũng nói lấy điện ảnh làm mũi nhọn? Địa phương nào cũng đòi lấy điện ảnh làm mũi nhọn thì vai trò điều tiết sẽ thuộc về ai? Rõ ràng cần lắm một nhạc trưởng để quản lý, điều tiết vấn đề này?”

Nhìn lại sự phát triển của mỹ thuật TP HCM 50 năm qua, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh cho biết, nền mỹ thuật thành phố đã trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có những đặc điểm riêng và nhìn chung đều có những bước tiến vượt bậc cả về số và chất lượng. Vấn đề đặt ra với mỹ thuật TP HCM hiện nay là là làm sao gắn với văn hóa, xem đó làm động lực để phát triển.

“Nghệ thuật không phải treo trong nhà mà phải kết hợp với các ban ngành, bằng nhiều hình thức đưa tác phẩm ra ngoài trưng bày trong các không gian công cộng, phát triển và đồng hành với lối sống con người của thành phố” – GS.TS Nguyễn Xuân Tiên nhấn mạnh.

Chia sẻ với những trăn trở của GS.TS Nguyễn Xuân Tiên về phát triển mỹ thuật TP HCM, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương băn khoăn rằng nếu thành phố không có những biện pháp đặc thù thì sẽ không còn đi đầu trong lĩnh vực mỹ thuật: “Thành phố đã có những ưu tiên cho phát triển văn hóa song mới chỉ có chiều rộng mà lại thiếu chiều sâu. Quan trọng là chúng ta không có đất cho những hoạt động sáng tạo dành cho mỹ thuật. Là địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù trong phát triển văn học nghệ thuật, vậy TP HCM có cơ chế đặc thù gì như cho mỹ thuật nói riêng và các ngành nghệ thuật khác nói chung hay không?

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương gợi ý, trong sự eo hẹp của quỹ đất, cơ sở hạ tầng hiện tại, nên chăng chúng ta có thể tạo ra những bảo tàng ảo để kích hoạt sự sáng tạo của các bạn trẻ, giúp họ có thêm không gian trưng bày và sáng tạo tác phẩm.

Bày tỏ những lo ngại về thực trạng đọc sách ở nước ta hiện nay, nhà văn Bùi Anh Tấn cho rằng việc đọc sách còn hình thức, giá sách bị đẩy lên cao mà nhà nước không có chính sách điều tiết. Nghịch lý ở chỗ, giá sách rất cao nhưng nhà văn lại không sống được bằng nghề viết văn. “Có lần tôi nói chuyện với một nhà văn Hàn Quốc. Cô ấy kể là bên đó nhà văn chuyên nghiệp sống được bằng nhuận bút. Chính phủ Hàn Quốc có những chính sách bảo hộ cho bản quyền rất cao, nên nhà văn sống được bằng nghề. Còn ở ta, viết văn không đủ sống, phải làm thêm đủ thứ nghề. Vậy nhà nước đầu tư kiểu gì? Cứ đến ngày văn hóa đọc lại kêu gọi đọc sách, nhưng cái đẹp không ngự trị trong lòng con người nên góp phần làm cho cái ác lên ngôi. Rất buồn, khi phát triển văn hóa của chúng ta còn quá nhiều bất cập” – nhà văn Bùi Anh Tấn chia sẻ.

Bên cạnh những ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng đưa ra những góc nhìn tâm huyết, không chỉ dựa trên bề dày kinh nghiệm làm công tác khoa học và quản lý, mà còn đi sâu vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật cụ thể liên quan đến đề tài như: múa, văn học, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, những ý kiến này là vô cùng quý giá và cần thiết trong việc nhận diện thực trạng nền nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, từ đó có được cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc để tìm ra các phương hướng, nhiệm vụ và định hướng phát triển hữu hiệu, phù hợp thực tiễn của nghệ thuật Việt Nam nói chung./.

Ảnh: Nguyễn Thị Thu Phương/ Bài: Anh Tuấn

Bình luận