"Những giá trị thực sự sẽ còn tồn tại lâu dài và bền vững"- GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về những nguyên nhân, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng biến tướng, gìn giữ, phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt từ thế kỷ XVI đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người. Sau khi được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016, việc giữ gìn sự trang nghiêm, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng này là điều tối quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng Thờ Mẫu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một bộ phận mang danh thầy đồng, cô đồng nhưng có những hành động, ứng xử thiếu chuẩn mực, gây bất bình trong cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến một tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.
GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về những nguyên nhân, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng biến tướng, gìn giữ, phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Những người nghệ nhân đã được nhà nước công nhận là NNND, NNƯT cần có những tiếng nói định hướng hơn (ảnh minh họa)
+ Hiện nay, hiện tượng biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là trong hầu đồng đang diễn ra khá phổ biến. Hiện tượng tự phong, tự nhận mình là thanh đồng, thực hành sai lệch trong tín ngưỡng đang gây bức xúc trong dư luận, cũng như là trong cộng đồng những người hầu đồng. Với vai trò là nghiên cứu, bà đánh giá, chia sẻ như thế nào về hiện tượng này?
+ Trong một số những báo cáo liên quan tại các diễn đàn, ví dụ là như tại Hội nghị - Hội thảo "Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022) tại Hưng Yên năm 2022; Hội thảo "20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng" năm 2023 tại Bảo tàng Hà Nội... tôi nhận thấy luôn có 2 luồng ý kiến gồm phê phán và đấu tranh cho các thực hành tín ngưỡng chuẩn chỉnh.
Trên thực tiễn, có thể nhiều người không hiểu biết được hết đầy đủ, người ta nghĩ rằng nhà nước cũng như thế giới công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu (hầu đồng), nên hầu đồng bây giờ thoải mái. Và nghệ nhân của tín ngưỡng này rất là vẻ vang, rất là sang. Và di sản này đã được nhà nước, UNESCO công nhận, cho nên đua nhau, ai cũng xưng mình là nghệ nhân.
Ngày xưa, thường thì để trở thành một thanh đồng rất khó khăn. Phải 12 năm rất vất vả tu dưỡng, cuối cùng ai kiên trì mới thành đồng thầy. Bây giờ nhiều khi chỉ một vài năm thôi, đã làm thủ tục để coi như mình là đồng thầy.
Người ta cảm thấy có quyền lực khi mà các con nhang đệ tử tung hô, rồi khi thực hành hầu đồng thì có thể cảm thấy quyền lực, rồi bắt đầu trục lợi. Người ta lợi dụng thần thánh, thứ nhất để trục lợi về mặt tài chính nhưng còn trục lợi về mặt quyền lực nữa, quyền hành mà ở ngoài đời thực họ cảm thấy mình không có được.
Rồi quyền hành sau giá đồng vẫn còn dư âm ở bên ngoài nữa. Thậm chí là trong những cơ sở tín ngưỡng, mọi người đến công đức nhiều hơn, làm cho cơ sở thờ tự hoành tráng lên, rồi đời sống được giàu có, phong lưu lên. Thế nên, ẩn đằng sau đó là câu chuyện về kinh tế rất rõ.
+ Trong Chương trình Hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022) có quy định: Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, dường như ở các địa phương, việc xử lý những vi phạm vẫn chỉ ở mức độ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức?
Trong cộng đồng tín ngưỡng, người ta cũng rất là tỉnh táo. Người ta biết rằng đâu là những thanh đồng, có tâm, có đức, thực sự là đồng thầy.
- Trong chương trình Hành động quốc gia quy định thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc quản lý khá khó khăn. Nguyên nhân thì rất nhiều: Lực lượng thanh tra ngành văn hóa còn mỏng, bên cạnh đó, tín ngưỡng là vấn đề nhạy cảm.
Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của các thanh đồng để hạn chế biến tướng, hạn chế những vụ việc đua nhau lên mạng chửi bới, xúc phạm nhau là rất cần thiết. Đặc điểm của các cộng đồng hầu đồng là rất độc lập, rất cá tính, mỗi ông đồng, bà đồng là một thế giới riêng không ai giống ai. Nhưng nếu hiện tượng tranh cãi, mâu thuẫn không chấm dứt trên mạng thì UNESCO có những chuyên gia đánh giá, họ sẽ nhận thấy có rất nhiều lùm xùm, gây mất đoàn kết trong các cộng đồng tín ngưỡng.
Khi làm hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt gửi lên UNESCO thì luôn luôn gắn với tiêu chí là gia tăng tính đoàn kết cộng đồng, gia tăng đối thoại văn hoá, là sợi dây kết nối, đoàn kết các cộng đồng tín ngưỡng. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia với vai trò là cơ quan lập hồ sơ cũng đã có những đề xuất trong quản lý, tuy nhiên, cần sự vào cuộc của rất nhiều bên liên quan, từ phía nhà nước, từ phía các thanh đồng, cộng đồng, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và các hội liên quan.
Tuy nhiên, tôi cũng tin tưởng rằng là ở trong cộng đồng tín ngưỡng, người ta cũng rất là tỉnh táo. Người ta biết rằng đâu là những thanh đồng, có tâm, có đức, thực sự là đồng thầy, còn đâu là lợi dụng. Sự lợi dụng cũng chỉ được một thời gian thôi, rồi người ta cũng chán. Những giá trị thực sự sẽ còn tồn tại lâu dài và bền vững. Rồi những người nghệ nhân đã được nhà nước công nhận là NNND, NNƯT cần có những tiếng nói định hướng hơn là những "đồng rởm", đồng "trá hình" như thế.
+ Theo bà, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cần có những cái giải pháp nào mạnh hơn để hạn chế thực trạng biến tướng như hiện nay?
- Tôi nghĩ bao giờ cũng phải song song các biện pháp như là tuyên truyền, khuyến khích, nâng cao nhận thức… Nhưng đương nhiên bên cạnh đó thì phải có những giải pháp quản lý một cách nghiêm túc và kiên quyết từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Cần nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa ở địa phương, Trung ương. Nếu cần thì phải phân xử. Ví dụ như những vấn đề mà dư luận phản ánh hoặc thậm chí là có đơn thư các thanh đồng có uy tín gửi lên thì phải phân xử. Chứ bây giờ nếu mà người ta làm sai xong chả có ai nhắc nhở, chỉ có đưa lên mạng thôi thì lần sau người ta lại tiếp tục.
Chỉ cần một trường hợp xử nghiêm, đến nơi đến chốn thì mới có giá trị răn đe. Như trường hợp anh Long tự nhận là Ngọc Hoàng, báng bố cả đức thánh Trần Hưng Đạo, thánh Mẫu, tôi nghĩ những trường hợp đấy có thể xử nghiêm, đưa thành một trường hợp điển hình.
GS.TS Từ Thị Loan
+ Có ý kiến cho rằng, cần có một tổ chức xã hội như Hiệp hội, Hội để quy tụ những nghệ nhân của Tín ngưỡng thờ Mẫu, từ đó, có tiếng nói, có sức ảnh hưởng để hướng dẫn những chuẩn mực về lề lối thực hành Tín ngưỡng đồng thời ngăn chặn những hành vi thiếu chuẩn mực. Bà nghĩ như thế nào về điều này?
- Có một dạo vấn đề này đã được đề cập và các nhà khoa học đã khuyến khích thầy Lưu Ngọc Đức, một người am hiểu rất chuẩn chỉnh về thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu đồng thời rất có tâm, thầy sẽ viết lại những bước thực hành nghi lễ như thế nào. Bản thân chúng tôi là những nhà nghiên cứu, nếu viết ra thì có thể chính những thanh đồng không tin tưởng và cho rằng "các ông các bà có thực hành đâu mà nói". Vậy nên cần phải là một người có uy tín viết ra. Thế nhưng thầy Lưu Ngọc Đức vì sức khỏe nên không viết được.
Đối với những việc thực hành di sản không đúng chuẩn mực, rõ ràng là vai trò của các sở ban ngành địa phương là rất quan trọng. Nhưng bên cạnh đó còn là vai trò của Hội Di sản văn hóa, chi hội Di sản- là những chi hội độc lập, họ phải có tiếng nói.
Ví dụ như tôi thấy Hiệp hội Du lịch có vai trò và tiếng nói rất tốt. Tôi nghĩ là chính những tổ chức như vậy cực kỳ quan trọng. Người ta không bị vướng mắc với những cái "vòng kim cô" như cơ quan quản lý Nhà nước, cũng không bị quá o ép về phía cộng đồng. Cần phải phát huy vai trò của các đơn vị như vậy. Nhưng vấn đề cuối cùng là không có người cầm trịch. Việc thành lập Hội, Hiệp hội cũng đã được nói đến nhưng cần có người đứng ra xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thời có văn bản xin các Bộ, ngành liên quan.
Trong tất cả các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh thì Tín ngưỡng thờ Mẫu đang phức tạp và có nguy cơ bị đưa vào danh sách khuyến cáo nhiều nhất nhưng cộng đồng không có ý thức được điều đó. Cơ quan nhà nước cũng cần tuyên truyền điều này để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, chấn chỉnh những sai lệch. Cần phải lường trước, có những quyết sách và ứng xử cho phù hợp!
+ Xin cảm ơn GS.TS Từ Thị Loan!
Nguồn: toquoc.vn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục