Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch"

Ngày đăng: 25/10/2024 Lượt xem: 140
Mặc định Cỡ chữ

Sáng 25/10, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Ninh Bình và Viện Bảo tồn di tích phối hợp tổ chức hội thảo "Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch".

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Quang

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Quang

Dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Thạc sỹ, Kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích; đại diện các Cục, Vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Hội Khoa học lịch sử tỉnh; Hội Di sản văn hóa tỉnh; đại diện các huyện, thành phố; các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và những người quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa gắn với giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, du lịch ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, lãnh đạo Sở Văn hoá-Thể thao khẳng định: Xác định di sản văn hóa là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch của địa phương, trong đó đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Văn hoá-Thể thao phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Minh Quang

Các hệ thống di tích lịch sử, văn hóa mà người dân Ninh Bình tạo dựng và gìn giữ qua hàng ngàn năm lịch sử thể hiện văn hóa dày sâu của Ninh Bình. Theo kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, hiện nay tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích. Trong đó, hiện có 405 di tích được xếp hạng, gồm 1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An), 3 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 324 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được quan tâm, có được những thành quả đáng ghi nhận. Tỉnh Ninh Bình đã tiến hành tổng kiểm kê các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ xếp hạng cấp quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh đối với các di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị nổi bật, đặc sắc.

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Đến nay, đã có hàng nghìn lượt di tích được trùng tu tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương đến nguồn vốn xã hội hóa do nhân dân công đức tại khắp các di tích trên địa bàn tỉnh, nhiều di tích được trùng tu với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nhiều di tích đã phát huy tốt giá trị, góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và văn hóa dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều di tích, danh thắng đã trở thành các khu, điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế như: Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc-Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm...

Tại hội lần này, những vấn đề được đề cập và phân tích, các đề xuất giải pháp qua các tham luận sẽ đem lại kết quả quan trọng và hữu ích cho định hướng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình, có ý nghĩa sâu sắc cho công tác phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ vào năm 2035 theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

ThS.KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Minh Quang

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo do ThS.KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nêu rõ: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hoá tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch, Hội thảo có mục đích nghiên cứu, thảo luận làm rõ thực trạng triển khai các giải pháp, chính sách, mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch ở các bộ, ban, ngành, địa phương hiện nay.
Trên cơ sở các căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn được bàn luận, hội thảo sẽ gợi mở, đề xuất các giải pháp và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương nhằm thực hiện điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong thời gian tới.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Minh Quang

Các tham luận tại hội thảo đã tập trung vào các nhóm chủ đề: Các lý thuyết và quan điểm tiếp cận, khái niệm về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch; Các giải pháp, mô hình, bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ hiệu quả công tác giáo dục, phát triển các ngành kinh tế, du lịch, công nghiệp văn hoá trong phát triển bền vững tại Việt Nam; Các giải pháp đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hoá phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch; Định hướng liên kết, hợp tác trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hoá trong hoạt động giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch…

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục