Tọa đàm khoa học: Những vấn đề liên quan xây dựng hồ sơ danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh (1726 - 2026)

Ngày đăng: 06/09/2024 Lượt xem: 277
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 06/9/2024 tại trụ sở Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã diễn ra Tọa đàm khoa học Những vấn đề liên quan xây dựng hồ sơ danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh (1726 - 2026). Tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án Xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh (1726 - 2026).

Tham dự Tọa đàm Khoa học có PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, TS Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. PGS.TS Phạm Lan Oanh điều hành buổi Tọa đàm.

Lê Quý Đôn là một trong những nhà bác học tiêu biểu của Việt Nam, đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa và tri thức dân tộc. Ông là nhà bác học ni bật trong lịch sử văn hóa dân tộc ở thế kỷ XVIII. Đối với danh nhân Lê Quý Đôn, các công trình nghiên cứu, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các công trình công cộng mang tên ông trải dài trên cả nước và hiện nay có 8 trường chuyên mang tên ông... Chính vì vậy công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và đối với các danh nhân nói riêng, cụ thể danh nhân Lê Quý Đôn trở nên cần thiết.

Mở đầu Tọa đàm, GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định: Các tác phẩm của Lê Quý Đôn đồ sộ, đóng góp cho di sản dân tộc từ văn hóa, giáo dục và nhiều chuyên ngành khác là vô cùng to lớn.

GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của danh nhân Lê Quý Đôn theo những tiêu chí của UNESCO. Công việc xây dựng hồ sơ cần nhấn mạnh đến giá trị ông để lại cho hậu thế, những tư tưởng của ông được kế thừa trong học thuật, trong nghiên cứu văn hóa, giáo dục.

PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy cho rằng Lê Quý Đôn là nhà bác học đa tài, tính chất tự học, tự nghiên cứu, vì thế việc xây dựng hồ sơ cần nhấn mạnh giá trị công sức đóng góp của ông cho dân tộc, cho hậu thế.

Tọa đàm cũng đã nhận được các ý kiến trao đổi của nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Ths Trần Văn Hiếu, Ths Phạm Thị Dung về các vấn đề liên quan đến hồ sơ danh nhân Lê Quý Đôn.

Cũng trong buổi Tọa đàm, các nhà khoa học cùng xem và góp ý cho bộ phim về danh nhân Lê Quý Đôn.

Tổng kết Tọa đàm, PGS.TS Phạm Lan Oanh chủ nhiệm dự án đã ghi nhận sự nỗ lực của nhóm, bộ phim đã đáp ứng là bộ phim khoa học, là hợp phần của hồ sơ. Nhóm dự án sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chỉnh sửa để sản phẩm được hoàn thiện nộp theo đúng thời hạn.

Tin, ảnh: Phạm Dung

Bình luận