Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Phạm Thu Hằng

Ngày đăng: 07/01/2024 Lượt xem: 2.923
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 06/01/2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Phạm Thu Hằng với đề tài: Lịch sử - văn hóa địa phương trong hoạt động giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam, chuyên ngành: Văn hoá học, mã số: 9229040, do PGS.TS Đặng Văn Bài hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Bảo tàng Việt Nam ra đời, phát triển liên tục từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, có nhiều gắn bó với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước XHCN. Hiện nay, nước ta có tổng số 197 bảo tàng, gồm nhiều loại hình, trong đó, Bảo tàng tỉnh/thành phố (BTTTP) còn gọi là bảo tàng khảo cứu địa phương, bảo tàng tổng hợp, bảo tàng địa phương (BTĐP) có một số lượng đáng kể. Tại các địa phương trong cả nước, BTTTP là thiết chế văn hóa có tính đặc thù, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người ở địa phương. Tham chiếu theo nội dung phản ánh, thể hiện cụ thể, LS-VH địa phương chính là “thông điệp” mà BTTTP giới thiệu, chuyển tải đến các đối tượng khách tham quan trong hành trình trải nghiệm, khám phá tại bảo tàng.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do chủ yếu sử dụng hiện vật để minh họa, tuyên truyền, giáo dục trực quan về địa phương trên cơ sở mô típ giống nhau: thiên về khảo cổ học, nội dung dàn trải suốt các thời kỳ như một cuốn thông sử, còn thiếu vắng nội dung lịch sử xã hội, đô thị, đời sống con người đặc biệt là về văn hóa phi vật thể…, BTTTP dường như đã tạo nên một ấn tượng quen thuộc và có phần nhàm chán đối với công chúng. Chính vì thế, giới truyền thông đã có những bàn luận về vấn đề “lãng phí BTĐP”, số lượng nhiều nhưng hoạt động đơn điệu, ít hiệu quả, khi đề cập tới tình hình chung của các BTTTP ở nước ta.

Do đó, những năm gần đây, trên cơ sở nghiên cứu, chọn lọc, sắp xếp một cách khoa học, hợp lý, LS-VH địa phương đã được các BTTTP diễn giải, trưng bày dễ hiểu, bắt mắt và hấp dẫn hơn với các tổ hợp hiện vật, sưu tập độc đáo, bài viết rất cô đúc…; việc chuyển tải đến khách tham quan có sự linh hoạt, gắn kết nhiều hơn với di sản địa phương cũng như các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Cùng với các hiện vật, sưu tập được bảo tồn, phát huy giá trị tại BTTTP, DSVH phi vật thể của địa phương cũng được giới thiệu qua sự thể hiện trực tiếp của chủ thể văn hóa, mang lại nhiều thông tin sinh động, chân thực về LS-VH, cũng như thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trải nghiệm và tương tác, tăng tính hấp dẫn của BTTTP trong cảm nhận của khách tham quan.

Từ những lý do trên, cùng với cách nhìn nhận LS-VH địa phương là nội dung giáo dục, có thể bổ sung, làm giàu hiểu biết cho quảng đại công chúng, đồng thời quan tâm tới phương thức chuyển tải thông điệp văn hóa từ BTTTP đến với khách tham quan, NCS Phạm Thu Hằng đã lựa chọn đề tài Lịch sử - văn hóa địa phương trong hoạt động giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam làm Luận án Tiến sĩ, ngành Văn hóa học.

 

NCS Phạm Thu Hằng

Luận án của NCS Phạm Thu Hằng là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, chuyên sâu về hoạt động giáo dục lịch sử văn hóa địa phương tại các bảo tàng tỉnh/thành phố ở Việt Nam. Luận án đã tổng hợp được nguồn tư liệu phong phú, cơ sở lý luận liên quan đến hoạt động giáo dục lịch sử văn hóa địa phương tại các bảo tàng tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, luận án đã khái quát được đặc điểm hệ thống các bảo tàng tỉnh/thành phố ở Việt Nam hiện nay cũng như giới thiệu được việc lựa chọn 3 bảo tàng tiểu biểu để nghiên cứu trường hợp.

Luận án đã cơ bản chỉ ra được nội dung và phương thức chuyển tải lịch sử văn hóa địa phương trong hoạt động giáo dục của các bảo tàng tỉnh/thành phố ở Việt Nam hiện nay và bước đầu đề xuất được một số định hướng căn bản cho việc nâng cao hiệu quả phát huy giá trị, hiệu quả tuyên truyền giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố nói riêng, các bảo tàng ở Việt Nam nói chung.

Kết quả nghiên cứu luận án đã đóng góp thêm một số luận điểm, cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc triển khai các hoạt động giáo dục lịch sử - văn hóa địa phương của bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện nay. Luận án là tài liệu tham khảo tốt cho các nhà quản lý văn hóa, quản lý giáo dục, những người làm công tác bảo tàng ở các bảo tàng tỉnh/thành phố trong việc triển khai hoạt động giáo dục lịch sử văn hóa địa phương.

 

 

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Đặng Văn Bài, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (12 trang) và Phụ lục (127 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam (55 trang)

Chương 2: Nội dung và phương thức phản ánh, chuyển tải lịch sử - văn hóa địa phương trong hoạt động giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố (56 trang)

Chương 3: Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động giáo dục lịch sử - văn hóa địa phương của bảo tàng tỉnh, thành phố (35 trang)

Nghiên cứu sinh Phạm Thu Hằng đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Văn hoá học cho NCS Phạm Thu Hằng./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

 

Bình luận