Đà Nẵng sẽ diễn ra nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23.11.2005 - 23.11.2024).
Cụ thể, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam”, qua đó giới thiệu, quảng bá bộ sưu tập tranh dân gian của Bảo tàng đến người dân và du khách.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 100 hiện vật thuộc các dòng tranh dân gian Việt Nam của 3 miền Bắc - Trung - Nam như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình, tranh Kính Huế, tranh kính miền Nam, tranh kính Khmer, tranh sơn mài dân gian, tranh gói vải...
Hướng dẫn trẻ nhỏ làm quen với tranh dân gian tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng
Những hiện vật gồm tranh và một số mộc bản được chọn từ bộ sưu tập 341 hiện vật do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa (Hà Nội) và các nghệ nhân hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từ năm 2022 đến 2024.
Kết hợp trong chương trình khai mạc triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian Làng Sình vào lúc 17h00 ngày 22.11.2024.
Từ ngày 22 – 23.11, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024” với chủ đề “Chuyện làng, chuyện phố”.
Đến với chương trình, công chúng sẽ có cơ hội tham gia tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa và thú vị đằng sau các di sản kiến trúc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Hoạt động trải nghiệm Tết xưa tại Bảo tàng Đà Nẵng
“Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024” gồm nhiều hoạt động: Triển lãm “Chuyện làng”, “Chuyện phố” giới thiệu khoảng 100 bức ảnh, ký họa về bức tranh đô thị Đà Nẵng, sự khởi đầu của các đình làng tại Đà Nẵng.
Triển lãm “Hồn phố” gồm các tác phẩm vào chung kết Cuộc thi làm mô hình các công trình kiến trúc tiêu biểu tại thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh các triển lãm chính, tại “Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024” còn trưng bày một số sản phẩm lưu niệm thủ công là các mô hình bằng tăm tre, gỗ về các công trình kiến trúc nổi bật của Đà Nẵng như cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước, cầu Tuyên Sơn, cầu vượt Ngã ba Huế, đình làng Hải Châu, Hải Vân Quan, Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Tượng đài 2-9, Trụ sở Thành uỷ Đà Nẵng…. do những người khiếm khuyết chế tác.
Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tổ chức Cuộc thi “Khám phá di sản kiến trúc Đà Nẵng” dành cho các em học sinh khối Trung học cơ sở trên địa bàn quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ; gameshow “Hội làng giữa phố” giúp công chúng hòa mình vào không khí vui tươi, sôi nổi của lễ hội đình làng thông qua các trò chơi, thử thách như: Thi nướng bánh tráng, làm mì quảng trộn, các trò chơi dân gian…
Nguồn: baovanhoa.vn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục