THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Về việc tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021”

Ngày đăng: 12/09/2022 Lượt xem: 158
Mặc định Cỡ chữ

Hà Nội ngày 8 tháng 9 năm 2022

Ngày 12 tháng 09 năm 2022 (13.30-17.45), tại Bảo tàng Hà Nội, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021”.

Đây là Hội thảo quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam với gần 50 bài tham luận cùng sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hành sáng tạo trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá từ những góc nhìn khác nhau về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội thảo cũng là diễn đàn để các bên liên quan thảo luận và đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chiến lược, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đến năm 2030. Hội thảo sẽ là mốc đánh dấu một bước chuyển mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, thời điểm các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Hội thảo chính thức sẽ diễn ra với 2 phiên gồm Bức tranh toàn cảnh và Tiêu điểm sáng tạo với các nội dung chính sẽ được các chuyên gia trình bày và thảo luận về khuôn khổ chính sách hiện hành, góc nhìn toàn cảnh các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo, chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, các tiêu điểm sáng tạo và gợi mở những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chiến lược trong thời gian tới, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đến năm 2030.

Các nội dung chính của Hội thảo bao gồm:

1. Nghiên cứu, đánh giá cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam;

2. Hiệu quả phát huy các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và thực trạng phát triển của 12 ngành công nghiệp văn hóa gồm Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa (cấp độ quốc gia hoặc địa phương).

3. Nghiên cứu đánh giá các mô hình và xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới và những gợi mở đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (ví dụ như những xu hướng về phát triển hệ sinh thái văn hóa, lập bản đồ các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo, phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa với phát triển bền vững, các ngành Công nghiệp văn hóa trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,...)

4. Nghiên cứu đánh giá các mô hình và xu hướng phát triển các không gian văn hóa - sáng tạo, các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp phát triển phù hợp tới năm 2030.

5. Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đến năm 2030 (ví dụ như các giải pháp về cơ chế - chính sách, nguồn nhân lực, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế,...).

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hoá quốc gia. Ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó mục tiêu chủ yếu đến năm 2020 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2018, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo Việt Nam đã nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước.

 

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

TS. Trần Thị Thuỷ

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 32 Hào Nam, Ô chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội

T +84 (0) 24 3511 1094

F +84 (0) 24 3511 6415

M +84 (0) 978071176

E tranthuyvicas@yahoo.com.vn

 

Thông tin về VICAS:

Được thành lập từ năm 1971, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS)đơn vị sự nghiệp khoa học, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược, triển khai hoạt động khoa học về văn hóa, nghệ thuật, gia đình, văn hóa trong du lịch, văn hóa trong thể thao, đào tạo sau đại học về văn hóa, nghệ thuật và văn hóa du lịch. Sau 50 năm phát triển (1971-2022) với tầm nhìn góp phần hình thành nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội và là nội lực quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia, VICAS đã trở thành một viện nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam và đang dần vươn lên trở thành một tổ chức nghiên cứu có vị trí vững vàng trong khu vực với nhiều chương trình hợp tác quốc tế về phát triển công nghiệp văn hoá.

Bình luận