Hội thảo Xây dựng môi trường văn hóa trên mạng Internet - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Ngày đăng: 10/03/2023 Lượt xem: 996
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 10/03/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trên mạng Internet - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VH,TT&DL; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN, GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Q. Viện trưởng Viện VHNTQGVN cùng nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia văn hóa từ các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học...

Các Đại biểu chủ trì Hội thảo.

Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nêu rõ, Môi trường văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống con người. Với tư cách là chủ thể đồng thời là khách thể của văn hóa, con người vừa sáng tạo ra văn hóa, vừa là sản phẩm của môi trường văn hóa.  Chính vì vậy, cổ nhân ta đã đúc kết: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Gần mực thì đen”, gần đèn thì rạng” ...

Bên canh đó, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong các Nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII đều đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa. Các Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, đến năm 2030 đều xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành văn hóa phải ưu tiên thực hiện.

Thực tế, Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu được 25 năm, nhưng hiện nay đã ở top đầu các nước có tỷ lệ sử dụng Internet cao. Internet ra đời và cùng với nó là xã hội số, kinh tế số, văn hóa số, đời sống số đang làm thay đổi mạnh mẽ văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng, mở ra những chân trời mới cho việc tiếp cận, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Môi trường mạng cũng tạo điều kiện gia tăng quá trình cá nhân hóa, dân chủ hóa, tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng... Tuy nhiên, không gian mạng cũng là nơi dung dưỡng và lan truyền không ít biểu hiện tiêu cực trong lối sống, đạo đức, văn hóa ứng xử. Theo khảo sát mới đây của Microsoft, Việt Nam hiện nằm ở top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng.

Chính vì thế, trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa trên mạng Internet”, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo Xây dựng môi trường văn hóa trên mạng Internet - Những vấn đề lý luận và thực tiễn.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ, đóng góp ý kiến giúp nhóm thực hiện đề tài hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia văn hóa từ các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học... Trong quá trình biên tập, Ban tổ chức Hội thảo đã chọn ra 23 tham luận có chất lượng để in trong Kỷ yếu Hội thảo. Nhìn chung, các tham luận đã thể hiện những góc nhìn đa chiều, đa diện về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng Internet ở Việt Nam hiện nay.

Do thời gian có hạn, Hội thảo diễn ra trong một phiên buổi sáng theo hình thức trực tuyến và trực tiếp và tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh những vấn đề trọng tâm: Làm rõ cơ sở lý luận, những vấn đề lý thuyết liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa trên mạng Internet; Nhận diện thực trạng xây dựng môi trường văn hóa trên mạng Internet ở Việt Nam hiện nay; Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng môi trường văn hóa trên  mạng Internet, những gợi mở và khả năng áp dụng cho Việt Nam; Xác định các tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa và việc xây dựng môi trường văn hoá trên mạng Internet; Đề xuất hệ thống giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hoá trên mạng Internet ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu đã có cơ hội trình bày tham luận cũng như trao đổi quan điểm học thuật của mình: GS.TS Từ Thị Loan với tham luận Cơ sở lý luận về xây dựng môi trường văn hóa trên mạng Internet; PGS.TS. Phạm Ngọc Trung, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày tham luận Môi trường văn hóa trên mạng: Cấu trúc và những đặc trưng cơ bản; PGS. TS. Đinh Thị Vân Chi, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thảo luận Về vấn đề Môi trường văn hóa trên mạng Facebook tại Việt Nam hiện nay; TS. Nguyễn Huy Phòng Viện Văn hóa và Phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tóm tắt tham luận Kiến tạo môi trường văn hóa trên mạng Internet ở nước ta hiện nay; Trung tá Nguyễn Bá Thanh Tổng Cục Chính trị Bộ Quốc Phòng với tham luận Xây dựng môi trường văn hóa trên Internet từ truyền thông mạng xã hội…

PGS.TS. Phạm Ngọc Trung, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Một số đại biểu đã được mời đóng góp ý kiến, thảo luận. Ban tổ chức đã ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VH,TT&DL đã phát biểu, những ý kiến, những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học đều mang tính chất khoa học cao. Hội thảo đã làm rõ hơn bản chất không gian mạng, internet ảnh hưởng tới đời sống xã hôi hiện nay. Dù là không gian thực, không gian ảo, thế giới thứ 2 (tùy theo cách gọi) nhưng internet có thể tạo ra những diễn đàn mà ở đó mọi người có thể bình luận, chia sẻ… Do đó, không gian mạng mang tính chất 2 mặt, tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là không gian mạng làm phong phú thêm đời sống con người, tạo sự liên kết, gắn bó giữa con người với con người… đồng thời mặt tiêu cực là tạo ra nhiều hệ lụy như tin giả, tin tặc, hiểu nhầm, hiểu sai… gây ra những ý kiến trái chiều trên mạng internet. Vì vậy cần có chế tài, pháp luật đủ mạnh để quản lý, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trên không gian mạng.

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS.Nguyễn Thế Hùng đã nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động vừa có ý nghĩa khoa học và có giá trị thực tiễn to lớn. Hội thảo đã giúp cho đề tài nghiên cứu trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa trên mạng Internet” có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, đặc trưng, đặc điểm của không gian mạng, cung cấp các giải pháp, biện pháp để phục vụ công tác quản lý. TS. Nguyễn Thế Hùng mong rằng sẽ cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chí, từ đó thu nhận được nhiều quan điểm chất lượng, đề xuất các ý kiến, giải pháp nhằm biến lý luận thành thực tiễn và áp dụng vào thực tế.

Viện VHNTQGVN là đơn vị chủ lực kết hợp với các đơn vị khác của Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet nhằm hướng tới môi trường văn hóa tốt hơn cả trong đời sống thực hay trên không gian mạng.

Xin trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã mang tới Hội thảo rất nhiều những kiến thức quý báu, Ban tổ chức ghi nhận và vận dụng trong công tác nghiên cứu, đồng thời có thể tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa ra những biện pháp cụ thể, hành động cụ thể với những hoạt động trên không gian mạng hiện nay cũng như trong tương lai.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp./.

Các Đại biểu chụp ảnh kỷ niệm Hội thảo.

Tin, ảnh: Lã Lương

 

Bình luận