Xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể

Ngày đăng: 03/06/2024 Lượt xem: 194
Mặc định Cỡ chữ

Nhằm hoàn thiện xây dựng hồ sơ đưa “Phở Nam Định” vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, ngày 2.6, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định tổ chức Toạ đàm khoa học "Phở trong bối cảnh đương đại dưới góc nhìn từ di sản văn hóa".

Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hà Nội; lãnh đạo các huyện, thành phố Nam Định cùng đại diện cộng đồng, một số nghệ nhân làm phở, bán phở ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể  - ảnh 1

Quang cảnh buổi toạ đàm

Nam Định có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Nói tới di sản văn hóa Nam Định không thể không nhắc đến những đặc sản ẩm thực mang nét văn hóa đặc trưng của đất và người quê hương như bánh cuốn làng Kênh; nem nắm Giao Thuỷ; gạo tám, bánh nhãn Hải Hậu; nước mắm Sa Châu; kẹo lạc Sìu Châu; cá nướng úp chậu Trực Ninh; cá chạch kho Nghĩa Hưng…, đặc biệt nhất là món phở. Phở Nam Định có lịch sử hơn 100 năm (khoảng năm 1900), sau đó phát triển ra các thành phố lớn của miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội… Phở Nam Định hiện nay đã có mặt khắp các địa phương trong nước và cả nước ngoài, được nhiều người ưa chuộng. 

Tại buổi toạ đàm, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, đại diện cộng đồng, chủ thể thực hành di sản, chính quyền địa phương đã đã tập trung làm rõ lịch sử hình thành và phát triển văn hoá ẩm thực phở Nam Định; văn hoá thưởng thức phở tại Nam Định; nâng tầm thương hiệu phở Nam Định; sức sống nghề phở tại Nam Định qua các thời kỳ; kết quả khảo sát, kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể phở Nam Định.

Xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể  - ảnh 2

Phở Nam Định tại Festival Phở 2024

Đặc biệt, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là những vấn đề liên quan xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Phở Nam Định” đề nghị Bộ VHTTDL, UNESCO đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới.

Từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá ẩm thực phở Nam Định; trong đó chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá ẩm thực phở Nam Định, nâng cao vai trò của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực trong việc gìn giữ, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc.

Để đưa phở vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, chính quyền, cơ quan chuyên môn, nhất là những chủ thể đang bảo tồn, phát triển nghề làm phở Nam Định cần khẳng định được nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm, phương thức làm ra sợi phở tươi đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon, chất lượng, dinh dưỡng.

Xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể  - ảnh 3

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phát biểu tại Tọa đàm

Trong đó, cần chỉ rõ hương vị đặc trưng, điểm nhấn của phở Nam Định khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác nằm ở khâu chế biến nước dùng. Bởi đây là yếu tố quyết định để hãng truyền thông CNN của Mỹ đã lựa chọn và vinh danh Phở Việt là một trong 20 món ẩm thực có nước dùng ngon nhất thế giới năm 2024...

Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền về văn hóa các cấp có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn cộng đồng chủ thể triển khai hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực nói chung, phở Nam Định nói riêng. Trong đó, thiết thực nhất là các địa phương xây dựng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phở Nam Định để cộng đồng chủ thể có định hướng, cơ sở triển khai hoạt động cụ thể.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cho rằng, việc xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần tuân thủ quy trình và quy định tại Luật Di sản văn hóa, mặt khác, cần nhận diện các yếu tố liên quan để quyết định tên gọi di sản, từ đó tập trung vào yếu tố, loại hình tạo nên giá trị đặc trưng, tiêu biểu của di sản.

Xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể  - ảnh 4

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho rằng, việc xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần tuân thủ quy trình và quy định tại Luật Di sản văn hóa

“Trước tiên cần nhận diện mối liên hệ để gắn kết những cá nhân và cộng đồng sáng tạo, sở hữu, thực hành và truyền dạy toàn bộ quy trình liên quan tới chế  phở, từ chất liệu, nguyên vật liệu, kỹ thuật, mỹ thuật, bí quyết, người nấu, người thưởng thức cùng toàn bộ không gian văn hóa và môi trường xã hội liên quan đến phở. Làm rõ những điều này sẽ mang đến cơ sở khoa học và yếu tố văn hóa thuyết phục. Đặc biệt, phải khẳng định phở gắn liền với đời sống của cộng đồng người Việt, trở thành văn hóa, tinh hoa ẩm thực”, TS Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Tọa đàm khoa học “Phở trong bối cảnh đương đại dưới góc nhìn từ di sản văn hóa” với mục đích tham vấn các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, đại diện chủ thể thực hành di sản, đại diện chính quyền địa phương, cộng đồng... để nhận diện di sản phở trong bối cảnh đương đại dưới góc nhìn từ di sản văn hóa.

Kết quả tọa đàm sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể “Phở Nam Định”. Thông qua tọa đàm tiếp tục làm rõ giá trị, đồng thời góp phần quảng bá di sản phở Nam Định đến các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Ông Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cho biết, từ năm 2023, Sở đã cùng với đơn vị liên quan, phối hợp với một số tỉnh thành xây dựng hồ sơ để Bộ VHTTDL công nhận nghề Phở là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đưa nghề phở của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

*Trước đó, từ ngày 15-17.3 tại TP Nam Định đã diễn ra Festival Phở 2024. Đây là một trong những hoạt động nằm trong lộ trình tôn vinh nghề Phở hướng tới Di sản văn hoá phi vật thể thế giới, đồng thời là cơ hội giúp du khách tham quan và người dân được tìm hiểu, thưởng thức hương vị phở gắn liền với văn hóa vùng miền.

Nguồn: baovanhoa.vn

Bình luận