Tổ chức Hội thảo quốc tế tham vấn các bên liên quan về Báo cáo Quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020-2023

Ngày đăng: 04/06/2024 Lượt xem: 207
Mặc định Cỡ chữ

Sáng nay, 4/6, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Văn phòng UNESCO đã tổ chức Hội thảo quốc tế tham vấn các bên liên quan về Báo cáo Quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020-2023.

Tham dự Hội thảo có ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Đại diện Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam; một số tổ chức văn hoá nước ngoài tại Việt Nam cùng đại biểu các cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nghệ sỹ và người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo…

TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đã thông tin khái quát về những hoạt động của Việt Nam tại Công ước 2005 trong thời gian qua, Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa ra đời năm 2005. Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước vào tháng 7/2007. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao làm đầu mối của Việt Nam tham gia Công ước. Kể từ khi tham gia Công ước đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên. Việt Nam đã hai lần trúng cử Thành viên Ủy ban Liên chính phủ (UBLCP) và đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch UBLCP tại cả hai nhiệm kỳ 2011-2015 và 2021-2025. 

Điều 9 của Công ước về Chia sẻ thông tin và sự minh bạch đã nêu rõ “các quốc gia thành viên cung cấp các thông tin phù hợp trong báo cáo định kỳ 04 năm/lần cho UNESCO về các biện pháp thực hiện để bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong lãnh thổ của mình và ở cấp quốc tế”. Việt Nam đã hoàn thiện Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2008-2011, 2012-2015 và 2016-2019. Theo tiến độ, Việt Nam sẽ phải nộp Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2020-2023 cho UNESCO trong tháng 6 năm 2024.

Chính vì vậy, Hội thảo tham vấn các bên liên quan về Báo cáo Quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020-2023 nhằm tạo một diễn đàn rộng rãi để các bên liên quan cùng góp ý nhằm hoàn thiện Báo cáo quốc gia do Tổ biên soạn gồm đại diện của các bộ, ban, ngành liên quan và một số tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dự thảo.

Bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh, sau 4 năm kể từ khi Báo cáo giai đoạn 2016-2019 hoàn thành, nền công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, sôi động và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng bền vững… Bà Nguyễn Phương Hoà mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ có nhiều đóng góp về sáng kiến, cùng trao đổi, phân tích, đánh giá những kết quả và hạn chế, nhận diện cơ hội và thách thức, đồng thời đề xuất các khuyến nghị để hoàn thiện chính sách trong thời gian tới…

TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Tại Hội thảo, Ông Jonathan Baker đã có những đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đối với lĩnh vực văn hoá. Ông cũng nêu rõ, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội luôn sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thực hiện Công ước 2005 cũng như các lĩnh vực hợp tác liên quan giữa hai bên.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO. Ảnh Báo Văn Hóa

Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vinh dự phối hợp cùng Cục Hợp tác quốc tế và Văn phòng UNESCO tổ chức Hội thảo này. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đang công tác tại Viện đã trình bày tham luận, cùng thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo báo cáo.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy - Trưởng Ban nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đối với vấn đề hợp tác quốc tế và phát triển bền vững, trong bốn năm vừa qua (2020-2025) Việt Nam tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và đi vào chiều sâu, trong đó có nhiều chính sách và biện pháp được thiết kế để tích hợp văn hóa như một yếu tố chiến lược vào các chương trình hợp tác và hỗ trợ quốc tế và khu vực về phát triển bền vững;

Về hợp tác với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp (CSO), những năm gần đây, hợp tác giữa nhà nước với các tổ chức xã hội dân sự ngày càng được chú trọng, qua đó góp phần huy động được nguồn lực tổng hợp cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, bao gồm các nguồn lực phi vật thể quan trọng như: kiến thức, chuyên môn, mạng lưới, uy tín …cũng như các nguồn lực vật chất như: tài chính, cơ sở hạ tầng. Nhiều khía cạnh về đa dạng các biểu đạt văn hoá đều có sự tham gia của các tổ chức xã hội như:  tham vấn, phản biện và giám sát quá trình thực thi chính sách; đào tạo, nâng cao năng lực về sáng tạo và các kỹ năng, kiến thức phát triển thị trường văn hóa, đóng góp chuyên môn, sự hợp tác trong cung cấp một số dịch vụ công khi được huy động…

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng. Đặc biệt, hệ thống luật pháp liên quan tới mô hình kinh doanh, đầu tư, kiểm duyệt, chính sách thuế và sở hữu trí tuệ cần tiếp tục được hoàn thiện. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích. Chưa có Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hoá trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Nhiều lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa chưa chuẩn hóa được phương pháp thống kê, thiếu hệ thống theo dõi, nên rất khó đánh giá tình hình phát triển.

PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy cho rằng, trong thời gian 4 năm tới, để đạt được những thành tựu nhất định trong việc tiếp tục thực hiện các cam kết theo tinh thần của Công ước 2005, Việt Nam cần ưu tiên nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm huy động, giải phóng nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa - Viện VHNTQGVN phát biểu tại Hội thảo.

Ở một chiều cạnh khác, tham luận của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN và TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Văn hóa - Viện VHNTQGVN lại đi sâu nêu rõ các chính sách và kế hoạch quốc gia về phát triển bền vững. Về cơ bản, khung khổ chính quốc gia và hướng dẫn chung về việc triển khai thực hiện SDGs đã được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ và góp phần hiệu quả vào việc quốc gia hóa các SDGs và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 tại Việt Nam. Khẳng định sự cần thiết của việc phát huy các giá trị và thực hành văn hóa nhằm xây dựng lối sống xanh và đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bao trùm, bình đẳng, lấy con người làm trung tâm. Các chiến lược và chính sách phát triển của quốc gia ngày càng chú trọng việc lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm nguyên tắc “Không ai bị bỏ lại phía sau”… Các tác giả còn đưa ra một số biện pháp hỗ trợ quản trị văn hóa sáng tạo theo hướng phát triển bền vững như: cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh…

TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc cùng sinh sống. Vấn đề dân tộc thiểu số luôn là vấn đề được quan tâm trong các chính sách phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua. Vì vậy, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn sự đa dạng di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số luôn là các vấn đề trọng tâm trong các chính sách, chiến lược phát triển quốc gia.

TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Văn hóa - Viện VHNTQGVN phát biểu tại Hội thảo.

Trong bài phát biểu của mình, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hoá và Nghệ thuật đương đại - Viện VHNTQGVN đã đưa ra các mục tiêu: V sự di chuyển của nghệ sỹ và người làm văn hoá, Dòng chảy sản phẩm và dịch vụ văn hoá; Về bình đẳng giới, tự do nghệ thuật., đồng thời đưa ra những biện pháp hỗ trợ khả năng di chuyển ra bên ngoài của các nghệ sĩ và người làm văn hóa; Các chiến lược hoặc biện pháp xuất khẩu hỗ trợ phân phối sản phẩm và dịch vụ văn hóa bên ngoài quốc gia cho các lĩnh vực văn hóa; Các chính sách và biện pháp hỗ trợ sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào đời sống văn hóa, áp dụng để hỗ trợ sự công nhận và thăng tiến (advancement) của phụ nữ với tư cách là các nghệ sĩ, chuyên gia văn hóa và/hoặc doanh nhân sáng tạo; Các sáng kiến ​​để bảo vệ các nghệ sĩ được tự do nghệ thuật…

TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hoá và Nghệ thuật đương đại - Viện VHNTQGVN

Theo ThS. Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Nghiên cứu viên - Viện VHNTQGVN, Việt Nam đang nỗ lực phát triển hạ tầng truyền thông theo hướng chuyển đổi số. Việc đầu tư vào xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các vùng miền, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số là vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Bên cạnh đó quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam trong khoảng thời gian 4 năm vừa qua, điều này làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Vì vậy, cần có các chính sách và biện pháp thúc đẩy đa dạng truyền thông, hỗ trợ chuyển hóa kỹ thuật số của các ngành và thể chế văn hóa và sáng tạo nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, khám phá nội dung văn hóa được sản xuất trong nước, trong môi trường kỹ thuật số, góp phần thúc đẩy sáng tạo kỹ thuật số và năng lực của các nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa khác làm việc với các công nghệ mới…

ThS. Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Nghiên cứu viên - Viện VHNTQGVN phát biểu tại Hội thảo.

Một số đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã sôi nổi thảo luận đóng ý kiến về dự thảo báo cáo, tập trung vào các vấn đề như: Cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông sâu rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm góp phần bảo vệ những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, nâng cao nhận thức về các vấn đề có liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, phổ biến tới cộng đồng và công chúng để họ có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tin: Lã Lương

Ảnh: Tuấn Anh

 

Bình luận