Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam

Ngày đăng: 17/11/2024 Lượt xem: 77
Mặc định Cỡ chữ

Tối 16/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam.

Tham dự lễ Khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự Tuần Đại đoàn kết dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại Lễ Khai mạc

Phát biểu khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết: Với 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt, độc đáo, tạo nên bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc. Đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, những giá trị văn hóa truyền thống đó tạo nên sức mạnh kết nối, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một trong những trụ cột quan trọng để xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024 với phương châm "Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình sẽ mang đến một bầu không khí vui tươi, đoàn kết, với nhiều hoạt động như: tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, không gian văn hóa, tái hiện các lễ hội độc đáo của các dân tộc, các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao truyền thống; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, trình diễn nghệ thuật, nghề truyền thống, triển lãm văn hóa.

Đặc biệt là việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then- đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái - một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - với hơn 400 nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát then, đàn tính; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, trình diễn nghề dệt, nghề chế tác đàn tính, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc của các địa phương. Thông qua các hoạt động ý nghĩa này, các nghệ nhân, diễn viên và công chúng được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thiết thực quảng bá, giới thiệu những giá trị cao đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 2.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng quà các nghệ nhân tham gia Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam

"Với chuỗi hoạt động phong phú, đa sắc màu không gian văn hóa, nghệ thuật, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" và Liên hoan nghệ thuật hát Then- đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII sẽ mang lại những trải nghiệm quý báu đối với nhân dân và du khách, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu văn hóa dân tộc và tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, để những giá trị văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam luôn tiếp nối, trao truyền cho thế hệ mai sau; thông qua đó góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc để nhân lên khát vọng và nỗ lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta sẽ là điểm tựa vững chắc để Việt Nam vững tin bước vào "Kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" như thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua"- Thứ trưởng khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ Khai mạc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định: Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam đã không ngừng được vun đắp qua các thế hệ, với giá trị cốt lõi là tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã và Tổ quốc. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt và chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng việc ban hành thực hiện nhiều chủ trương, đường lối, chính sách thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa bảo tồn và phát huy.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 3.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, giữ vững ổn định chính trị. xã hội. Đặc biệt là truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái thương người như thể thương thân của dân tộc càng được phát huy mạnh mẽ thể hiện rõ nét trong những lúc khó khăn, thử thách như dịch Covid- 19 hay trong phòng, chống và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua.

Phó Thủ tướng cho rằng, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam và Liên hoan nghệ thuật hát Then- đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ 7 năm 2024 là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh giới thiệu quảng bá những nét đẹp giá trị của văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ đồng bào các dân tộc trong cả nước, thiết thực chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, đồng thời tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ những giá trị nhân văn, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái và tình yêu quê hương đất nước của dân tộc Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong giai đoạn phát triển mới, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định: khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển, lấy giá trị văn hóa con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 4.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 5.

"Với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết gắn bó và bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tiếp tục được xây dựng gìn giữ và phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không ngừng được củng cố ngày càng vững chắc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Lễ Khai mạc, khán giả cũng được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Việt Nam- Kỷ nguyên vươn mình. Chương trình gồm 4 chương: Lời cây đàn Tính; Di sản hội tụ tỏa sáng; Chung một niềm tin và Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ở chương I, Lời cây đàn Tính, những tiết mục nghệ thuật giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời tôn vinh một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, phát triển và không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới trong thời kỳ phát triển bền vững đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, qua đó giới thiệu tới nhân dân và du khách về giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung, về loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các địa phương nói riêng….

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 6.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam

Chương II gồm những tiết mục diễn xướng dân gian, điệu múa, bài hát, giai điệu mang đậm nét văn hóa các dân tộc gắn liền di sản diễn tả đời sống lao động, xen lẫn văn hóa tín ngưỡng của một số địa phương. Âm nhạc diễn tả không gian tưng bừng của ngày hội, lần lượt thể hiện các bản nhạc dân ca của các dân tộc như: Thái, H'mông, Tày, Nùng, Dao, Lô Lô, Cao Lan... Đi dọc theo chiều dài đất nước đến miền Trung, như Chăm, Khơ me, các dân tộc Tây Nguyên, Nam Bộ… như một bức tranh toàn cảnh đa sắc của dân tộc Việt Nam ... Các tiết mục múa, thời trang lần lượt thể hiện bức tranh đa sắc thông qua trang phục các dân tộc Việt Nam góp phần khắc họa bức tranh tổng thể như muốn nói lên sự đoàn kết giữa các dân tộc Việt để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong bản sắc văn hóa Việt.

Chương III, Chung một niềm tin mang thông điệp, mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân tộc Việt Nam đều thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Truyền thống đoàn kết là sức mạnh đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn. Cứ qua mỗi hiểm cảnh, nghĩa đồng bào sẽ ở lại. Nó được hun đúc thêm, vun bồi thêm để người Việt chở che nhau vượt qua muôn trùng gian khó của thiên tai, địch họa.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam

Chương IV, phần kết của chương trình sử dụng âm nhạc và hình thức diễn xướng đại diện tất cả các vùng miền trải dài từ Bắc vào Nam, được kết nối liên hoàn liền mạch nhằm thể hiện tình đoàn kết của Đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó mỗi dân tộc được tôn vinh và tỏa sáng.

Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 diễn ra từ ngày 15/11/2024 đến ngày 24/11/2024 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của gần 1000 nghệ nhân, diễn viên, đồng bào các dân tộc, với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Chương trình khai mạc; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Sắc màu văn hóa lễ hội; Trình diễn, giao lưu, giới thiệu văn hóa của các dân tộc; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc…/.

Nguồn: toquoc.vn

Bình luận