Hội thảo chuyên gia “Xây dựng khung phân tích và phát triển công cụ điều tra, khảo sát thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam”

Ngày đăng: 29/05/2024 Lượt xem: 366
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 29/5, Tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã diễn ra Hội thảo chuyên gia “Xây dựng khung phân tích và phát triển công cụ điều tra, khảo sát thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển khai thực hiện đề tài độc lập cấp quốc gia “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” do PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ nhiệm, thực hiện giai đoạn 2023 – 2026; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị chủ trì.

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN); TS. Trần Thị Minh Thu, Phó Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật, Viện VHNTQGVN cùng các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các cơ quan Viện nghiên cứu, các Trường đại học, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa…

Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; TS. Trần Thị Minh Thu, Phó Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật, Viện VHNTQGVN

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Tạ Quang Đông chia sẻ, trong lịch sử dân tộc, nghệ thuật truyền thống luôn có vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, không tách khỏi sự nghiệp “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nghệ thuật truyền thống đặt trong nền văn hóa dân tộc, được coi là nền tảng tinh thần xã hội, định hình các giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam hướng đến chân - thiện - mỹ, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - Tổ quốc; lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc… tạo nên sức mạnh nội sinh, “sức mạnh mềm” của quốc gia trong ngoại giao văn hóa…   

Tuy nhiên, hiện nay, trước tác động của mặt trái của cơ chế thị trường, nghệ thuật truyền thống đang đứng trước xu hướng “thương mại hóa” vì mục đích lợi nhuận, phải đối mặt với nguy cơ biến dạng, biến mất... Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế lại dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa dân tộc bị “hòa tan” vào văn hóa ngoại sinh. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống càng trở thành vấn đề nổi cộm, cần được chú trọng…

Chính vì vậy, Hội thảo chuyên gia “Xây dựng khung phân tích và phát triển công cụ điều tra, khảo sát thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về khung phân tích, các công cụ điều tra, phương án điều tra, khảo sát tại các địa phương. Ban Tổ chức hội thảo rất mong lắng nghe được tất cả các ý kiến tâm huyết, khách quan từ các quí vị đại biểu.

PGS.TS Tạ Quang Đông phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Theo đó, Hội thảo tập trung vào ba nội dung chính như sau: Xác định khung phân tích áp dụng cho việc triển khai đề tài và cho từng nội dung nghiên cứu cụ thể; Trao đổi và thảo luận về các công cụ điều tra thông qua các mẫu phiếu khảo sát; Trao đổi và thảo luận về phương án điều tra, khảo sát tại các địa phương, phù hợp với phạm vi, qui mô, mục tiêu và phương pháp đã xác định của đề tài.

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày tham luận của mình, sau đó là phần thảo luận của các nhà khoa học, nhà quản lý và các đại biểu tham dự. Tất cả những trao đổi, thảo luận đóng góp ý kiến quý báu, tâm huyết có tính thực tiễn, tính khoa học cao, chứa đựng nhiều thông tin bổ ích và lý thú, giúp Hội thảo có được nhận thức rõ hơn về các trường hợp nghiên cứu liên quan đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, rất cần thiết cho quá trình triển khai công tác điều tra, khảo sát thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Với tinh thần làm việc hết sức tích cực, trách nhiệm và hiệu quả, Hội thảo chuyên gia “Xây dựng khung phân tích và phát triển công cụ điều tra, khảo sát thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam” đã đạt được những kết quả quan trọng mà chương trình Hội thảo đã đề ra.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN phát biểu tại Hội thảo.

Các đại biểu trình bày tham luận cũng như trao đổi quan điểm học thuật của mình.

Theo PGS.TS Tạ Quang Đông trong phát biểu tổng kết hội thảo, các bài tham luận và ý kiến đóng góp của các tác giả đã giúp nhận diện và làm rõ khung phân tích áp dụng cho việc triển khai đề tài. Nhiều tác giả đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong các công cụ điều tra, khảo sát để nhóm thực hiện đề tài tiếp thu, hoàn thiện. Những đóng góp này của các nhà khoa học, các đại biểu là vô cùng quan trọng, bởi lẽ, các ý kiến không chỉ dựa trên bề dày kinh nghiệm làm công tác khoa học lẫn công tác hoạt động thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam, về di sản văn hóa dân tộc, mà còn cụ thể trong từng lĩnh vực nghệ thuật liên quan đến phạm vi nghiên cứu của đề tài là sân khấu, âm nhạc, múa và mỹ thuật truyền thống, đặc biệt trong đó có một số đại biểu là các nhà quản lý của các đơn vị gánh tránh nhiệm trên vai về bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam... Những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý được dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân khi vừa là nghệ sĩ, vừa là người đứng đầu đơn vị, chứa đầy trăn trở, tâm huyết, tạo cho hội thảo có tính thực tiễn cao…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, tất cả những ý kiến trên là vô cùng quý giá và cần thiết trong việc xây dựng khung phân tích và phát triển công cụ điều tra, khảo sát thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam đảm bảo bám sát thực tiễn, có độ tin cậy và khoa học cao. Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài độc lập cấp quốc gia “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, Ban tổ chức mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các quý vị đại biểu trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giúp có thêm niềm tin, ý chí và quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc./.

Tin, ảnh: Lã Lương

 

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục