Hội thảo chuyên gia “Xây dựng khung phân tích và công cụ điều tra, khảo sát về thực trạng và xu thế phát triển của thị trường nghệ thuật ở Việt Nam”

Ngày đăng: 11/06/2024 Lượt xem: 338
Mặc định Cỡ chữ

Sáng 11/6, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên gia “Xây dựng khung phân tích và công cụ điều tra, khảo sát về thực trạng và xu thế phát triển của thị trường nghệ thuật ở Việt Nam” nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về khung phân tích, công cụ điều tra, khảo sát tại các địa phương cho việc triển khai đề tài độc lập cấp quốc gia: “Phát triển thị trường nghệ thuật ở Việt Nam”.

Hội thảo là một hoạt động thuộc đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Phát triển thị trường nghệ thuật ở Việt Nam” do PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban, Ban Nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam làm chủ nhiệm, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị chủ trì.

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN); PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban, Ban Nghiên cứu Văn hóa, Viện VHNTQGVN; TS. Đỗ Quốc Việt, Phó Cục Trưởng, Cục Điện Ảnh; ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền Tác giả Việt Nam; Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam; cùng đại diện các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ một số Viện nghiên cứu, Trường đại học, các cơ quan quản lý về nghệ thuật và thị trường nghệ thuật Việt Nam.

Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thuỷ, Viện VHNTQGVN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Lan Oanh nhấn mạnh, thị trường nghệ thuật chính là một trong những nguồn lực nội sinh quan trọng, không chỉ đóng góp cho sự thịnh vượng về kinh tế mà còn là sức mạnh mềm của dân tộc, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và đời sống tinh thần trong xã hội. Phát triển thị trường nghệ thuật ở Việt Nam là cần thiết để chúng ta nâng cao nội lực, đồng thời phát huy nghệ thuật như một sức mạnh mềm của quốc gia - dân tộc, đóng góp cho kinh tế, dân sinh trong công cuộc mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế cũng như củng cố những giá trị đa chiều khác của nghệ thuật về văn hoá, xã hội…

Từ năm 2016, Việt Nam đã chính thức thông qua Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và ngược dòng thời gian, từ thập niên 90 của thế kỷ 20, vào giai đoạn đầu của đổi mới, quan điểm về “kinh tế trong văn hóa”, “văn hóa trong kinh tế” đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương V khóa XIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tuy nhiên cho đến hiện nay, chưa có nhiều các công trình nghiên cứu hệ thống và chuyên sâu về chủ đề này. Do vậy, đề tài sẽ góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu nghiên cứu lý luận và thực tiễn, hướng tới việc tạo ra một cảnh quan của thị trường nghệ thuật ở Việt Nam đa sắc màu và tràn đầy sức sống, xây dựng và phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam theo hướng vừa đa dạng, phong phú, vừa hài hòa, bản sắc, hiện đại,  trong đó nhà nước có những can thiệp, điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường.  

PGS.TS Phạm Lan Oanh mong muốn, thông qua hội thảo này, các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ những quan điểm, hướng tiếp cận nghiên cứu và đóng góp ý kiến nhằm xây dựng khung phân tích và phát triển công cụ điều tra, khảo sát cho đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Phát triển thị trường nghệ thuật ở Việt Nam” đạt hiệu quả, triển khai đúng hướng và thu được những kết quả tốt nhất.

PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN phát biểu tại Hội thảo.

Nhiệm vụ trọng tâm của đề tài gồm: Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển thị trường nghệ thuật ở Việt Nam; Phân tích, đánh giá thực trạng và xu thế phát triển thị trường nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay; Phân tích kinh nghiệm phát triển thị trường nghệ thuật của một số nước trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Đề xuất chính sách, giải pháp cụ thể nhằm phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn mới (thông qua nghiên cứu ba lĩnh vực đại diện là: Thị trường điện ảnh, hội hoạ và tổ chức các chương trình, sự kiện âm nhạc trực tiếp tại Việt Nam).

Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Nghiên cứu Văn hóa, Viện VHNTQGVN đã trình bày báo cáo tổng quan về Đề tài, Tổng quan tình hình nghiên cứu ở nước ngoài; tình hình nghiên cứu trong nước, tổng quan các vấn đề lý luận và thực tiễn; từ đó đưa ra những đánh giá chung và định hướng nghiên cứu cho đề tài.

ThS. Nguyễn Tuấn Anh - Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện VHNTQGVN trình bày bộ công cụ điều tra, khảo sát bảng hỏi. Tiếp đó là các Khung phỏng vấn sâu về thị trường điện ảnh, hội hoạ và tổ chức chương trình, sự kiện âm nhạc trực tiếp do PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thuỷ và Ths. Trần Văn Hiếu, Ban Nghiên cứu Văn hoá, Viện VHNTQGVN xây dựng.

Phần thảo luận của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về khung phân tích, các công cụ điều tra, phương án điều tra, khảo sát tại các địa phương diễn ra sôi nổi.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội sáng tạo và bản quyền tác giả Việt Nam, Viện VHNTQGVN có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu, xây dựng các bộ công cụ điều tra, khảo sát về văn hoá và các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam, tin tưởng rằng đề tài sẽ triển khai được hiệu quả với sự lựa chọn nghiên cứu về ba lĩnh vực mang tính đại diện, tuy nhiên cần lưu ý áp dụng các khung phân tích, phỏng vấn sâu như thế nào cho đạt hiệu quả nhất, nên bổ sung những thông số cần thiết và hướng tới nội dung: làm sao phục vụ các nhà quản lý trong xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát triển thị trường nghệ thuật   cũng như giúp các nhà đầu tư nghệ thuật định hướng vào các dòng sản phẩm phù hợp. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của các nền tảng số trong tác động đến tiêu dùng và phân phối sản phẩm nghệ thuật cũng như đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác quản lý.

Ý kiến góp ý của Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam tập trung vào thị trường điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh việc đánh giá đề tài có cách tiếp cận phù hợp, TS. Ngô Phương Lan lưu ý, khi nghiên cứu cần đi sâu hơn vào tính đặc thù của ngành. Điện ảnh Việt Nam là một trong những ngành nghệ thuật phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng khoảng 20% -25% trong khoảng 20 năm qua, có sức lan toả lớn và có vai trò quan trọng. Trong bối cảnh Chính phủ và các Bộ, ngành đang triển khai nhiều kế hoạch, đề án, chương trình, đề tài cần chú ý đến nghiên cứu các trường hợp điển hình về hợp tác công – tư,  chú ý thêm đến định hướng phát triển thị trường điện ảnh quốc tế, đánh giá các cơ chế, chính sách cụ thể, nhận diện được thực trạng công chúng điện ảnh và đưa ra được những cảnh báo phù hợp trong quá trình hội nhập…

Theo TS. Đỗ Quốc Việt - Phó Cục Trưởng, Cục Điện Ảnh, cần lưu ý đến những quy định mới của lĩnh vực điện ảnh về quản lý phim trên không gian mạng, chú ý nghiên cứu khâu xúc tiến, quảng bá điện ảnh, chú ý thu thập các thông tin về phim chiếu rạp và phim phổ biến trên không gian mạng cũng như các số liệu, dữ liệu còn thiếu cho bức tranh đầy đủ hơn về thị trường điện ảnh Việt Nam.

Tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Viện VHNTQGVN đề cập đến một vấn nạn trong lĩnh vực hội họa, đó là vấn đề tranh nhái, tranh giả. Trong nhiều năm nay, tranh nhái, tranh giả đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường hội hoạ Việt Nam. Ngoài ra, hiện trạng hệ thống các galleries/phòng trưng bày tranh tại hai thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cần được nhận diện, nghiên cứu để cung cấp thông tin đẩy đủ hơn về thị trường hội hoạ ở Việt Nam, cũng như tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này về các vấn đề khác có liên quan.  

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy tóm lược lại các trình bày và ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo. Đây là những góp ý rất cần thiết và hữu ích cho quá trình triển khai công tác điều tra, khảo sát thực trạng và xu thế phát triển thị trường nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; giúp nhận diện và làm rõ khung phân tích, bảng hỏi, bảng phỏng vấn sâu áp dụng trong triển khai đề tài. Những trao đổi, chia sẻ, đóng góp ý kiến hết sức quý báu, tâm huyết và có tính thực tiễn, tính khoa học cao sẽ giúp cho nhóm thực hiện đề tài có thể hoàn thiện tốt hơn khung phân tích và các công cụ điều tra khảo sát, đáp ứng với yêu cầu, mong đợi mà đề tài đã đặt ra.

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục