Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch”.

Ngày đăng: 25/10/2024 Lượt xem: 267
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 25/10, Tại Ninh Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình và Viện Bảo tồn di tích tổ chức Hội thảo: “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch” theo Quyết định số 4219/QĐ- BVHTTDL ngày 29/12/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sự kiện diễn ra nhằm thảo luận làm rõ thực trạng triển khai các giải pháp, chính sách, mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch ở các bộ, ban ngành, địa phương hiện nay.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Mạnh Cường Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; ThS.KTS Trần Quốc Tuấn Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ; các Sở, ban, ngành tỉnh Ninh Bình; các chuyên gia, nhà khoa học từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.  

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của đoàn Chủ trì gồm: TS. Nguyễn Mạnh Cường; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và ThS.KTS Trần Quốc Tuấn

Tại Hội thảo, ThS.KTS Trần Quốc Tuấn Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích phát biểu đề dẫn, theo thống kê của ngành văn hóa, tính đến giữa năm 2024, Việt Nam có 08 Di sản được công nhận di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 133 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3628 di tích xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 11.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hoá của dân tộc đã, đang được Nhà nước, cộng đồng nhân dân và nhiều tầng lớp, tổ chức xã hội hết sức quan tâm.... Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Hội nghị Trung Ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng; nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Cùng với việc thông qua hoạt động bảo tồn, tôn tạo, các di tích lịch sử - văn hóa, các bên có liên quan đã kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và du khách về bản sắc, giá trị di sản văn hóa, đồng thời thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, phát triển các sản phẩm văn hoá, kinh tế, dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển văn hóa - du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, bất cập.... có thể thấy ở nhiều khâu như: các chính sách quản lý về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa; công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp các di tích; chất lượng nguồn nhân lực tham gia, vai trò của các bên liên quan... Đặc biệt là vai trò của cộng đồng chưa có cơ chế rõ ràng xác định trách nhiệm gắn với lợi ích nên chưa tạo ra hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển văn hóa - du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa..

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhiệm vụ tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch” Trên cơ sở các căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn được bàn luận, hội thảo sẽ gợi mở, đề xuất các giải pháp và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương nhằm thực hiện điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong thời gian tới.

ThS.KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo tập trung vào những nội dung chính như sau:

1. Các lý thuyết và quan điểm tiếp cận, khái niệm về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch.

2. Các giải pháp, mô hình, bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ hiệu quả công tác giáo dục, phát triển các ngành kinh tế, du lịch, công nghiệp văn hoá trong phát triển bền vững tại Việt Nam.

3. Các giải pháp đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch.

4. Định hướng liên kết, hợp tác trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trong hoạt động giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch.

Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các tổ chức, trường Đại học, đơn vị nghiên cứu đầu ngành ở Trung Ương và địa phương như Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Học Viện Chính trị khu vực I, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trung tâm hoạt động văn hóa, Khoa học Văn miếu, Quốc tử giám (Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (Quảng Nam)…

Một số tham luận tập trung nghiên cứu về các khái niệm, chức năng cơ bản của hoạt động bảo tồn di tích, các quan điểm tiếp cận về bảo tồn di tích trên thế giới, vấn đề áp dụng văn bản quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di tích ở Việt Nam, các mô hình thực hiện thực tiễn trong và ngoài nước về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Bên cạnh đó, các tham luận khác lại nghiên cứu đề xuất các giải pháp, mô hình trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa tiêu biểu, gắn với phát triển kinh tế, du lịch như bảo tồn các di tích Quốc gia đặc biệt, bảo tồn di sản ngôi chùa Việt thời Lê Trung Hưng, bảo tồn khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), khu di tích Núi Sam (An Giang), Đô thị cổ Hội An (Quảnh Nam), chiến khu D (Đồng Nai), v.v… Nhiều tham luận cũng tập trung nghiên cứu, đưa ra các bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa ở các nước trong khu vực (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar).

Với nội dung ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá … các tham luận đi sâu vào nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch, như sử dụng công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), công nghệ GIS, Trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa di sản.

Những tham luận còn lại tập trung nghiên cứu, đưa ra các mô hình liên kết giữa bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trong hoạt động giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch ở nhiều địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Đồng Nai…

Một số đại biểu đã được mời trình bày tham luận tại Hội thảo như: PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với tham luận Các mô hình thực tiễn trong và ngoài nước về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua du lịch; TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày Chiến lược bảo tồn giá trị di sản và phát huy bản sắc đô thị Việt Nam; ThS Nguyễn Xuân Trường, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình là tham luận Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển bền vững ở Ninh Bình; Tham luận  với chủ đề Di sản kiến trúc chùa Việt thời Lê Trung Hưng ở đồng bằng Bắc Bộ - Nhận diện giá trị và một vài đề xuất bảo tồn phát huy của ThS.KTS Nguyễn Thị Hương Mai, Viện Bảo tồn di tích; Bà Nguyễn Phương Anh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - Một số phương pháp ứng dụng công nghệ trình diễn hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam và TS.Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích trình bày tham luận Áp dụng văn bản quốc tế trong việc bảo tồn di tích ở Việt Nam.

Các đại biểu trình bày tham luận cũng như trao đổi quan điểm học thuật của mình.

Ngoài những tham luận được các đại biểu trình bày tại hội thảo, Ban tổ chức cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, những luận cứ khoa học và thực tiễn.

GS.TS Trịnh Sinh chia sẻ, đối với công tác bảo tồn, tôn tạo, nên bảo tồn nguyên gốc, tôn tạo nguyên gốc di tích ban đầu, đồng thời cần tạo ra điểm nhấn, xem du khách họ muốn gì. Ví dụ trường hợp Ninh Bình, có thể khôi phục món ăn của vua chúa thời Trần đã được ghi trong sử sách là món bề bề, sò huyết... để tạo sự hấp dẫn đối với du khách.

Từ quan điểm của mình, GS.TS Bùi Quang Thanh lại cho rằng, với thực trạng văn hóa xã hội luôn vận động thì bảo tồn cũng không nên cứng nhắc về nguyên gốc mà cần bảo tồn trong sự phát triển; bảo tồn cần mang tính liên ngành như kết hợp giữa bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Ngoài ra cần có chính sách quản lý chặt chẽ nội dung văn hóa bên trong đối với các di tích, mà chùa Tam Chúc (Hà Nam) là một trường hợp cụ thể.

Ý kiến của Đại biểu Trương Đình Tường hoàn toàn đồng ý với KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay rất nhiều di tích đặc biệt ở Ninh Bình chưa được xếp hạng ví dụ như trường hợp con đường đê đi từ Nam Định sang Ninh Bình có từ thế kỷ XV…hay các không gian di sản cũng rất cần sự quan tâm đúng mực trong việc bảo tồn, tôn tạo.

Ngoài ra còn các ý kiến phát biểu thảo luận hết sức tâm huyết của những cán bộ trực tiếp tham gia công tác quản lý di tích lịch sử, văn hoá, du lịch ở tỉnh Ninh Bình chứa đựng nhiều thông tin bổ ích và lý thú giúp Hội thảo có được nhận thức rõ hơn về các trường hợp nghiên cứu, bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn sinh động rất cần thiết cho quá trình triển khai công tác nghiên cứu tổ chức Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ, trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm phối hợp, tham gia ý kiến, cung cấp tư liệu của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo trung ương, địa phương, các cấp, các ngành, các cơ quan, viện nghiên cứu... Ban tổ chức hy vọng rằng những vấn đề đặt ra từ hội thảo sẽ không chỉ dừng lại trên lý thuyết ở diễn đàn này, mà sẽ góp phần thiết thực vào thực tiễn cuộc sống nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch tại các địa phương trong thời gian tới.  

Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương mong rằng những đóng góp bổ ích thu được từ Hội thảo có thể gợi mở, đề xuất các giải pháp và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền các địa phương có di tích nhằm điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa. Với các ý kiến tham luận mà Hội thảo đã nhận được, dù có được trình bày ở diễn đàn này hay không, Ban tổ chức tin rằng Hội thảo đã đạt được các mục đích đề ra.

Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các tác giả trong cả quá trình từ khi viết bài đến sự hiện diện của quý vị tại Hội thảo hôm nay, xin được trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, chỉ đạo quá trình phối hợp giữa  Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích và Sở Văn hóa, Thể thao Ninh Bình để tạo nên một cuộc Hội thảo có chất lượng chuyên môn và nhận được sự tham gia, đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học nhằm đề ra được các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch./.

Tin: Lã Lương

Ảnh: Nguyễn Phượng, Anh Tuấn

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục