1. Mục tiêu
Đề tài nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là di sản thế giới, nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết của chính phủ Việt Nam với UNESCO khi đề xuất Chương trình hành động trong hồ sơ đệ trình.
2. Kết cấu của đề tài
Gồm 4 chương với các nội dung chính như sau:
Chương 1: Những cơ sở lý luận và chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Chương 2: Tổng quan về di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là di sản thế giới.
Chương 3: Những thuận lợi, thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là di sản thế giới.
Chương 4: Chính sách, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là di sản thế giới.
3.Kết quả nghiên cứu
Đề tài đã triển khai nghiên cứu thực trạng 5 di sản được UNESCO ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm Nhã nhạc cung đình Huế (được công nhận 2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (được công nhận 2005), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (được công nhận 2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (được công nhận 2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (được công nhận 2012), và 2 di sản trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là Ca Trù (được công nhận 2010) và Hát Xoan (được công nhận 2011). Đề tài đã phân tích những thuận lợi và thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là di sản thế giới. Đề tài cũng chỉ ra những việc đã làm được và chưa làm được của ngành văn hóa cũng như của các địa phương trong việc thực hiện các cam kết với UNESCO. Trên cơ sở đúc kết những bài học kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản của thế giới, đặc biệt làcác nước có nền văn hóa tương đồng đề tài đã tìm hiểu, tham khảo để có thể áp dụng một cách hữu hiệu vào Việt Nam. Đề tài cũng chỉ ra những bất cập, những hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể từ phương diện xây dựng và thực thi chính sách.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT của Việt Nam là Di sản thế giới; đảm bảo thực hiện các cam kết của chính phủ Việt Nam với UNESCO khi di sản được công nhận.
4. Đánh giá
Đây là một đề tài có giá trị khoa học và khả năng ứng dụng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu và đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.
Tài liệu đề tài: Báo cáo khoa học
Nơi lưu giữ: Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Trần Thủy tổng hợp