Các thành viên tham gia: GS.TS Đinh Xuân Dũng, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, TS. Trần Thị Minh Thu, Ths. Hoàng Thị Thu Thủy, TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa, NCS. Nguyễn Phúc Anh, TS. Nguyễn Thị Minh Phương.
Đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ:
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thống mới
I. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Mục tiêu nghiên cứu:
Hệ thống hóa cơ sở lý luận về tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng ở Việt Nam hiện nay, trong đó trình bày và giới thuyết một số khái niệm công cụ, một số vấn đề lý luận liên quan, đặc trưng của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng và cộng đồng mạng ở Việt Nam.
Nhận diện, đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng ở Việt Nam hiện nay.
Dự báo xu hướng phát triển và sự tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng và cộng đồng mạng ở Việt Nam trong thời gian tới, nhằm làm cơ sở cho việc đề xuất những biện pháp quản lý phù hợp.
Đề xuất các giải pháp khả thi nhằm phát huy tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng ở Việt Nam hiện nay.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Cộng đồng mạng là cộng đồng mới xuất hiện kể từ khi có Internet. Đây cũng là một đối tượng nghiên cứu còn mới mẻ ở Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng ở Việt Nam.
Về phạm vi nghiên cứu: là hoạt động của cộng đồng mạng trên lãnh thổ Việt Nam, điểm điều tra, nghiên cứu, khảo sát trực tiếp là Hà Nội.
II. Kết cấu đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục và tài liệu tham khảo, báo cáo gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về văn học mạng, nghệ thuật trên mạng, cộng đồng mạng;
Chương 2: Thực trạng tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng;
Chương 3: Dự báo xu hướng và đề xuất giải pháp nhằm phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng.
III. Kết quả nghiên cứu
Đề tài đã tìm hiểu, nghiên cứu được quá trình hình thành và phát triển của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng và cộng đồng mạng ở Việt Nam. Từ đó bước đầu khái quát được đặc trưng của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng và cộng đồng mạng ở Việt Nam.
Đề tài phân tích thực trạng sáng tạo và thụ hưởng văn học mạng, nghệ thuật trên mạng ở Việt Nam thể hiện ở các chiều cạnh: Mục đích sáng tạo và thụ hưởng; Sự quan tâm và mức độ tham gia văn học mạng và nghệ thuật trên mạng; Địa điểm và phương tiện kết nối Internet để thực hành sáng tạo hoặc thụ hưởng văn học mạng và nghệ thuật trên mạng; Thời gian thực hành sáng tạo hoặc thụ hưởng. Từ kết quả khảo sát thực tế, cùng với việc vận dụng một số vấn đề lý luận cơ bản, cũng như phân tích đặc trưng của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng và cộng đồng mạng, đề tài đã nhận diện, đánh giá sự tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng hiện nay một cách toàn diện theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra một số dự báo về xu hướng phát triển và tác động của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng trong thời gian tới, đề tài đưa ra đề xuất các giải pháp nhằm quản lý và phát huy vai trò của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng ở Việt Nam.
IV. Đánh giá
Bằng cách tiếp cận liên ngành, đề tài đã nêu rõ thực trạng sáng tạo và thụ hưởng của văn học mạng, nghệ thuật trên mạng và cộng đồng mạng ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt với cách tiếp cận tổng thể, đề tài đã nêu được những tác động nhiều chiều (tích cực và tiêu cực) cũng như các xu hướng phát triển và những thách thức mà văn học mạng, nghệ thuật trên mạng sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng mạng. Trên cơ sở đó đưa ra những gợi ý thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy tác động tích cực của văn học và nghệ thuật trên mạng, góp phần tư vấn chính sách cho các cơ quan hữu quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể ứng dụng và khảo cứu tại: các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu của đề tài như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL; Cục Nghệ thuật biểu diễn… nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về văn hóa cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học và tuyên truyền phổ biến, giáo dục cho người dân Việt Nam.
Tài liệu đề tài: Báo cáo khoa học
Nơi lưu giữ: Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam