1. Mục tiêu
Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng thực hành tín ngưỡng, hoạt động lễ hội trong xã hội Việt Nam đương đại. Đề tài đánh giá những tác động của thực hành tín ngưỡng và hoạt động lễ hội đến lối sống con người Việt Nam trong những năm Đổi mới vừa qua,đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động thực hành tín ngưỡng và lễ hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Kết cấu của đề tài
Ngoài Mở đầu, Kết luận, đề tài gồm 3 chương với các nội dung chính như sau:
Chương 1: Vấn đề lý luận và mối quan hệ giữa thực hành tín ngưỡng và hoạt động lễ hội và lối sống của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Chương này bao gồm các vấn đề lý luận về thực hành tín ngưỡng, hoạt động lễ hội và lối sống. Những vấn đề chính sách tôn giáo, kinh tế chính trị, nhân học tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ và mối quan hệ giữa thực hành tín ngưỡng và lối sống được phân tích một cách khoa học nhằm đưa ra một khung lý thuyết cho đề tài.
Chương 2: Thực trạng và biểu hiện của sự tác động của thực hành tín ngưỡng và hoạt động lễ hội đến lối sống con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Từ số liệu điền dã và xử lý kết quả điều tra xã hội học, chương này phân tích thực trạng thực hành tín ngưỡng và hoạt động lễ hội ở Việt Nam. Đối với người Việt, đề tài đề cập đến các nghiên cứu trường hợp là thực hành nghi lễ và lễ hội đền Bà Chúa Kho ở tỉnh Bắc Ninh, thực hành nghi lễ và lễ hội Phủ Dầy và thực hành nghi lễ thờ Trần Hưng Đạo và lễ hội đầu xuân đền Trần ở tỉnh Nam Định; đối với người Chăm ở Ninh Thuận là thực hành nghi lễ của người Chăm và lễ hội Katê; đối với người Khơme ở Sóc Trăng là thực hành nghi lễ người Khơme và lễ hội Óc Om Bok. Thông qua các trường hợp nghiên cứu, đề tài làm rõ những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của các thực hành tín ngưỡng và hoạt động lễ hội đến lối sống con người Việt Nam hiện nay.
Chương 3: Kết quả nghiên cứu, khuyến nghị và giải pháp
Từ những kết quả nghiên cứu chương này đưa ra những khuyến nghị, đề xuất các giải pháp đối với cơ quan quản lý, đối với cộng đồng và đối với chủ thể thực hành tín ngưỡng và lễ hội, nhằm phát huy những những tác động tích cực, giảm thiểu những tác động tiêu cực của thực hành tín ngưỡng, hoạt động lễ hội đến lối sống con người Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và hội nhập quốc tế.
3. Kết quả nghiên cứu
Đề tài đã lý giải nguyên nhân sự phát triển mạnh mẽ của những thực hành tín ngưỡng và hoạt động lễ hội một mặt do đường lối mở cửa của Đảng, Nhà nước và sự phát triển của nền kinh tế thị trường, mặt khác người dân cũng tích cực tham gia các hoạt động tín ngưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ.
Đề tài đã lý giải cuộc sống tâm linh, vấn đề thực hành tín ngưỡng, hoạt động lễ hội dựa vào các quan điểm học thuật trong kinh tế chính trị.Đề tài đã lựa chọn quan điểm của Mác về sùng bái hàng hóa trong chủ nghĩa tư bản, cũng như những quan điểm tương tự của các học giả quốc tế để có khung nhận thức luận trong việc hiểu sự bấp bênh của nền kinh tế thị trường, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người, đồng thời giúp cho việc tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tín ngưỡng bùng phát.
Từ góc độ nhân học tôn giáo, đề tài đã phân tích những biểu hiện của sự tác động của thực hành tín ngưỡng, hoạt động lễ hội lên lối sống của con người. Tính công năng của thực hành tâm linh giải thích về những điều xảy ra vượt khỏi tầm hiểu biết, kiểm chứng của khoa học thực nghiệm. Đề tài đã vận dụng các quan điểm này trong việc phân tích thực trạng và sự tác động của thực hành tín ngưỡng và hoạt động lễ hội đến lối sống của người Việt, người Chăm và người Khơme để có một sự hiểu biết tương đối sát với thực tế đời sống tâm linh của cộng đồng.
Đề tài đã phân tích các trường hợp nghiên cứu tiêu biểu của ba dân tộc Việt, Chăm, Khơme sống ở ba vùng miền của đất nước, với những hệ thống giá trị tín ngưỡng, lễ hội vừa giống, lại vừa khác.
Đề tài đã chỉ ra những tác động thực hành tín ngưỡng, hoạt động lễ hội lối sốngcon người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.Những tác động tích cực chủ yếu là duy trì lối sống truyền thống tốt đẹp như tôn kính tổ tiên, có hiếu với cha mẹ, sự cố kết cộng đồng, đề cao tính tập thể, tương thân tương ái.
Để phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực này, đề tài đã nêu ba nhóm giải pháp đối với cơ quan quản lý, đối với cộng đồng và đối với chủ thể thực hành tín ngưỡng và lễ hội. Những nhóm giải pháp này đề cập đến các lĩnh vực như chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, về quản lý và tổ chức thực hiện, về giáo dục và nâng cao nhận thức, về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó không tránh khỏi các tác động tiêu cực như: gây tốn kém, lãng phí, thương mại hóa hoạt động tâm linh, buôn thần, bán thánh...
4. Đánh giá
Đề tài đã thực hiện đúng mục tiêu nghiên cứu, nội dung nghiên cứu và hoàn thành đầy đủ các sản phẩm nghiên cứu. Đề tài bước đầu đánh giá được những tác động tích cực và tiêu cực của các hoạt động thực hành tín ngưỡng và lễ hội đến lối sống con người Việt Nam, đã đề xuất được hệ thống các giải pháp nhằm quản lý hoạt động tín ngưỡng và lễ hội. Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách trong công tác quản lý nhà nước, là tài liệu tham khảo tốt cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Tài liệu đề tài: Báo cáo khoa học
Nơi lưu giữ: Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Trần Thủy tổng hợp