Các thách thức lý thuyết đối với công tác bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể

Ngày đăng: 18/02/2011 Lượt xem: 7.464
Mặc định Cỡ chữ

Các thách thức lý thuyết đối với công tác bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể

 

Roger L. Janelli

Giáo sư danh dự

Văn hóa dân gian và khoa âm nhạc dân tộc

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á

Đại học Indiana, Bloomington

 

 

Tóm tắt

Các chính sách văn hóa thiện chí gần đây của UNESCO làm dấy lên một làn sóng quan tâm đến việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Châu Á và Thái Bình Dương. Việc UNESCO công nhận các dạng thức đặc biệt của loại loại hình di sản này mang đến cho nhân loại một thước đo về uy thế, tạo ra những nỗ lực liên tục trong việc bảo tồn di sản, và nâng cao thu nhập từ du lịch.

Mặt khác, có nhiều nhà phê bình đã lên tiếng chỉ trích những mâu thuẫn về lý thuyết và khái niệm cũng như sự nhập nhằng, không rõ ràng trong các chính sách gần đây của UNESCO. Chính vì vậy, người ta đã nghi ngờ tính hiệu quả và các biện pháp thực tiễn để thực thi các chính sách này. Có nhiều ý kiến gay gắt đến mức cần phải được cho phép thay đổi các loại hình biểu đạt văn hóa và xác định cộng đồng được quyền kiểm soát công tác bảo tồn.

Một mặt, bản tham luận này thừa nhận rằng mỗi dân tộc đều có hệ thống các mối quan hệ riêng biệt, bao gồm các mối quan hệ sau thực dân, quan hệ xã hội, kỹ thuật, kinh tế và chính trị. Mặt khác, bài tham luận cũng đưa ra các ví dụ, phải kể đến đầu tiên là ở Hàn Quốc, để minh họa các vấn đề nổi cộm phát sinh.

Việc gần đây UNESCO đưa ra những chính sách nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đa dạng của nhân loại đã phản ánh một bước tiến quan trọng của những nỗ lực trước đó tập trung vào việc phát triển giáo dục và nông nghiệp để ngăn chặn chiến tranh và đưa các dân tộc trên thế giới đến những chuẩn mực đồng nhất hơn (Stoczkowski 2009; UNESCO 2005). Việc này cũng thừa nhận rằng chính sách bảo tồn các di sản vật thể năm 1972 của UNESCO mang những thành kiến phương Tây. Không những các di sản được bình chọn dựa trên quan điểm về khoa học và thẩm mỹ học phương Tây, mà hầu hết các di sản đều được công nhận ở phương Tây, và chủ yếu là ở Châu Âu.

Mặc dù có sự hợp tác và tư vấn của các chuyên gia nổi tiếng, những kinh nghiệm non trẻ và ít ỏi của UNESCO trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã làm nảy sinh nhiều thách thức đối với các chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, khiến tổ chức này phải sửa đổi, ở cả mức độ lớn và nhỏ, hàng loạt chính sách, thủ tục và thậm chí cả thuật ngữ.

Bài tham luận này cho rằng hai trong số các thách thức cơ bản nhất mà UNESCO đang phải đương đầu nằm ở chính những di sản họ đang tìm cách bảo vệ. Bằng cách phân tích các vấn đề về tính liên tục và quyền sở hữu, bài tham luận đưa ra quan điểm rằng những vấn đề này từ lâu đã là chủ đề được tranh luận, thậm trí từ trước khi UNESCO bước vào lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Tính liên tục

Những tranh cãi về tính liên tục của các biểu hiện và tập tục văn hóa thường được đưa ra trong các bài phê bình về khái niệm “truyền thống”. Nhiều người viện dẫn bài phê bình của Hobsbawm (1984) như một luồng gió chính thổi vào khái niệm này, nhưng bài phê bình của Hobsbawm lại thấm nhuần chủ nghĩa Mác và nhằm vào việc sử dụng các truyền thống được cho là bởi lợi ích thương mại và bởi chính phủ đang phục vụ cho các lợi ích này. Những dẫn luận đầy sức thuyết phục của ông đã thừa nhận sự tồn tại của “tập quán” đang thay đổi trong đông đảo quần chúng, mặc dù một số nhà học thuật khác lại chỉ ra các trường hợp cụ thể mà ở các trường hợp này, các tập tục “truyền thống” của dân thường đã có sự thay đổi từ trước đó rất lâu (ví dụ, Bestor 1990).

Tuy nhiên, phải đến những năm 1960, hầu hết các nhà văn hóa dân gian phương Tây xem sự thay đổi là dấu hiệu cơ bản của văn hóa dân gian cổ truyền. Theo họ, người dân địa phương liên tục cải biến các bài diễn văn, lời kịch, diễn xuất, hoặc nghề thủ công để thể hiện được ý nguyện, chuẩn mực và hình thức diễn đạt mang tính tập thể của dân tộc, của khu vực, của làng xã hay các cộng đồng nhỏ hơn. Ngược lại, không có sự thay đổi cho thấy rằng một hình thức biểu đạt cố định, thường là văn bản, chính là nguồn tài liệu các nhà sưu tầm thu thập được. Vào cuối những năm 1960, khái niệm truyền thống đã mất dần đi tầm quan trọng vì người ta ngày càng quan tâm đến việc tìm hiểu về bản thân các nghệ sỹ, chủ thể con người, bối cảnh và các tiết mục được trình diễn hơn. Và chủ nghĩa hậu hiện đại đã đưa ra một quan điểm khác rằng khái niệm truyền thống chỉ là khái niệm, tồn tại trong trí não chứ không phải là thực thể. Tuy nhiên, khái niệm này không được nhiều người biết đến.

Hệ thống bảo vệ di sản phi vật thể của Hàn Quốc, được bắt đầu gần 50 năm trước, là ví dụ minh họa về những đối kháng chống lại sự từ bỏ quan điểm truyền thống, mặc dù vào năm 1993, Ban Điều hành UNESCO đã chính thức công nhận hệ thống đào tạo thế hệ kế thừa của Hàn Quốc là phương pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể có giá trị. Ban điều hành cũng kiến nghị rằng phương pháp này cần được tất cả các nước thành viên áp dụng (Yim 2004: 10). Trong một chừng mực nào đó, hệ thống đào tạo thế hệ kế thừa của Hàn Quốc được tạo ra nhằm để ủng hộ tính hợp pháp của vị tổng thống mới lên nắm quyền sau cuộc đảo chính và đang bị dân chúng hoài nghi về các phẩm chất dân tộc (Lee 2007:29). Khi lập ra hệ thống bảo vệ di sản phi vật thể ở Hàn Quốc, chính phủ đã thành lập một ủy ban bao gồm các nhà văn hóa dân gian Hàn Quốc cũng như các chuyên gia văn hóa khác. Ủy ban này chịu trách nhiệm đưa ra các biện pháp cụ thể để đảm bảo cho hệ thống bảo tồn hoạt động một cách hiệu quả. Trong quá trình hoạt động, rất nhiều nhà văn hóa dân gian lỗi lạc của ủy ban đã có tầm ảnh hưởng lớn và nhiều tiểu ban được thành lập sau khi hệ thống này đươc mở rộng

Trong những năm đầu, ủy ban này đã lấy quan niệm về di sản của các nhà trí thức lỗi lạc Hàn Quốc thời kỳ thực dân (1910-1945) làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Các nhà trí thức này đã tìm kiếm các biểu tượng chính về bản sắc của dân tộc trong nền văn hóa Hàn Quốc. Khác với chế độ thống trị thực dân ở hầu hết các nơi trên thế giới, các chính sách văn hóa của Nhật Bản ở Hàn Quốc có mục đích hợp nhất bán đảo Triều Tiên vào đế quốc Nhật Bản và công bố rằng Hàn Quốc và Nhật Bản có chung nguồn gốc, và chung hệ tư tưởng là “內鮮一體; K: Naeseon ilche; J: Naisen ittai.” Tuyên bố này được Nhật Bản sử dụng không chỉ như vũ khí hợp pháp để sáp nhập bán đảo Triều Tiên mà còn để biến người dân Hàn Quốc thành người dân trung thành của Nhật Bản. Để đạt được mục đích, họ đã sử dụng một số chính sách thực dân để tiêu diệt ngôn ngữ và các tập tục văn hóa của Hàn Quốc, và thay thế bởi ngôn ngữ và các tập tục văn hóa của Nhật bản. Ví dụ, người Hàn Quốc được khích lệ, và sau đó bị ép buộc phải sử dụng tiếng Nhật, mang họ Nhật và phải thờ cúng ở đền thờ Thần Đạo. Một trong những nguyên lý cơ bản của quan điểm hậu thực dân là khôi phục các quan điểm và thói quen văn hóa của Hàn Quốc mà đã bị tiêu diệt hoặc làm cho suy yếu bởi chính phủ thực dân.

Các nhà văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc và học giả của các ngành khác của Hàn Quốc, những người đã góp phần vào việc thành lập và triển khai hệ thống bảo tồn của Hàn Quốc, đã được thấm nhuần tư tưởng của các bậc tiền bối của họ. Song song với việc làm quen với các công trình nghiên cứu của một số học giả người Nhật về Saman giáo của Hàn Quốc trong thời kỳ thực dân(ví dụ, Murayama Chijun, Akamatsu Chijo, Akiba Takashi), họ cũng tìm hiểu luật pháp đương đại của Nhật Bản về công tác bảo tồn di sản phi vật thể, thông qua bản dịch của bộ luật Nhật Bản.

Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng kể giữa các hệ thống bảo tồn di sản phi vật thể của Hàn Quốc và Nhật Bản là sự công nhận “các hình thái gốc” (weonhyeong; 原型) và các phương pháp bảo tồn. Thuật ngữ “các hình thái gốc” không xuất hiện trong các quy định của Nhật Bản (Kwon 2009: 56). Các “hình thái gốc” này không giống ürform của các nhà ngôn ngữ học hay các nhà văn hóa dân gian phương Tây, những người theo đuổi phương pháp lịch sử-địa lý. Ngược lại, thuật ngữ này được giải thích khá linh hoạt và rõ ràng, công nhận loại hình các tập tục văn hóa thời kỳ trước khi bị ảnh hưởng bởi Nhật Bản hay bới các nước khác. Ví dụ, để chuẩn bị cho việc công nhận vũ kịch cải trang Hahoe, vũ kịch mà chỉ được trình diễn mười năm một lần trước những năm 1930, nhà văn hóa dân gian Yi Tu-hyŏn đã phải dựng lại kịch bản, phục hồi lại các mặt nạ hóa trang, và đạo diễn lại các vai hề. Ông đã thực hiện phỏng vấn những người mà trước kia đã từng tham gia vào các vai diễn, hoặc đã từng là khán giả.

Cùng với việc sáp nhập khái niệm “hình thái gốc” vào hệ thống công nhận các di sản văn hóa, ủy ban này cũng nghĩ đến việc làm thế nào để bảo tồn các các “hình thái” này một cách có hiệu quả nhất. Họ đã đưa ra một hệ thống tổng thể để công nhận những người có diễn xuất tốt nhất của từng hạng mục, gọi họ là “Báu Vật Nhân Văn Sống”. Những nghệ sỹ này phải trình diễn định kỳ trước công chúng và có trách nhiệm đào tạo người nối nghiệp. Những “Báu Vật Nhân Văn Sống” này được chính phủ trả lương, và được nâng cao vị thế trong xã hội. Ngoài ra họ còn có thể tăng thu nhập bằng việc giảng dạy ngoài giờ. Thêm vào đó, các sinh viên đang theo học tại các khóa đào tạo thế hệ kế thừa các di sản văn hóa cũng được tài trợ ở các cấp độ khác nhau. Hệ thống đào tạo này không khuyến khích các nghệ sỹ tương lai thay đổi hạng mục di sản văn hóa mà họ được đào tạo cho công tác bảo tồn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có nhiều thay đổi đối với các học bổng cho ngành văn hóa dân gian, cả ở Hàn Quốc và ở các nước khác. Những thay đổi này đã khiến hệ thống của Hàn Quốc phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt trong khuynh hướng bảo tồn “hình thái gốc”. Ngày nay, hầu hết các nhà văn hóa dân gian đều công nhận rằng di sản văn hóa phi vật thể mang tính động và không ngừng thay đổi. Quan điểm về “truyền thống” đã bị thách thức cũng như khái niệm về di sản đã bị xem lại. Những dòng dưới đây của Barbara Kirshenblatt-Gimblett (1998) là một ví dụ:

Bất chấp các khái niệm về bảo tồn, phục hồi, cải tạo, khôi phục, tái tạo, tái sinh, và cải tạo, các di sản luôn sản sinh ra cái mới ở hiện tại, mà không cần quá khứ. Sự sản sinh tôi muốn nói ở đây không có nghĩa là kết quả không “thật”. Đúng hơn, tôi muốn nhấn mạnh rằng di sản không bị mất đi mà cũng không được tìm thấy, không bị đánh cắp mà cũng không phục hồi. Đó là mô hình các tác phẩm văn hóa ở thời điểm hiện tại dựa vào quá khứ.

Và Keith Howard (1989) đã phê bình tính hiệu quả của hệ thống Hàn Quốc trong việc “bảo tồn” các bài ca gieo lúa của Đảo Jindo. Ông cho rằng việc công nhận di sản này thực sự đã làm thay đổi tính chất của nó, trong đó phải kể đến nhịp điệu và cơ hội tự sáng tạo lời để hát đối.

Các thành viên hiện nay của ủy ban công nhận di sản phi vật thể của chính phủ các quốc gia đã ý thức được rõ các thách thức này và đã tổ chức các hội thảo để tìm giải pháp (Yim 2004). Việc công nhận di sản “hình thái gốc” phải đương đầu với các câu hỏi liệu có cần thiết phải bảo vệ nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể, một cách không tự nhiên hay không. Các nhà văn hóa dân gian và nhiều người khác đã từ lâu đều thừa nhận rằng thay đổi là tất yếu. Và cũng cần phải thừa nhận rằng các tập tục văn hóa bị biến mất cũng là đương nhiên, một khi chúng không còn thích hợp. Nền văn hóa cổ truyền được thay thế bằng nền văn hóa mới. Chính vì vậy, rất nhiều người đã tỏ ra quan ngại về sự cần thiết phải bảo vệ những nền văn hóa đã bị mất một cách không tự nhiên.

Tuy nhiên, những người ủng hộ việc bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể một cách không tự nhiên, lại đưa ra logic khác. Họ đưa ra quan điểm rằng, nhìn chung, nhiều tập tục văn hóa cổ truyền xã hội đang bị mất lại là biểu tượng của một dân tộc, thể hiện bản sắc của dân tộc đó, cũng như thể hiện phương tiện cai trị của chính quyền. Nhiều người cho rằng Hàn Quốc, nơi đang diễn ra rất nhiều thay đổi, cần phải bảo vệ các tập tục văn hóa cổ truyền để cứu vãn tình trạng chúng sẽ biến mất, và họ rất lưỡng lự đối với việc phải công nhận các hình thái văn hóa mới. Việc bảo tồn còn có ý nghĩa gì nữa khi công nhận các hình thái mới và để mất đi những hình thái cổ truyền? - họ tự hỏi.

Các xã hội không-phương-Tây đã nhấn mạnh quan điểm này một cách mạnh mẽ nhất. Ở Hàn Quốc, một trong các loại hình âm nhạc cổ được gọi là pansori, một kiểu hát sử thi hay anh hùng ca. Vào những năm 1960, ở Hàn Quốc ngày càng nhiều người thích phương Tây và bắt đầu thích nghe nhạc phương Tây, như opera và nhạc pop. Điều này khiến các ca sĩ pansori rất ít có dịp được biểu diễn và cuộc sống của họ đặc biệt bị ảnh hưởng. Con số các ca sĩ Hàn Quốc hát nhạc phương Tây đã nhanh chóng vượt trội, và số khán giả của họ cũng tăng rất nhanh. Nếu không có các chính sách về di sản văn hóa phi vật thể của chính phủ Hàn Quốc thì có lẽ pansori cũng sẽ bị biến mất. Ngày nay, người Hàn Quốc vẫn tiếp tục nhìn nhận pansori là là âm nhạc cổ truyền của Hàn Quốc, cũng như nhìn nhận opera và nhạc pop là âm nhạc phương Tây, mặc dù có rất nhiều người thích nghe nhạc phương Tây hơn pansori. Vì vậy, vấn đề các di sản văn hóa phi vật thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của một nhóm người trở thành một vấn đề đáng tranh luận. Một ví dụ về ông Cho [Han] Hae Joang (2002). Ông đã chỉ ra rằng bộ phim Seopyeonje về pansori rất nổi tiếng đã mang đến cho giới sinh viên Hàn Quốc những cảm thụ về bản sắc riêng của dân tộc được thể hiện trong các bản anh hùng ca này như thế nào. Và Roald Maliangkay (2007: 177-178) gần đây cũng đã chỉ ra rằng việc bảo tồn các bài ca lao động cổ truyền của hệ thống bảo tồn Hàn Quốc đã cung cấp một phương tiện phục hồi một số nét văn hóa cổ truyền Hàn Quốc mà đã bị các chính sách thuộc địa của Nhật Bản phá hủy trong thời kỳ thực dân.

Cũng có một ý kiến khác được đưa ra để bảo vệ các hình thái văn hóa cổ truyền là chính các hình thái này là nguồn sáng tạo các nét văn hóa mới. Vào những năm 1970 và 1980, ở một số trường đại học, sinh viên đã sử dụng các hình thức cổ của các vũ kịch cải trang làm mô hình cho các vở kịch của họ trong phong trào chống chính phủ. Tương tự, các bài ca cổ của nông dân ( 風物; pungmul) đã trở thành mô hình để sáng tác nhạc gõ đồng diễn samulnori (四物놀이), một loại nhạc rất phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Thế hệ trẻ ít quan tâm hơn đến thời kỳ thực dân hóa văn hóa của Nhật Bản, và đang chạy theo trào lưu phương Tây hóa toàn cầu, đặc biệt là văn hóa Mỹ, và các cách thể hiện của nó.

Chính vì vậy có rất nhiều ý kiến khác nhau giữa các học giả, các nghệ sỹ (Kwon 2009), và người dân nói chung đối với vấn đề các di sản văn hóa phi vật thể cổ truyền nên được bảo tồn một cách nguyên vẹn, hay là cho phép thay đổi và thay đổi ở mức độ nào thì được chấp nhận. Động cơ chính trị ban đầu của hệ thống bảo tồn này đã không còn nữa bởi vì chính phủ Hàn Quốc cũng đã thay đổi, nhưng những động cơ chính trị mới lại xuất hiện khi quốc gia này đang nỗ lực nâng cao uy thế và quyền lực mềm (Nye 2004) để tăng cường tiếng nói của mình trên trường quốc tế.

 

Quyền sở hữu (Di sản thuộc về ai?)

Vấn đề về quyền được sở hữu hạng mục di sản văn hóa phi vật thể đã được đặt ra từ lâu. Vào cuối thể kỷ 17, Johann Gottfried Herder đã thôi thúc các nhà trí thức Đức hướng sự chú ý đến tiếng nói của người nông dân để hiểu được tinh thần dân tộc của họ. Một trong số những người nổi tiếng nhất là Jacob và Wilhelm Grimm, những người có rất nhiều nghiên cứu về nguồn gốc của văn học dân gian. Nhiều nhà trí thức ở các nước khác cũng tìm thấy nguồn cảm hứng trong các bài viết của Herder.

Mục đích chính của các công trình nghiên cứu truyện dân gian của anh em nhà Grimm là để tái tạo lại các truyện thần thoại cổ đại và sử thi của nước Đức, bởi vì họ cho rằng truyện thần thoại và sử thi là do người Đức sáng tạo và đã lan truyền tới nhiều nước khác. “[Tuy nhiên], các học giả ở nhiều quốc gia, những người có chung một mục đích [dân tộc] đã đưa ra bằng chứng bác bỏ tuyên bố này của Grimm” (Dégh 1979: 88). Gần đây, một số nhà trí thức Trung Quốc đã rất bực tức trước việc UNESCO công nhận lễ hội Danoje của Hàn Quốc là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền miệng của nhân loại. Lễ hội này được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch ở thành phố Gangneung. Theo quan điểm của họ, đây là lễ hội của Trung Quốc, vì có nhiều hình thức lễ hội được tổ chức cùng ngày ở Trung Quốc.

Những tranh cãi trên nói chung không khác gì các tranh chấp về lãnh thổ đang rất phổ biến trên toàn thế giới, cũng không khác gì các cạnh tranh trong việc công nhận di sản vật thể. Các ngôi mộ cổ của triều đại Goguryeo của Hàn Quốc nằm ở dải biên giới Trung Quốc ngày nay đang bị tranh chấp bởi hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngược lại, các di sản phi vật thể vượt qua ranh giới quốc gia dễ dàng hơn nhiều so với các ngôi mộ cổ hay tượng đài.

Việc tranh chấp quyền sở hữu di sản văn hóa không chỉ diễn ra giữa các dân tộc mà còn giữa các dân tộc thiểu số và giữa các nhóm dân tộc thiểu số với chính phủ. Ở Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc thổ dân da đỏ cũng đấu tranh với chính quyền liên bang để đòi quyền sở hữu di sản văn hóa của họ. Trong một bài phân tích của mình tại hội nghị UNESCO năm 2003, ông Richard Kurin, thuộc Viện Smithsonian, một nhân vật tích cực của hội nghị, đã đưa ra ý kiến sắc bén về sự liên đới của các nước thành viên trong công tác bảo tồn di sản phi vật thể của UNESCO:

Vấn đề lớn nhất đối với sự kiểm soát của chính phủ trong nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là vấn đề về quyền tự do và nhân quyền. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng các dân tộc thiểu số không hề nhìn thấy chính phủ bảo vệ quyền lợi của họ– đặc biệt đối với các truyền thống văn hóa đang tồn tại, và mang sức sống của các cộng đồng đang phát triển. Lịch sử cho thấy rằng chính phủ thường tập trung vào các nỗ lực nhằm xóa bỏ các tập tục văn hóa bao gồm tôn giáo của cộng đồng dân tộc bản địa, cũng như ngôn ngữ, lễ nghi, và các nhạc cụ, v.v…của họ. [Tuy nhiên], trong quá trình soạn thảo Công ước, và quá trình thảo luận sau đó ở cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Quốc tế chịu trách nhiệm thực hiện Công ước, các đại diện chính phủ vẫn có những ý kiến về sự hạn chế trong quyền hành của họ đối với các cộng động người thiểu số. (Kurin 2007: 13, 15-16).

Một tiếng nói khác trong cuộc tranh luận này là của Amareswar Galla. Ông cho rằng “những người có tiếng nói đầu tiên” phải có quyền trước tiên để trình bày và diễn giải về nền văn hóa bản địa của chính họ, đặc biệt trong các trường hợp các quan chức chính phủ, các chuyên gia nghiên cứu và các nhà môi giới văn hóa lại mang nguồn gốc các dân tộc khác (2008).

Thêm vào đó, vẫn còn một số vấn đề cần được đề cập. Dựa vào tiêu chuẩn nào để xác định cộng đồng văn hóa được quyền bảo vệ di sản phi vật thể? Trong trường hợp Vũ kịch Cải trang của Làng Hahoe, các điều tra dân tộc học cho thấy ngôi làng này có sự phân cấp sâu sắc và những người tinh túy, quyền lực nhất của làng không tham gia vào các vai diễn, và thậm chí cũng không hề tham gia vào lễ hội. Họ chỉ tham gia đóng góp tiền mặt cho lễ hội, bởi lễ hội có vẻ là để quảng bá cho sự màu mỡ của vùng đất nông nghiệp mà hầu hết do họ sở hữu. Những người thuê đất và người làm thuê lại chính là người biểu diễn và khán giả của vũ kịch. Giới chủ đất giải thích rằng nguyên nhân làm cho họ không tham gia vào vũ kịch chính là những màn kịch mang tính kích dục trong đó, nhưng, thái độ kiêu căng đơn thuần của họ cũng rất đáng bị chê cười. Tuy nhiên, ngày nay, gia đình các nghệ sỹ tham gia vào diễn xuất của vở kịch hầu hết đã rời làng quê đển các thành phố của Hàn Quốc để tìm kiếm những cơ hội kinh tế và địa vị xã hội tốt hơn. Vậy thì ai sẽ là người được quyền bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng ngày nay?

Kết luận

UNESCO không ngừng hợp lý hóa các chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của mình. Tổ chức này cũng luôn cân nhắc các yếu tố thiên vị Châu Âu xuất phát từ hệ thống công nhận di sản vật thể, và khuyến khích các nước ủng hộ hơn nữa công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi nước mình. Thêm vào đó, UNESCO cũng loại bỏ giới hạn cho phép mỗi nước được đăng ký một di sản, làm tăng số lượng các di sản được công nhận so với con số trước đây cũng như nâng cao vị thế của các nước sở hữu các di sản này.

Tính không ổn định của tư duy nghiên cứu cũng như của di sản văn hóa phi vật thể cho thấy rằng UNESCO có lẽ cần phải tiếp tục sửa đổi các chính sách của mình trong tương lai. Người ta tự hỏi liệu “các cộng đồng văn hóa” sau này có thể được xác định dựa theo tuổi tác hay không?

Những đột phá kinh tế đã và đang diễn ra ở nhiều nước Châu Á đã tạo ra những khác biệt về văn hóa giữa thế hệ trẻ và thế hệ người cao tuổi. Những lựa chọn thể loại âm nhạc khác nhau, việc sử dụng ngôn ngữ internet, và những kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa của nước khác đang làm nảy nở những khác biệt có thể được xem là các ví dụ giá trị về sự đa dạng văn hóa mà UNESCO đang tìm cách bảo vệ.

Ghi chú

 

 

Bình luận