Sáng ngày 29/11/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Bùi Văn Long với đề tài: Nghệ thuật tạo hình cầu cổ ở châu thổ Bắc Bộ, chuyên ngành: Lý luận và lịch sử mỹ thuật, mã số: 9210101, do GS.TS. Bùi Quang Thanh và TS. Hoàng Đạo Cương đồng hướng dẫn.
Hội đồng bảo vệ luận án
Cầu cổ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của làng quê Việt truyền thống vùng châu thổ Bắc Bộ. Thực chất, cầu là một loại hình kiến trúc công cộng, gắn chặt với đời sống hàng ngày và đáp ứng cho nhu cầu đi lại của con người. Cầu cổ đã trở thành đối tượng của nhiều nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học khác nhau và đã có khá nhiều công bố trên các tạp chí, sách chuyên khảo… Tuy nhiên NCS Bùi Văn Long đã lựa chọn cầu cổ ở châu thổ Bắc Bộ làm đối tượng nghiên cứu bởi các lý do sau:
Thứ nhất, mặc dù cầu cổ vùng châu thổ Bắc Bộ đã được nhiều học giả đề cập đến, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những nghiên cứu đơn lẻ, có tính chất trường hợp. Có những nghiên cứu đã lựa chọn một nhóm cầu cổ để nghiên cứu, nhưng phương pháp và cách tiếp cận chỉ dừng lại ở mức độ chuyên ngành cụ thể nên còn thiếu tính hệ thống và phương pháp còn đơn ngành.
Thứ hai, NCS nhận thấy, cầu cổ là một loại hình kiến trúc độc đáo và mang nhiều giá trị về nghệ thuật tạo hình. Quan sát, nhận diện, ghi chép/ký họa những cây cầu cổ khác nhau, chúng đã trở thành tư liệu, chất liệu tạo hình giúp cho NCS trong việc sáng tác thiết kế.
Thứ ba, Trong quá trình giảng dạy ở khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội, loại hình kiến trúc cầu truyền thống ở Việt Nam nói chung và ở châu thổ Bắc Bộ nói riêng được đưa vào giáo trình, bài giảng cho sinh viên ngành mỹ thuật (thiết kế nói chung và thiết kế nội thất nói riêng). Vì vậy việc tìm hiểu, nghiên cứu cầu cổ là cần thiết, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên và kiến thức cơ bản của môn học.
Thứ tư, trong bối cảnh hiện nay, các kiến trúc cầu truyền thống đang đứng trước sự mai một, mất mát, xuống cấp, hư hỏng. Nguyên nhân là do thời gian, những tác động khác nhau của môi trường tự nhiên, vật liệu kém bền vững, chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn… và đặc biệt, là sự can thiệp thiếu hiểu biết của con người trong quá trình trùng tu, sửa chữa. Việc tìm hiểu và nghiên cứu cầu cổ làm căn cứ khoa học cho công tác bảo tồn, trùng tu, gìn giữ là vô cùng quan trọng và cấp bách.
Thứ năm, NSC lựa chọn cầu cổ ở khu vực châu thổ Bắc Bộ bởi đây là không gian văn hóa truyền thống của người Việt. Đứng từ Thăng Long - Hà Nội, tứ trấn gồm các xứ: Đông, Nam, Đoài, Bắc và mang màu sắc, đặc trưng riêng biệt. Việc định vị loại hình kiến trúc cầu cổ của từng xứ với các đặc trưng riêng biệt và những tương đồng trong phong cách cũng như tạo hình là cần thiết. Từ đó để nhận diện, so sánh cầu cổ Việt Nam với các vùng miền khác, quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
NCS Bùi Văn Long lựa chọn đề tài Nghệ thuật tạo hình cầu cổ ở châu thổ Bắc Bộ làm luận án tiến sĩ của mình với hy vọng góp phần làm sáng tỏ những giá trị nghệ thuật tạo hình góp thêm tiếng nói trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị mỹ thuật và điêu khắc truyền thống, từ đó vận dụng trong sáng tác chuyên môn, đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu, đồng thời cung cấp những tư liệu cần thiết góp phần bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống ở các làng quê Việt Nam.
NCS Bùi Văn Long
Luận án là công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa về mặt lý luận, không chỉ nâng cao tri thức về nghệ thuật tạo hình truyền thống nói chung, mà còn đi sâu vào phân tích, đánh giá, nhận xét có hệ thống các tư liệu về nghệ thuật tạo dáng, trang trí kiến trúc và điêu khắc cầu cổ ở CTBB nói riêng. Thông qua các tài liệu nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài nước cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia... luận án nhằm tổng hợp phân tích, lý giải các tư liệu, quan điểm nghiên cứu khác nhau về nghệ thuật tạo hình, mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc của cầu cổ châu thổ Bắc Bộ. Trên cơ sở đó sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp và hướng đến khẳng định các giá trị, đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc, tạo hình cầu cổ ở Việt Nam.
Luận án góp phần cung cấp những dữ liệu cần thiết để nâng cao nhận thức của người dân sở tại nói riêng và cộng đồng nói chung về giá trị, vai trò, ý nghĩa, đặc trưng của loại hình kiến trúc, nghệ thuật truyền thống này. Từ đó, có những nhận thức đúng đắn về bản sắc văn hóa, lịch sử văn hóa Việt Nam thông qua hệ thống những cây cầu cổ ở các làng quê hiện nay.
Kết quả của luận án đã góp phần vào xây dựng hệ thống lý luận cho ngành nghệ thuật học (phân ngành lịch sử và mỹ thuật Việt Nam). Từ đó, đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, biểu tượng… của hệ thống cầu cổ vùng CTBB trong bối cảnh xã hội đương đại.
Luận án còn là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng cho đội ngũ các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu và những đối tượng quan tâm đến di sản văn hóa truyền thống địa phương. Luận án góp phần bổ sung cho cơ sở khoa học, tài liệu tham khảo trong đào tạo ngành mỹ thuật thiết kế/ứng dụng nói chung và phục vụ cho công việc giảng dạy thiết kế nội ngoại thất nói riêng.
Hội đồng phản biện, đánh giá luận án
GS.TS Bùi Quang Thanh, người hướng dẫn khoa học
Ngoài phần Mở đầu (12 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (6 trang), Phụ lục (56 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (51 trang).
Chương 2: Biểu hiện nghệ thuật tạo hình cầu cổ ở châu thổ Bắc Bộ (48 trang).
Chương 3: Giá trị nghệ thuật tạo hình cầu cổ ở châu thổ Bắc Bộ (48 trang).
NCS Bùi Văn Long đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Bùi Văn Long đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Bùi Văn Long./.
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô
Tin: Lã Lương
Ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục