Sáng ngày 30/12/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Bùi Trung Dũng với đề tài: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, chuyên ngành: Lý luận và lịch sử mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Nguyễn Văn Đỉnh và TS. Trần Đình Hằng đồng hướng dẫn.
Hội đồng bảo vệ luận án
Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, nhà Nguyễn (1802 - 1945) là một trong những triều đại phong kiến có nhiều thành tựu, nhất là trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, nhà Nguyễn đã để lại nhiều di sản có giá trị, trong đó có nghệ thuật chạm khắc gỗ trang trí. Thời Nguyễn, các làng nghề thủ công mỹ nghệ chạm khắc gỗ kế thừa tinh hoa truyền thống điêu khắc gỗ trang trí đình làng của các thế kỷ trước, phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu nổi trội. Với sự phát triển của các làng nghề mộc mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất đa dạng về kiểu dáng, trang trí hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, giàu giá trị nghệ thuật, chất lượng cao…
Những hiện vật đồ gỗ nội thất thời Nguyễn hiện lưu tại các bảo tàng và tư gia cho thấy hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn có những đặc trưng riêng biệt về mô típ, đồ án trang trí, nghệ thuật tạo hình, chức năng, chất liệu và kỹ thuật chế tác. Ngoài đặc trưng về nghệ thuật tạo hình, hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn cũng mang tính biểu tượng cao, ẩn chứa nhiều thông tin cần được “giải mã”.
Ở nước ta việc nghiên cứu hoa văn trang trí đã được tiến hành từ thời Pháp thuộc với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của các tác giả trong và ngoài nước, về thủ công mỹ nghệ chạm khắc gỗ nói chung và đồ gỗ nội thất nói riêng cũng có nhiều nhà khoa học thực hiện những công trình nghiên cứu công phu. Các công trình kiến trúc hay hiện vật điêu khắc gỗ phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu được công bố dưới dạng sách, luận án, luận văn, bài viết mô tả, phân tích cặn kẽ. Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất được công bố.
Vì vậy, nghiên cứu hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn là cần thiết, việc tổng hợp, khái quát những đặc điểm của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, nêu ra những nhận định làm rõ vai trò của hoa văn trang trí trong dòng chảy nghệ thuật tạo hình thời Nguyễn sẽ đem lại một cái nhìn khái quát về giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bổ sung những tư liệu còn thiếu trong nghiên cứu về đồ gỗ nội thất và hoa văn trang trí.
Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, NCS Bùi Trung Dũng lựa chọn đề tài Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn làm luận án tiến sĩ của mình.
NCS Bùi Trung Dũng.
Đề tài luận án Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn của NCS phù hợp với nội dung của ngành Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, nội dung của đề tài phù hợp với tên đề tài. Đây là đề tài mới, trên cơ bản không trùng lặp về đề tài và nội dung với các luận án đã bảo vệ và các công trình khoa học đã công bố cho tới thời điểm hiện nay.
Luận án đã nghiên cứu khá toàn diện và chuyên sâu về nghệ thuật trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, các kết quả nghiên cứu của luận án có sự đóng góp mới góp phần cho nghiên cứu và đào tạo về mỹ thuật truyền thống.
Bên cạnh đó, luận án đã bước đầu xác lập cơ sở lý luận của đề tài, bao gồm việc nghiên cứu thao tác và khái niệm cơ bản cũng như xác định được lý thuyết nghiên cứu như lý thuyết địa văn hoá và lý thuyết tiếp biến văn hoá.
Luận án đã nghiên cứu nội dung và hình thức Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn từ góc độ mỹ thuật học. Đồng thời luận án đã khẳng định được đặc trưng và giá trị của Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn
Kế quả nghiên cứu của luận án sẽ là nguồn tài liệu tham khảo cho công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng văn hoá nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng…
Hội đồng phản biện, đánh giá luận án
PGS.TS Nguyễn Văn Đỉnh và TS. Trần Đình Hằng đồng hướng dẫn.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung luận án được kết cấu 3 chương:
Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (43 trang)
Chương 2. Nhận diện hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn (45 trang)
Chương 3. Đặc trưng, giá trị và vai trò của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn (48 trang)
NCS Bùi Trung Dũng đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Bùi Trung Dũng đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Bùi Trung Dũng./.
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô
Tin, ảnh: Lã Lương
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục