HỘI THẢO THAM VẤN “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045”.

Ngày đăng: 09/07/2024 Lượt xem: 56
Mặc định Cỡ chữ

Hôm nay (09/07), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo diễn ra tại trụ sở Viện VHNTQGVN, 32 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN và ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chủ trì, có sự tham gia của đại diện các đơn vị quản lý nhà nước thuộc các Bộ, ban, ngành, một số UBND tỉnh - thành phố, các tổ chức quốc tế, đại diện một số đơn vị tổ chức văn hóa, nghệ thuật, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp văn hoá sáng tạo, không gian sáng tạo, văn nghệ sỹ, người thực hành văn hóa và các cơ quan báo chí truyền thông.

Ngày 08/09/2016, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Qua thực tiễn 07 năm triển khai thực hiện, Chiến lược còn một số tồn tại hạn chế, nảy sinh nhu cầu phải có một bản chiến lược mới nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải khách quan và cởi mở thừa nhận rằng, hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức cấp bách về phát triển bền vững và năng lực cần có để ứng phó với nhiều khủng hoảng ở quy mô toàn cầu. Bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo sẽ đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới đó để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này”.

Hội thảo tham vấn hôm nay là một hoạt động nằm trong khuôn khổ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” mà Bộ VH-TT&DL giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả các đơn vị khác thực hiện nhằm tạo dựng một diễn đàn trao đổi chuyên sâu và cởi mở của các chuyên gia, những nhà quản lý, cũng như những đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng, xu hướng và đề xuất các giải pháp, định hướng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam từ nay tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045./.

Tin: Anh Tuấn/ Ảnh: Cao Trung Vinh

Bình luận