NHÌN THẲNG NHỮNG ĐIỂM NGHẼN, MỞ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM

Ngày đăng: 09/07/2024 Lượt xem: 58
Mặc định Cỡ chữ

Hội thảo tham vấn "Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) tổ chức ngày 09/07 nhằm mục đích thu thập ý kiến từ các chuyên gia, nhìn nhận thẳng và tháo gỡ những nút thắt cản trở các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo (CNVHST) Việt Nam phát triển. Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chủ trì.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN và ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả điều hành hội thảo.

Năm 2016, Chính phủ ban hành "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã tạo sự chuyển biến tích cực cho các ngành CNVH. Qua 7 năm thực hiện, chiến lược đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nảy sinh nhu cầu có một bản chiến lược mới nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành CNVH Việt Nam.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nêu một số kinh nghiệm thúc đẩy CNVH như: Chú trọng tu bổ các di tích, phối hợp các đơn vị nghiên cứu để bảo tồn các di sản phi vật thể, hỗ trợ cho nghệ nhân, thợ thủ công quảng bá giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống...

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân văn hóa đề cập đến một thành phần có thể xem là đang bị "bỏ bên lề" các chủ trương, chính sách, nghị định liên quan đến CNVHST, đó là lực lượng doanh nhân văn hóa: "Chúng ta đã có rất nhiều chính sách quan tâm đến các thành phần khác, nhưng hầu như chưa có chính sách bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư và nhà quản trị kinh doanh. Các sản phẩm văn hóa sáng tạo luôn được xem xét dưới lăng kính chính trị, lịch sử, văn hóa... do đó luôn vướng các rào cản kiểm duyệt khi tiến ra thị trường, tạo nên những rủi ro lớn cho các nhà đầu tư vào các sản phẩm này. Làm thế nào bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, quản trị kinh doanh trong ngành CNVHST?".

Nhạc sỹ - nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung, Giám đốc công ty Thanh Việt, đơn vị tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival) cho biết, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực văn hóa: “Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên được chia đều cho các đơn vị trong và ngoài Nhà nước để thúc đẩy sự công bằng và khích lệ các doanh nghiệp tư nhân có đóng góp vào công nghiệp văn hóa vì họ cũng có đóng thuế, có trách nhiệm xã hội đầy đủ”

Từ góc độ kinh nghiệm quốc tế, tiến sỹ Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL gợi mở bài học kinh nghiệm về chính sách điều hành văn hóa các nước để phát triển CNVHST. "Nhà nước cần tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa, xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trên các lĩnh vực văn hóa như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật…, giảm thuế đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, cho phép tính các khoản tài trợ cho văn hóa nghệ thuật vào chi phí của doanh nghiệp; sớm có hướng dẫn cách thức “gọi vốn đám đông.”

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng hành trình phát triển các ngành CNVH còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Trên cơ sở thu thập những ý kiến đóng góp chuyên sâu từ các chuyên gia, ban tổ chức sẽ tổng hợp để có một bản đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày càng hoàn thiện./.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc hội thảo.

Bài: Anh Tuấn/ Ảnh: Cao Trung Vinh (VICAS), Hà Nội Mới

Bình luận