Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lưu Việt Thắng

Ngày đăng: 31/12/2023 Lượt xem: 1.600
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 30/12/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lưu Việt Thắng với đề tài: Nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung tại Việt Nam hiện nay, chuyên ngành: Lý luận và lịch sử mỹ thuật, mã số: 9210101, do GS.TS Trương Quốc Bình và PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương đồng hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Trong trang trí kiến trúc Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở giai đoạn năm 2000 trở lại đây, hòa chung vào bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập văn hóa trong nền kinh tế toàn cầu, người dân ở các tỉnh thành lớn bắt đầu chú trọng đến nhu cầu vật chất, tinh thần, hướng đến chất lượng sống ngày càng cao, lĩnh vực nghệ thuật này có nhiều chuyển biến, thể hiện sự đa dạng và đổi mới đáng kể. Đặc biệt, cùng với tinh thần chung của thiết kế thế giới, sự kết hợp giữa không gian kiến trúc, nội, ngoại thất hiện đại và vật liệu truyền thống đang trở thành xu hướng quan trọng, chiếm ưu thế trên thị trường. Những năm gần đây, nhiều công trình sử dụng vật liệu truyền thống của Việt Nam đã được giới chuyên môn quốc tế đón nhận và đạt được các giải thưởng giá trị trong và ngoài nước, như công trình sử dụng kết cấu tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa hay sử dụng vật liệu gạch đất nện của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào… là những minh chứng cho sự nở rộ và thành công của hướng đi này.

Nhìn chung, việc trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung các công trình tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển đầy tiềm năng và cơ hội. Nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật này, mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa và thẩm mĩ trong xã hội, bởi vậy, rất cần được sự quan tâm chú ý ở nhiều góc độ khác nhau như nghiên cứu, đào tạo và thực tế sáng tạo. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, những công trình nghiên cứu chuyên sâu về Nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung tại Việt Nam không nhiều. Những nghiên cứu về gạch của các tác giả trên thế giới hầu hết mới chỉ đề cập dưới góc độ văn hóa, lịch sử, công nghệ, kĩ thuật, kiến trúc, xây dựng. Ở Việt Nam, những nghiên cứu tập trung ở mảng nghệ thuật trang trí sử dụng gạch đất nung trong kiến trúc truyền thống, song, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào đề cập tới vật liệu này ở giai đoạn hiện tại, đứng từ góc nhìn của Mỹ thuật kết hợp với hướng tiếp cận liên ngành.

Là một giảng viên, một nhà thiết kế đam mê khai thác ứng dụng các vật liệu truyền thống vào các công trình hiện đại, NCS Lưu Việt Thắng nhận thấy việc nghiên cứu những biểu hiện tạo hình, đặc điểm, giá trị và hướng phát triển Nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung hiện đại là một việc làm cần thiết và đáng lưu tâm trong lĩnh vực lý luận mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng và đào tạo nhà thiết kế chuyên nghiệp.

Với những lý do nêu trên, NCS đã chọn lựa đề tài: Nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung tại Việt Nam hiện nay làm luận án Tiến sĩ.

NCS Lưu Việt Thắng.

Đề tài luận án Nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung tại Việt Nam hiện nay là đề tài mới, trên cơ bản không trùng lặp về đề tài và nội dung với các luận án đã bảo vệ và các công trình khoa học đã công bố cho tới thời điểm hiện nay.

Về mặt lý luận, luận án là công trình khoa học nghiên cứu có hệ thống về nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung tại Việt Nam dưới góc nhìn Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận về lĩnh vực nghệ thuật này.

Về mặt thực tiễn, luận án cung cấp hệ thống tư liệu và lý luận góp phần hỗ trợ công tác và giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng về văn hoá nghệ thuật.

Kết quả khoa học của đề tài, luận án đã hệ thống tư liệu những công trình kiến trúc sử dụng nghệ thuật trang trí bằng gạch đất nung tiêu biểu ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay. Luận án đã nghiên cứu và chỉ ra các biểu hiện nghệ thuật trang trí bằng gạch đất nung trong kiến trúc biểu hiện qua các hình thức nghệ thuật như bố cục, không gian, màu sắc, ánh sáng và chất lượng… Luận án đã phân tích, khẳng định đặc trưng giá trị văn hoá nghệ thuật của nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

GS.TS Trương Quốc Bình và PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương đồng hướng dẫn.

Ngoài phần Mở đầu (8 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (16 trang) và Phụ lục (113 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (43 trang).

Chương 2: Những biểu hiện của nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay (53 trang).

Chương 3: Đặc điểm, giá trị và bàn luận về Nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng gạch đất nung tại Việt Nam hiện nay (45 trang).

Nghiên cứu sinh Lưu Việt Thắng đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Lưu Việt Thắng đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Lưu Việt Thắng./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

 

Bình luận