Chiều ngày 06/01/2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lý Vân Linh Niê Kdăm với đề tài: Bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk, chuyên ngành: Quản lý văn hoá, mã số: 9229042, do PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm hướng dẫn.
Hội đồng bảo vệ luận án
Âm nhạc của người Ê Đê và đặc biệt là hệ nhạc khí tham gia vào hầu hết các hoạt động của đời sống tinh thần của người Ê Đê, đồng hành với mỗi giai đoạn của đời người, đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và lao động của cộng đồng. Tuy nhiên, những biến đổi của đời sống, lao động sản xuất, kinh tế, xã hội và nhất là xu hướng toàn cầu hóa cũng như sự phát triển của Internet đã có những tác động nhất định đối với văn hóa truyền thống của cộng đồng người Ê Đê. Nền âm nhạc đương đại của người Việt, âm nhạc của nước ngoài nhanh chóng thâm nhập vào đời sống âm nhạc của các tộc người Tây Nguyên nói chung và tộc người Ê Đê nói riêng làm thay đổi tư duy và sở thích thưởng thức âm nhạc của họ, khiến cho âm nhạc truyền thống đang dần đi vào quên lãng, nhất là các nhạc cụ cổ truyền lại càng nhanh chóng bị lãng quên. Người dân ít có điều kiện, thời gian dành cho những hoạt động tự chế tác, tự diễn tấu nhạc cụ truyền thống. Họ không còn sử dụng nhạc cụ truyền thống để trao đổi tình cảm, diễn tấu để cùng nhau thưởng thức âm nhạc dân tộc. Bên cạnh đó, những sinh hoạt cộng đồng do chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa của địa phương tổ chức thường sử dụng nhạc cụ điện tử, âm nhạc mới, nhạc phổ thông của người Việt do sự tiện lợi, phổ biến… mà ít quan tâm đến nhạc dân tộc, âm nhạc truyền thống.
Sau khi “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO ghi danh là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên trải dài từ Bắc xuống Nam có sở hữu âm nhạc liên quan đến cồng chiêng đều triển khai nhiều chương trình, dự án, kế hoạch… để bảo vệ và phát huy âm nhạc cồng chiêng. Các Dự án dạy đánh Čing cho trẻ em do nhà nước tổ chức đã có những hiệu quả rõ rệt nhưng mới chỉ dừng lại ở việc dạy đánh Čing đồng và Čing tre, chưa mở rộng hoặc có chú ý bảo tồn, phát huy các nhạc cụ khác trong đời sống.
Âm nhạc dân gian của các tộc người ở Tây Nguyên, trong đó có người Ê Đê, không chỉ có âm nhạc cồng chiêng. Họ còn có một hệ nhạc khí đa dạng, phong phú và góp phần tạo nên không gian văn hóa đầy bản sắc. Hệ thống nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung, nhạc cụ của người Ê Đê nói riêng gần như không được quan tâm và đã có dấu hiệu mai một, có nhạc cụ thậm chí đã biến mất trong đời sống, văn hóa. Hơn nữa, nền âm nhạc dân gian của người Ê Đê đa số phải thông qua nhạc cụ để truyền bá. Do đó nghiên cứu hệ thống nhạc cụ, kể cả cồng chiêng, là nghiên cứu bảo tồn - phát huy vật thể đối với âm nhạc truyền thống dân tộc - di sản phi vật thể. Đó là nghiên cứu cái cụ thể đồng thời mang tính tổng thể, toàn diện trong không gian văn hóa - phi vật thể của cộng đồng. Các nhạc cụ âm nhạc truyền thống giờ đây gần như vắng bóng trong các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Ê Đê, đặc biệt là nhóm nhạc cụ không phải Čing đồng. Có những nơi, nhiều thanh niên Ê Đê còn không biết tộc người mình có những loại nhạc cụ gì, chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy nhạc cụ, tận tai nghe thấy âm thanh của nhạc cụ truyền thống - dân tộc…
Chính vì vậy, cần phải tìm ra các biện pháp hiệu quả để khai thác hết các chức năng tiềm ẩn của nhạc cụ dân gian truyền thống, đưa chúng trở lại với không gian sinh hoạt văn hóa của dân tộc. Hơn nữa, cần có những phương pháp để cho chính chủ thể - những người đã sáng tạo ra nhạc cụ, có thể phục hồi lại nhạc cụ truyền thống, sử dụng nó trong đời sống mới với những chức năng mới phù hợp với thời đại, đưa âm nhạc - nhạc cụ truyền thống phục vụ tốt nhất cho cộng đồng và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người trong thời đại mới. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các nhà quản lý văn hóa không chỉ đối với việc bảo tồn và phát huy các nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê trong bối cảnh xã hội chạy đua cùng nền giải trí đa phương tiện như hiện nay mà còn phát huy những chức năng mới đối với những nhạc cụ truyền thống, tạo cho nó có một đời sống mới.
Với những lý do và tính cấp thiết trên, NCS đã lựa chọn đề tài nghiên cứu Bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk để thực hiện luận án tiến sĩ của mình.
NCS Lý Vân Linh Niê Kdăm
Luận án của NCS có phần Tổng quan tình hình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bao quát được số lượng lớn các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về về bảo tồn di sản văn hóa nói chung, nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê ở tỉnh Đắc Lắc nói riêng. NCS đã kết hợp được cơ sở lý luận của ngành quản lý văn hoá âm nhạc dân tộc ở văn hoá học cùng cơ sở lý luận cũng như lý thuyết về bảo tồn phát huy giá trị nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê ở tỉnh Đắc Lắc, lựa chọn cách tiếp cận chức năng và xem xét việc thay đổi về mặt chức năng là cơ sở nhặc cụ truyền thống có sự biến đổi để thích ứng với môi trường sử dụng mới hoặc bị lãng quên trong đời sống cộng đồng. Đây là cách tiếp cận mới và phù hợp.
Luận án đã xác lập được cơ sở lý luận phù hợp, trình bày được một số vấn đề liên quan, đặc biệt là sử dụng, vận dụng được các lý thuyết phù hợp triển khai đề tài.
Luận án đã phân tích và làm rõ được thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy hệ thống nhạc cụ truyền thống người Ê đê ở tỉnh Đắc Lắc. Trên cơ sở phối hợp các nghiên cứu định tính, định lượng, kết quả thu được đảm bảo tính chính xác, khách quan, có sự thuyết phục và độ tin cậy.
Luận án đã luận bàn những vấn đề bảo tồn và phát triển, đề xuất một số giải pháp có tính khả thi hướng đến việc góp phần bảo tồn, phát huy phát triển di sản văn hoá trong đời sống đương đại để phù hợp với giải pháp và tính khả thi hướng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị của của nhạc cụ truyền thống của tộc người Ê Đê nói riêng và các tộc người Tây Nguyên khác tại tỉnh Đắk Lắk.
Hội đồng phản biện, đánh giá luận án
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, người hướng dẫn khoa học
Ngoài phần Mở đầu (12 trang), Kết luận (07 trang), Tài liệu tham khảo (12 trang), Phụ lục (65 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận về bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk (39 trang).
Chương 2: Nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê tiếp cận chức năng và thực hành (35 trang).
Chương 3: Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk (35 trang).
Chương 4. Bàn luận và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk (26 trang).
Nghiên cứu sinh Lý Vân Linh Niê Kdăm đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Lý Vân Linh Niê Kdăm đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Quản lý văn hoá cho NCS Lý Vân Linh Niê Kdăm./.
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô
Tin, ảnh: Lã Lương
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục